Nhân vật Đam San. Ảnh minh họa: Internet
|
Nội dung của sử thi xoay quanh nhân vật Đam San. Theo tục nối dây trong chế độ mẫu hệ, Đam San phải lấy hai chị em Hơ Nhị và Hơ Bhị làm vợ. Anh đã tìm mọi cách để cưỡng lại số mệnh, nhưng trời "đã chống gậy hèo đến thu xếp việc cưới hỏi", buộc anh phải khuất phục trước sức mạnh của tập tục.
Tuy nhiên khi về đến nhà vợ, Đam San tiếp tục chống lại cuộc hôn nhân đó. Anh không chăm lo công việc nhà vợ, không chăm sóc vợ và bỏ về nhà chị ruột. Hành động tiêu biểu nhất là Đam San chặt cây smuk, một thứ cây thần, cây "linh hồn", cây "tổ tiên", cây "sinh ra Hơ Nhị và Hơ Bhị". Do những hành động trên của Đam San, Hơ Nhị và Hơ Bhị đã hai lần chết. Song khi vợ chết, anh khóc thương "người vợ mà thần linh ban cho" và xin thần linh ban phép cho vợ sống lại.
Là tù trưởng anh hùng, Đam San lập nên những kỳ tích như thuần phục voi dữ, làm rẫy, bắt cá... Kỳ tích lẫy lừng hơn cả là chiến thắng hai tù trưởng thù địch Mtao Grư và Mtao Mxây (hai tù trưởng đã cướp vợ anh). Đam San chiến thắng, tôi tớ và dân làng của tù trưởng thù địch tự nguyện mang của cải đi theo. Cứ mỗi lần như vậy, anh lại thêm giàu mạnh, uy tín càng cao.
Với khát vọng trở thành tù trưởng hùng mạnh, vươn tới cuộc sống phóng khoáng, Đam San đi cầu hôn Nữ thần Mặt Trời, nhưng thất bại và bị chết trong rừng sáp đen. Sau khi chết, anh biến thành con ruồi và chui vào mồm chị gái mình. Chị gái Đam San sinh ra Đam San cháu (cháu Đam San), tiếp tục đi trên con đường của cậu mình.
Người Ê đê cư trú tập trung nhiều nhất ở tỉnh Đăk Lăk.
Theo Cổng thông tin điện tử Ủy ban dân tộc, người Ê đê đã có mặt từ rất lâu ở khu vực miền trung - Tây Nguyên của Việt Nam. Dấu vết về nguồn gốc hải đảo của dân tộc Ê đê được phản ánh từ các sử thi và trong nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình dân gian.
Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, có hơn 330 nghìn người Ê đê cư trú ở Việt Nam. Trong đó, khoảng 90% cư trú tại Đăk Lăk. Phú Yên, Đăk Nông và Khánh Hòa cũng có nhiều người Ê đê sinh sống
Trang phục của người Ê đê
Theo Cổng thông tin Chính phủ, trang phục truyền thống của người Ê đê có màu đen hoặc màu chàm, điểm những hoa văn sặc sỡ. Phụ nữ mặc áo, quấn váy. Đàn ông đóng khố, mặc áo. Người Ê đê ưa dùng các đồ trang sức bằng bạc, đồng, hạt cườm.
Trang phục truyền thống của người Ê đê. Ảnh: Internet
|
Cụ thể, trang phục của nam giới Ê đê gồm áo và khố. Áo có hai loại. Một là loại dài tay, khoét cổ hình chữ V để chui đầu, thân dài trùm mông, xẻ tà. Trên nền màu sẫm của thân, ống tay áo, viền cổ, nơi xẻ tà gấu áo được trang trí vài viền đỏ, trắng. Đặc biệt, khu vực giữa áo có mảng kẻ ngang trong bố cục hình chữ nhật. Đây là loại áo khá tiêu biểu của nam giới người Ê đê. Loại thứ hai là áo dài quá gối, khoét cổ, ống tay bình thường không trang trí.
Ngoài hai loại trên còn có loại áo cộc tay đến khuỷu hoặc không có tay. Loại áo có giá trị nhất là ktêh của những người quyền quý với dải hoa văn "đại bàng dang cánh" ở dọc hai bên nách, gấu áo phía sau lưng có đính hạt cườm.
Khố có nhiều loại và được phân biệt ở độ ngắn dài và hoa văn trang trí. Các loại khố đẹp nhất là ktêh, drai, đrêch, piêk, còn các loại bong, băl là khố thường.
Với trang phục nữ, áo là loại ngắn dài tay, khoét cổ (loại cổ thấp hình thuyền), mặc chui đầu. Thân áo dài đến mông, khi mặc cho ra ngoài váy. Trên nền màu chàm, áo được trang trí bằng các đường viền kết hợp với dải hoa văn nhỏ bằng sợi màu đỏ, trắng, vàng ở cổ áo, bả vai, cánh tay, cửa tay và gấu áo.
Cùng với áo, phụ nữ Ê đê mặc váy mở (tấm vải rộng làm váy) quấn quanh thân. Váy được trang trí bằng các đường nằm ngang ở mép trên, mép dưới và giữa thân với những màu tương tự như áo.
Váy có nhiều loại phân biệt bằng số lượng hoa văn trang trí. Váy loại tốt có tên là myêng đếch, myêng đrai, myêng piêk. Loại bình thường mặc đi làm rẫy là bong. Ngoài ra, phụ nữ còn có áo lót cộc tay.
Chế độ mẫu hệ của người Ê đê
Người Ê đê theo chế độ mẫu hệ. Trong gia đình, chủ nhà là phụ nữ, con cái mang họ mẹ, của cải và đất đai sẽ được truyền từ mẹ sang con gái chứ con trai không được hưởng thừa kế.
Đàn ông Ê đê cư trú trong nhà vợ. Nếu vợ chết và bên nhà vợ không còn ai thay thế thì người chồng phải về với chị em gái mình và khi chết sẽ được đưa về chôn cất bên người thân của gia đình mẹ đẻ.
Nhà truyền thống của người Ê đê
Nhà của người Ê đê thuộc loại nhà sàn dài, phù hợp với gia đình lớn mẫu hệ (gia đình càng đông thì nhà càng dài). Nhà có bộ khung với kết cấu đơn giản nhưng lại mang những đặc trưng riêng không giống nhà của các cư dân thuộc dân tộc khác ở Tây Nguyên.
Ngôi nhà dài 42,5 m được dựng tại Bảo tàng dân tộc học trên cơ sở ngôi nhà làm từ năm 1967 của gia đình bà H’Đách Êban ở buôn Ky, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Ảnh: Bảo tàng dân tộc học Việt Nam
|
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, cái được coi là đặc trưng của nhà Ê đê là hình thức của thang, cột sàn và cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt.
Nhà gồm hai phần. Nửa đằng cửa chính gọi là Gah, là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của đại gia đình mẫu hệ, có bếp chủ, ghế khách, ghế chủ, ghế dài (tới 20 m), chiếng ché... Nửa còn lại gọi là Ôk, là nơi nấu ăn chung và chỗ ở của các đôi vợ chồng. Ôk được chia đôi theo chiều dọc, phần về bên trái được coi là "trên", chia thành nhiều gian nhỏ. Phần về bên phải là hành lang để đi lại, về phía cuối là nơi đặt bếp...
Mỗi đầu nhà có một sân sàn. Sân sàn ở phía cửa chính được gọi là sân khách. Muốn vào nhà phải qua sân sàn. Nhà càng khá giả thì sân khách càng rộng, khang trang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét