Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Tỉnh Đăk Nông nằm trọn trên cao nguyên M'Nông

M'Nông là một trong những cao nguyên ở khu vực Tây Nguyên, bao trùm diện tích tỉnh Đăk Nông và một phần lấn sang Campuchia. Cao nguyên có độ cao trung bình 800 m so với mực nước biển, điểm cao nhất là đỉnh núi Nam Decbri 1.580 m. 
Phía nam cao nguyên M'Nông là cao nguyên Di Linh thuộc tỉnh Lâm Đồng với giới hạn là đoạn sông Đồng Nai và sông Đăk Dung, phía đông là cao nguyên Lâm Viên, phía bắc là tỉnh Đăk Lăk và Campuchia.
Địa hình Đăk Nông như hai mái của ngôi nhà mà đường nóc là dãy núi Nam Nung, có hướng thấp dần từ Đông sang Tây, bị chia cắt mạnh, có sự xen kẽ giữa các núi cao hùng vĩ, hiểm trở với cao nguyên rộng lớn, dốc thoải và xen kẽ dải đồng bằng thấp trũng. 
Nhìn tổng thể, Tây Nguyên không phải là một cao nguyên duy nhất mà là một loạt cao nguyên liền kề như Kon Tum cao khoảng 500 m; Kon Plông, Kon Hà Nừng, Pleiku 800 m; M'Drăk 500 m; Buôn Ma Thuột 500 m; M'Nông 800-1.000 m; Lâm Viên 1.500 m và Di Linh 900-1.000 m. 

Sêrêpôk là con sông lớn nhất chảy qua Đăk Nông

Sông Sêrêpôk (tiếng Campuchia là Tongle Xrepok) là dòng sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi ở Đăk Nông và Đăk Lăk. Đây là một chi lưu quan trọng trong hệ thống sông Me Kong.
Sêrêpôk dài 406 km, khi chảy qua huyện Cư Jút (tỉnh Đăk Nông), lòng sông trở nên hẹp và dốc, tạo ra các thác nước lớn hùng vĩ, vừa có cảnh quan thiên nhiên đẹp, vừa có tiềm năng thủy điện mang lại giá trị kinh tế, như: thác Trinh Nữ, Dray H'Linh, Gia Long, Đray Sap. 
dung-serepok-la-con-song-lon-nhat-chay-qua-dak-nong
Một đoạn sông Sêrêpôk. Ảnh: Wikipedia
Ngoài ra, Đăk Nông còn có sông Krông Nô, bắt nguồn từ dãy núi cao trên 2.000 m phía Đông Nam tỉnh Đăk Lăk, chảy qua huyện Krông Nô. Krông Nô có ý nghĩa rất quan trọng đối với sản xuất và đời sống dân cư trong tỉnh. 
Trên địa bàn tỉnh này còn có nhiều hồ, đập lớn, vừa giữ nước cho sản xuất nông, công nghiệp, thủy điện, vừa để phát triển du lịch như Hồ Tây, EaSnô, Ea T'Linh, Đăk Rông, Đak Đier, Đăk R'tih, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4.

Đăk Nông chưa có thành phố trực thuộc

dung-dak-nong-chua-co-thanh-pho-truc-thuoc
Thị xã Gia Nghĩa. Ảnh: Báo Đăk Nông
Từ năm 2014, tỉnh Đăk Nông được tái lập khi Quốc hội quyết định chia tách tỉnh Đăk Lăk thành 2 tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông. Đăk Nông có diện tích tự nhiên hơn 6.500 km2, hiện có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thị xã Gia Nghĩa và các huyện Cư Jut, Đăk Mil, Krông Nô, Đăk Song, Đăk Rlâp, Đăk Glong, Tuy Đức.
Đây là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên và là một trong 2 tỉnh ở Việt Nam - cùng với Bình Phước - chưa có thành phố trực thuộc.
Đăk Nông ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn. Tỉnh nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Người M'Nông có số dân đông thứ hai ở Đăk Nông

Đăk Nông là vùng đất giao thoa, hội tụ những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên.
Theo thống kê năm 2016, dân số tỉnh này là 636.000. Dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ khoảng 65%, M'Nông chiếm gần 10%, còn lại là người Thái, Ê Đê, Nùng.
Vùng đất còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng riêng thể hiện qua các lễ hội gắn với đời sống tâm linh huyền bí như sử thi, sinh hoạt cồng chiêng, các điệu múa dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục và cả luật tục duy trì sự ổn định của cộng đồng.
dung-nguoi-mnong-co-so-dan-dong-thu-hai-o-dak-nong
Một lễ hội của người M'Nông. Ảnh: Báo Đăk Nông
Có giả thuyết cho rằng, "Đăk" trong tiếng M'Nông nghĩa là vùng đất, nước; "Đăk Nông" nghĩa là vùng đất của người M'Nông. 
Người anh hùng người M'Nông trong kháng chiến chống Pháp ở Đăk Nông
N'Trang Lơng (1870-1935) là tù trưởng người dân tộc M'Nông, nổi dậy kháng chiến chống Pháp ở Nam Tây Nguyên (giáp ranh Campuchia) suốt 24 năm đầu thế kỷ 20. Ông quê ở Bon Bu Par (Pu Pơ), khu vực suối Đắk Dưr, nay là xã Đăk R'tih (huyện Tuy Đức, Đăk Nông).
Đồng bào M'Nông thường gọi N'Trang Lơng là Ama N'Trang Lơng (Ama nghĩa là cha; N'Trang nghĩa là trong sáng, tài giỏi, anh hùng; Lơng là tên của ông).
Theo sử liệu địa phương, N'Trang Lơng tài cao, đức rộng. Ông có nhiều nương rẫy lại biết tính toán làm ăn nên đến mùa thu được nhiều lúa, ngô, nuôi được nhiều gia súc. N'Trang Lơng trở thành người giàu có nhất trong vùng, khắp cao nguyên M'Nông ai cũng biết.
Sự khác biệt cách phát âm và ký âm dẫn đến tên gọi N'Trang Lơng được diễn giải theo nhiều cách. Tác giả Nguyễn Hữu Thấu trong một bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 69, năm 1964) đã ghi thành Nơ Trang Lơng. Một số cách gọi khác là Ama Trang Lơng (theo cách gọi của người Ê Đê), hay Nơ Trang Long, Ama Trang Long hoặc thuần Việt như Ma Trang Sơn.
Năm 2009, Sở Văn hóa - Thông tin Đăk Nông đã có cuộc họp mở rộng, thống nhất cách ghi tên ông là N'Trang Lơng.
Tên của ông được đặt cho một con đường khá lớn ở quận Bình Thạnh, TP HCM nhưng lại được ghi là Nơ Trang Long.
Ở huyện Tuy Đức, Đăk Nông có một đặc sản nổi tiếng xuất xứ từ Nhật Bản
Từ những năm đầu mới thành lập tỉnh, người dân xã Đắk Búk So (huyện Đắk R'lấp, nay thuộc huyện Tuy Đức) đã đưa giống khoai lang Benzen có nguồn gốc từ Nhật Bản về trồng.
Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên khoai lang ở Tuy Đức đạt năng suất cao, mang hương vị đặc trưng thơm ngon, bùi ngọt, hàm lượng tinh bột và dinh dưỡng cao. Sản phẩm này được thu mua để sản xuất ra các mặt hàng như bánh, mứt, kẹo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore.
chinh-xac-dap-an-la-khoai-lang
Người dân thu hoạch khoai lang Tuy Đức. Ảnh: Báo Đăk Nông
Sản phẩm khoai lang Tuy Đức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) công nhận nhãn hiệu từ năm 2012, trở thành cây kinh tế làm giàu không thua kém các loại cây công nghiệp khác.
Ở Đăk Nông còn có nhiều đặc sản khác được du khách ưa chuộng như cà phê Đức Lập, hạt tiêu Đăk N'Rung, bơ sáp Đăk Mil, xoài Đăk Găn.

Mạnh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét