Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Tỉnh có số tiến sĩ đỗ đại khoa các triều đại nhiều nhất cả nước.

 Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 mất năm 1442, quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương), sau dời đến làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội).
Năm 1400, ông thi đỗ Thái học sinh và từng làm quan dưới triều Hồ. Sau khi đất nước rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo với vai trò là mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn, soạn thảo văn thư ngoại giao.
Năm 1442, do bị hàm oan, gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông.
Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng lớn của Việt Nam, nhà thơ, nhà địa lý, nhà ngoại giao. Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như Bình Ngô đại cáo - bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam sau bài Nam Quốc sơn hà thời Lý; Quân trung từ mệnh tập - tập hợp văn thư do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi gửi cho nhà Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Ở lĩnh vực địa lý, ông là tác giả bộ Dư địa chí, bộ sách về địa lý học cổ nhất còn lại của Việt Nam. Ở lĩnh vực thơ phú, Nguyễn Trãi để lại rất nhiều tác phẩm như Ức Trai thi tập (tập thơ bằng chữ Hán, gồm 105 bài thơ), Quốc âm thi tập (tập thơ bằng chữ Nôm, gồm 254 bài thơ), Chí Linh sơn phú (bài phú bằng chữ Hán), Băng Hồ di sự lục (thiên tản văn bằng chữ Hán)…
Năm 1980, nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO đã công nhận ông là danh nhân văn hóa thế giới, đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm một cách trang trọng tại Việt Nam và nhiều nước khác.

Ở quê Chí Linh (Hải Dương), hiện có đền thờ Nguyễn Trãi, nằm trong quần thể khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi quê ở Hải Dương

Mạc Đĩnh Chi (1286-1350) tự là Tiết Phu, quê ở làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Theo sử cũ, ông có ngoại hình xấu xí nhưng bù lại rất thông minh, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Vì nhà nghèo, Đĩnh Chi không thể đến lớp cùng bè bạn, chỉ đứng ngoài nghe lỏm thầy giảng bài.
Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông, triều đình mở khoa thi, Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên khi mới hơn 20 tuổi. Thời xưa, người được chấm đỗ thi Đình phải vào yết kiến để vua xét dung mạo rồi mới quyết định cho đỗ hay không. Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt, vua thấy tướng mạo ông xấu xí nên có ý không muốn cho đỗ trạng.
Biết ý vua, ông đã làm bài Ngọc tỉnh liên phú để gửi gắm chí khí của mình. Ông lấy hình ảnh hoa sen trong giếng ngọc đề cao phẩm chất và phong thái cao quý của một người khác thường, vượt xa người khác về mọi mặt, song không muốn a dua với người tầm thường để mong cho đời biết đến. Vua Trần Anh Tông xem xong khen là thiên tài rồi cho đậu.
Thời gian đi sứ ở Trung Quốc, nhân có người dâng quạt lên, vua Nguyên đã yêu cầu sứ thần Đại Việt đề thơ về chiếc quạt. Bài thơ của Mạc Đĩnh Chi ý sắc nét, vua Nguyên xem xong, gật gù khen ngợi rồi đích thân hạ bút phong Lưỡng quốc Trạng Nguyên.
Hiện, đền Long Động thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương thờ Mạc Đĩnh Chi. Năm 1992, Nhà nước xếp hạng đây là di tích lịch sử quốc gia. 
Ngoài Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Hải Dương còn là quê hương của nhiều danh nhân, như: đại danh y Tuệ Tĩnh, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài... Trong gần 3.000 tiến sĩ đỗ đại khoa các triều đại, tỉnh Hải Dương đóng góp nhiều nhất với hơn 480. Làng Mộ Trạch (Bình Giang, Hải Dương) được gọi là "lò tiến sĩ" khi sản sinh 36 vị đỗ đại khoa.

Hải Dương xưa kia nằm trong xứ Đông

Xưa kia, vùng đất quanh Thăng Long (Hà Nội ngày nay) được chia làm tứ trấn gồm: vùng núi phía tây được gọi là trấn Sơn Tây (hay xứ Đoài), vùng núi phía nam được gọi là trấn Sơn Nam, vùng ven biển phía đông được gọi là trấn Hải Đông (hay xứ Đông), vùng phía bắc Hà Nội được gọi là trấn Kinh Bắc.
Xứ Đông gồm các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên, Thái Bình. Trung tâm của xứ Đông là trấn Hải Đông xưa, nay là thành phố Hải Dương.
Hải Dương nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng, là một trong bảy tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tiếp giáp với các địa phương sau: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên. Trung tâm hành chính là thành phố Hải Dương, cách Hà Nội 57 km.  
Diện tích của Hải Dương là 1.662 km2, dân số năm 2016 hơn 2,4 triệu. Tỉnh có 12 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh và 10 huyện: Nam Sách, Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Cẩm Giàng và Bình Giang. 
dung-hai-duong-khong-giap-nam-dinh
Bản đồ tỉnh Hải Dương.
Với địa hình 89% là đồng bằng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, Hải Dương có tới 25 khu công nghiệp. Xét về cơ cấu kinh tế, công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng lớn, trên 50%; nông nghiệp - thủy sản trên 16%; dịch vụ chiếm trên 22%

Đặc sản của Hải Dương

Bánh đậu xanh là đặc sản của tỉnh Hải Dương. Để tạo nên những chiếc bánh đậu xanh thơm ngon, người làm phải chọn được loại đậu xanh chất lượng, hạt mẩy, đều, bên trong vỏ có màu vàng. Ngày nay, khi sản xuất với số lượng lớn, người làm bánh phải chọn mua đậu xanh từ vùng Chí Linh, Hải Dương hoặc từ các tỉnh ngoài như Bắc Ninh, đôi khi tận Gia Lai, Kon Tum.
Rang là khâu quan trọng để tạo nên những chiếc bánh thơm ngon. Nếu rang cháy bánh sẽ bị khét, rang chưa tới thì đậu có mùi ngái. Đậu xanh sau khi rang được ủ một ngày rồi mới đưa ra tách vỏ và xay thành bột. 
Bên cạnh đậu xanh, người làm bánh cần thêm nguyên liệu là đường và dầu ăn để phối trộn với bột. Sau khi trộn, bột bánh được đưa ra ngoài ủ trong vòng 8-24 tiếng để đường, dầu và bột đậu hòa quyện với nhau rồi mới đưa ra máy cán. Làm như vậy bánh giúp tơi xốp và tan nhanh trong miệng khi ăn.
dung-banh-dau-xanh-la-dac-san-cua-hai-duong
Bột đậu xanh sau khi phối trộn được công nhân dùng khuôn bánh định hình rồi gói lại trong lớp giấy bạc. Đây là công đoạn được làm thủ công bằng tay bởi nó đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận. 
Cái quý và độc đáo của sản phẩm nằm ở công đoạn rang đỗ vàng đều, bột xay mịn. Trước kia, bánh đậu xanh không được gói trong giấy bạc, nhưng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển đi xa mà người làm nghĩ ra cách này để chống ẩm và bảo quản bánh được lâu hơn.
Hiện nay, thành phố Hải Dương có khoảng 40 cơ sở làm bánh đậu xanh, cho sản lượng khoảng 13.000 tấn mỗi năm. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, châu Âu.
Ngoài bánh đậu xanh, Hải Dương còn nổi tiếng bởi món bánh dày Gia Lộc, bánh gai Ninh Giang, vải thiều Thanh Hà, rươi Tứ Kỳ, bánh đa gấc Kẻ Sặt..

Xuân Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét