"Miền đất võ" là cách gọi của dân gian khi nhắc đến một tỉnh miền Trung, nơi già trẻ, nam nữ đều ít nhiều biết đánh võ.
Cố võ sư Phan Thọ, huyền thoại võ thuật với thế võ "Ngũ trảo" vang danh thiên hạ. Ảnh: Đào Tiến Đạt
Dưới triều Lê Thánh Tông, đất Bình Định được sáp nhập vào Đại Việt, trở thành vùng phiên trấn, phên giậu của Tổ quốc ở phương Nam. Ngoài người bản địa (gồm Chăm, Bana, H'rê), những cư dân Việt đầu tiên đến Bình Định là từ các nguồn quan lại do triều đình bổ nhiệm, dân khai hoang xiêu tán từ miền ngoài vào, các tội nhân lưu đày viễn châu…
Vùng đất mới thâu nhận đủ mặt anh hào tứ chiếng, ngoài các luồng di cư có tổ chức hoặc tự phát, còn có cả gia nô bị buôn lậu, trẻ con bị bắt cóc.
Trong cuộc mưu sinh, để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và sự phức tạp của một xã hội chưa định hình, võ nghệ dân gian được phát huy cao độ, gồm võ của người bản địa, võ của bốn phương lưu dân, võ của người nước ngoài (võ Tàu do bộ phận cư dân Trung Hoa trốn tránh Mãn Thanh di cư sang).
Trải qua nhiều thế kỷ, người Bình Định không ngừng nghiên cứu, sáng tạo và đã có một sự nghiệp võ thuật độc đáo. Tinh hoa của võ thuật Bình Định được phát huy cao độ và đạt huân công trong phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nên thường được gọi là võ Tây Sơn, ngày nay gọi chung là võ Bình Định.
Trong dân gian Bình Định cũng như trong các võ đường nổi tiếng còn lưu giữ khá nhiều tư liệu về võ kinh, võ lý, võ đạo, võ thuật, võ y và võ nhạc, phần thực hành cũng như văn bản truyền qua các đời.
Võ cổ truyền Bình Định mỗi thời kỳ đều có sự thăng hoa gắn liền với tên tuổi trở thành niềm tự hào. Giai đoạn trước Tây Sơn có Chàng Lía, Trương Đức Thường, giai đoạn chuẩn bị cho phong trào khởi nghĩa nông dân có Trương Văn Hiến (thầy giáo Hiến), Đinh Văn Nhưng (ông Chảng).
Thời Tây Sơn (1788-1802), ngoài ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, có các tướng lĩnh Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Tuyết, Đặng Văn Long… Người ta đã dùng mỹ danh để tôn vinh những nhân vật thời đại như Tây Sơn Tam Kiệt, Tây Sơn Thất Hổ Tướng, Tây Sơn Ngũ Phụng Thư, Tây Sơn Lục Kỳ Sĩ, Tây Sơn Tứ Danh Sư.
Thời chống Pháp, Tăng Bạt Hổ, Mai Xuân Thưởng, Võ Trứ đều là những đại danh trong làng võ Bình Định.
Võ cổ truyền đi vào nếp sống của người dân Bình Định, từ trẻ đến già, không phân biệt nam nữ. Vì vậy mà dân gian có câu ca nổi tiếng "Ai về Bình Định mà coi; Con gái Bình Định đánh roi đi quyền".
Địa danh Bình Định trở thành tên gọi hành chính chỉ vùng đất ngày nay xuất hiện từ thời Nhà Nguyễn
Tháng 7/1471, vua Lê cho lập phủ Hoài Nhơn gồm ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Từ đó người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay.
Năm 1570, Nguyễn Hoàng, người được vua Lê cử trấn nhậm hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam lúc bấy giờ có cả phủ Hoài Nhơn. Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn.
Năm 1651, dưới thời Nguyễn Phúc Tần, chúa cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Ninh. Năm 1702, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên cũ là Quy Nhơn và vẫn được gọi suốt thời kỳ Tây Sơn.
Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đặt các đạo làm dinh, nhưng cấp phủ vẫn giữ nguyên. Phủ Quy Nhơn vẫn thuộc về dinh Quảng Nam, đặt các chức tuần phủ và khám lý để cai trị. Phủ lỵ được dời ra phía Bắc thành Đồ Bàn, đóng tại thôn Châu Thành (nay thuộc xã Nhơn Thành, An Nhơn).
Năm 1773, cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em nhà Tây Sơn do Nguyễn Nhạc đứng đầu đã phát triển xuống Tây Sơn hạ đạo, chiếm lĩnh đất Kiên Thành (nay là Kiên Mỹ) nơi từng sinh ra các thủ lĩnh Tây Sơn. Nguyễn Nhạc tự xưng là đệ nhất trại chủ cai quản hai huyện là Phù Ly và Bồng Sơn. Cùng trong năm đó, nghĩa quân Tây Sơn tiếp tục đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn.
Tháng 3/1776, Nguyễn Nhạc cho sửa chữa và xây thêm thành Đồ Bàn, rồi đổi tên là thành Hoàng Đế, tự xưng Tây Sơn vương, cho đúc ấn vàng, phong cho Nguyễn Lữ làm Thiếu phó, Nguyễn Huệ làm Phụ chính, các tướng lĩnh khác đều được phong chức cho tương xứng với một chính quyền Trung ương mới được thành lập.
Năm 1793, sau khi vua Quang Trung mất, thành Hoàng Đế đổi thành phủ Quy Nhơn dưới vương triều Cảnh Thịnh, cũng là bước đường suy yếu của Tây Sơn.
Từ năm 1799-1802, thành Quy Nhơn bị quân Nguyễn Ánh chiếm đóng và đổi làm thành Bình Định.
Đến năm 1885, Bình Định là một tỉnh lớn ở Trung Kỳ, nhiều vùng đất của Gia Lai, Kon Tum còn thuộc về Bình Định.
Năm 1890, thực dân Pháp sát nhập thêm Phú Yên vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú, tỉnh lỵ là Quy Nhơn. Sau nhiều lần chia tách, năm 1913, tỉnh Bình Định được tái lập.
Bình Định có bờ biển dài 134 km
Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung, lãnh thổ trải dài 110 km theo hướng Bắc - Nam. Tỉnh có diện tích tự nhiên 6.025 km2, diện tích vùng lãnh hải 36.000 km2.
Phía bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp Phú Yên, phía Tây giáp Gia Lai, phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 134 km.
Bình Định được đánh giá có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, được xem là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng nam Lào, đông bắc Campuchia.
Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, với độ chênh lệch khá lớn. Các dạng địa hình phổ biến là vùng núi, đồi và cao nguyên (chiếm 70% diện tích toàn tỉnh) với độ cao trung bình 500-1.000 m.
Dân số Bình Định năm 2015 khoảng gần 2 triệu. Hiện, tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát, Tuy Phước, Vân Canh.
Sân bay Phù Cát
Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và đường biển ở Bình Định khá thuận lợi.
Đường bộ có quốc lộ 1A đoạn qua Bình Định dài 118 km, quốc lộ 1D 20,7 km; quốc lộ 19 dài 69,5 km. Đường sắt Bắc - Nam đi qua Bình Định dài 148 km gồm 11 ga, trong đó ga Diêu Trì là đầu mối của tất cả tàu trên tuyến đường sắt.
Về đường hàng không, sân bay Phù Cát (thuộc địa giới hành chính huyện Phù Cát) cách thành phố Quy Nhơn 30 km về phía tây bắc, có đường băng dài 3.050 m.
Bình Định có cảng biển quốc tế Quy Nhơn với khả năng đón tàu tải trọng 2-3 vạn tấn, cách phao số 0 khoảng 6 hải lý, cách hải phận quốc tế 150 hải lý. Hiện cảng có 6 bến với 840 m cầu cảng, khoảng 17.680 m2 kho, 12.000 m3 bồn và trên 200.000 m2 bãi. Lượng hàng qua mỗi năm 4-5 triệu tấn.
"Bàn Thành tứ hữu" là tên gọi một nhóm nhà thơ nổi tiếng của đất Bình Định
Đầu thế kỷ 20, trong dòng thơ văn tiền chiến 1930-1945 xuất hiện phong trào Thơ Mới. Bình Định được đánh giá là nơi bùng phát một trào lưu sáng tác cùng với những nhà thơ xuất sắc như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Cù Huy Cận...
Bình Định bấy giờ có một nhóm người yêu thơ do Trần Thống ở Kiên Mỹ đại diện, đặt tên là "Bàn Thành tứ hữu". Nhóm thơ gồm Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn. Bốn người này mang tên một con vật trong bộ Tứ linh.
Bình Định không chỉ nổi tiếng là đất võ mà còn là vùng đất của các thi nhân, nhạc sĩ nổi tiếng. Do đó, vùng đất này được du khách bốn phương ví là đất võ, trời văn.
Cầu Thị Nại
Thị Nại là cây cầu vượt biển, nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội).
Công trình được khởi công năm 2002 và hoàn thành cuối năm 2006, khi đó là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam.
Phần chính của cầu dài 2.477 m, rộng hơn 14 m. Tính cả phần hệ thống đường dẫn, cầu dài 7 km với 5 cầu ngắn. Cầu chịu xe trọng tải 30 tấn và xe bánh xích trọng tải 80 tấn.
Ghềnh RángNằm ở phía đông nam thành phố Quy Nhơn, Ghềnh Ráng là một quần thể sơn thạch chạy sát biển với đá chất trập trùng tạo thành hang, thành gành với phong cảnh kỳ thú.
Khí hậu trong lành và phong cảnh hữu tình nơi đây đã được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ mát từ năm 1927. Dưới chân Ghềnh Ráng là bãi tắm độc đáo với vô số viên đá cuội được sóng biển mài nhẵn, dành riêng cho hoàng hậu Nam Phương nên còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu. Từ trên sườn đồi có thể ngắm bao quát toàn bộ phía đông thành phố Quy Nhơn như một bức tranh thủy mặc.
Sự giao hòa của trời và đất, của núi và biển mang đến cho Bình Định vẻ đẹp lãng mạn như một bức tranh thủy mặc với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách. Ngoài Ghềnh Ráng, Bình Định có hàng chục điểm đến lý thú cho du khách như biển Quy Hòa, biển Nhơn Lý - Cát Tiến, đầm Thị Nại, Đảo Yến, Hòn Khô, Mũi Vi Rồng, Hầm Hô...
Mạnh Tùng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét