Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Tỉnh đông dân nhất đồng bằng sông Cửu Long

Tượng đài cá basa



Đầu năm 2004, tỉnh An Giang khánh thành tượng đài cá basa tại công viên ngã ba sông ở Châu Đốc, nhằm tôn vinh những con người đã có công thuần dưỡng loài thủy sản có ích, giúp hàng chục nghìn dân thoát đói nghèo.
Công trình cao 14 m, toàn bộ thiết kế khung thép, đúc bê tông. Nhìn tổng thể tượng đài có hình dáng cách điệu một bè cá mà phần ngọn là hình con cá basa lao lên khỏi mặt nước.
tuong-dai-ca-basa-o-tinh-nao
Tượng đài cá basa.
Cá basa tên khoa học Pangasius bocourti, là loại cá da trơn sống ở sông rộng, có giá trị kinh tế cao, được nuôi tập trung tại nhiều nước. Nghề nuôi cá basa hình thành đầu tiên ở Việt Nam là tại cửa sông Châu Đốc, trở thành làng nghề, sau đó mới phát tán đi khắp nơi

An Giang đông dân nhất đồng bằng sông Cửu Long

An Giang rộng 3.536 km2, hiện có số dân khoảng 2,2 triệu. Tỉnh này đứng đầu về dân số và đứng thứ tư về diện tích (sau Kiên Giang, Cà Mau và Long An) ở đồng bằng sông Cửu Long.
Phía đông An Giang giáp Đồng Tháp, phía bắc và tây bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài gần 104 km, phía tây nam giáp Kiên Giang, phía nam giáp thành phố Cần Thơ.
An Giang là một trong 6 tỉnh đầu tiên ở Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh) vào thời nhà Nguyễn độc lập, thành lập năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Tỉnh An Giang bị giải thể dưới thời Pháp thuộc và sau đó lại được chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái lập, tồn tại từ cuối năm 1956 cho đến ngày nay.
Tháng 7/2013, An Giang là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long có 2 thành phố trực thuộc tỉnh là Long Xuyên và Châu Đốc.
Tỉnh hiện có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, ngoài 2 thành phố trên còn có thị xã Tân Châu và 8 huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn

An Giang thuộc vùng tứ giác Long Xuyên

Tứ giác Long Xuyên là vùng đất hình tứ giác thuộc đồng bằng sông Cửu Long nằm trên địa phận của Kiên Giang, An Giang và thành phố Cần Thơ.
Bốn cạnh của tứ giác này là biên giới Việt Nam - Campuchia, vịnh Thái Lan, kênh Cái Sắn và sông Hậu. Vùng tứ giác Long Xuyên rộng 489.000 hecta, địa hình trũng, tương đối bằng phẳng.
dung-an-giang-thuoc-vung-tu-giac-long-xuyen
Bản đồ tư giác Long Xuyên. Ảnh: Wikipedia
Sau hơn 20 năm đầu tư khai phá, tứ giác Long Xuyên đã trở thành vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất ở Tây Nam Bộ với diện tích khoảng 350.000 hecta, sản lượng gần 5 triệu tấn mỗi năm. Bên cạch đó, ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt và lợ cũng phát triển nhanh, đóng góp lớn cho kinh tế của vùng.
Rừng tràm Trà Sư
dung-dap-an-la-rung-tram-tra-su
Rừng tràm Trà Sư. Ảnh: tourmientayvietnam.com
Rừng tràm Trà Sư trên địa bàn Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, là điểm du lịch nổi tiếng của An Giang, thu hút đông khách du lịch. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Rừng rộng hơn 850 hecta, có trên 70 loài chim, 11 loài thú, 25 loài bò sát và ếch nhái, 10 loài cá và hơn 140 loài thực vật.
Du khách đến đây có thể đi xuồng tham quan rừng tràm, ngắm màu xanh ngát của dòng nước phủ kín bèo, vẻ gai góc của rừng cây và thưởng thức những món ăn đặc sản.
 Lễ Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam
Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc nơi chân núi Sam, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Đây là di tích quan trọng của tỉnh và của khu vực Tây Nam Bộ.
Theo nhiều tài liệu cổ, cách đây khoảng 200 năm, tượng Bà được dân địa phương phát hiện và khiêng xuống từ đỉnh núi Sam bằng 9 cô gái đồng trinh, theo như lời dạy của Bà qua miệng "cô đồng", nên người dân đã lập miếu để tôn thờ.
Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức trang trọng từ ngày 23 đến 27/4 âm lịch hàng năm với nhiều nghi thức. Theo tín ngưỡng của người dân, nơi đây vẫn còn có những tục như xin xăm bà, vay tiền bà, thỉnh bùa bà, thu hút hàng triệu người tham gia mỗi mùa lễ hội
dung-le-via-ba-chua-xu-nui-sam-to-chuc-o-thanh-pho-chau-doc
Một nghi thức trong lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: Báo An Giang
Nhà văn Sơn Nam viết trong tác phẩm Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam rằng: "Bà Chúa Xứ, dạng đạo Lão dân gian, thu hút bá tánh nhiều nhất Nam Bộ. Cất bên chùa Tây An nhưng trong Đại Nam nhất thống chí không ghi tên, phải chăng đời Tự Đức và khi Pháp đến hồi cuối thế kỷ 19, miếu hãy còn khiêm tốn, khách hành hương chỉ là người phụ cận mà thôi. Miếu phát triển về sau, qua thời kháng Pháp rồi chống Mỹ...".

An Giang là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Theo tài liệu của Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 tại cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Năm 1906, ông lên Sài Gòn học việc và làm thợ. Năm 1912, ông tổ chức cuộc bãi khóa của học sinh trường Cơ khí Á Châu (còn gọi là trường Bá Nghệ - nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng), phong trào này đã được công nhân Ba Son hưởng ứng.
Khi chưa học xong, ông đã bị động viên sang Pháp làm lính thợ phục vụ chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Tôn Đức Thắng làm việc trên chiến hạm France, xưởng Arsenal, quân cảng Toulon.
dung-an-giang-la-que-huong-chu-tich-ton-duc-thang
Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở An Giang. Ảnh: Báo Chính phủ
Năm 1919, ông tham gia phản chiến trên chiến hạm France tại Biển Đen, sau đó bị trục xuất khỏi nước Pháp, về Sài Gòn. Ông thành lập công hội bí mật, lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son vào tháng 8/1925.
Sau Cách mạng tháng Tám 1946, ông tham gia Ủy ban kháng chiến miền Nam, làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam.
Năm 1960, ông giữ chức Phó chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969-1976) và sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ông qua đời ngày 30/3/1980 tại Hà Nội.

Mạnh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét