Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Chùa, đền, đình Hòa Mã

Chùa, đền, đình Hòa Mã là một cụm di tích tương truyền có từ thời Lý. Tên thôn Hòa Mã được đặt vào đầu thế kỷ 19, trước đó gọi là Đổi Mã. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1986). Địa chỉ: số 3 phố Phùng Khắc Khoan, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Toạ độ: 21°0’57"N 105°51’9"E, cách Hồ Gươm hơn 1km về hướng nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: bãi đỗ Nguyễn Công Trứ (bus 23), phố Trần Xuân Soạn (30), phố Huế (08, 31, 35, 38, 52).

Bản đồ trực tuyến

Lược sử

Chùa Hòa Mã tên chữ là Thiên Quang Tự (Ánh sáng của Trời), tương truyền có từ thời Lý. Thôn Hòa Mã thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; được lập từ đầu thế kỷ 19 dưới triều vua Minh Mệnh thời Nguyễn. Cổng chùa nay mang số 3 phố Phùng Khắc Khoan, du khách qua cổng bước vào một ngõ dài, đồng thời cũng là lối vào đình và đền Hòa Mã.
Thôn Hòa Mã vào thời Lê vốn thuộc phủ Phụng Thiên và gọi là thôn Đổi Mã, nghĩa là thay đổi trang phục. Các cụ già nói rằng nơi đây từng có cung Đổi Mã hay điện Canh Y, được xây trên gò Kim Quy. Hàng năm vào đầu mùa xuân, nhà vua cùng đoàn tùy tùng đến nghỉ chân, thay áo đổi ngựa và làm lễ trước khi sang tế trời ở đàn Nam Giao. [1]
Theo tài liệu lưu tại đình Hòa Mã, vị thành hoàng làng được tôn vinh là "Tiền triều thái giám quốc công", một hoạn quan trông coi điện Canh Y của triều trước. Trong di tích hiện còn giữ được một bản sắc phong cổ nhất mang niên hiệu Cảnh Thịnh nguyên niên (1792, thời Tây Sơn) và 12 sắc phong của các vua nhà Nguyễn. Ngày 28-1-2010 đã khởi công đại trùng tu ngôi đình với kiến trúc vẫn giữ gần như nguyên theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Cũng tọa lạc trong khuôn viên tại địa chỉ số 3 phố Phùng Khắc Khoan là đền Hòa Mã, còn có tên Lưu Ly điện hay Tiên Thiên từ. Ngôi đền này thờ bà chúa Liễu Hạnh cùng các Mẫu theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền Hòa Mã trước kia đã được trùng tu lớn vào năm 1935, trên thượng lương nhà tiền tế có ghi rõ dòng chữ Hán “Đại Nam Bảo Đại Ất Mùi niên”.
Tại quần thể di tích này, nhân dân sở tại thường mở hội một năm hai lần vào ngày 15 tháng giêng và mồng 8 tháng 4 âm lịch. Với các ý nghĩa lịch sử văn hóa phong phú như vậy, ngày 12-12-1986 cụm di tích đình-đền-chùa Hòa Mã đã được xếp hạng Di tích quốc gia tại quyết định số 235-VH-QĐ của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Kiến trúc

Theo nội dung bài văn khắc trên tấm bia đá hiện còn trong chùa, thì đình và đền do ông Năm họ Đào [2] là người đứng ra xây dựng vào đời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1788). Lần sửa chùa đầu tiên là năm Gia Long thứ 13 (1814). Thượng điện rộng 4 gian, được tu bổ năm Tự Đức thứ 9 (1856). Tòa tiền đường rộng 5 gian được làm lại vào năm Thành Thái thứ 17 (1905).
Giáp sau thượng điện là 2 ngôi tháp mộ cao 3 tầng, xây gạch để trần, bên trong đặt xá lị của các vị sư trụ trì chùa đã mất. Ngôi chùa được trùng tu 3 lần dưới thời Nguyễn như vừa nói và đến năm 1990 thì sửa lại Tam bảo bằng tiền công đức. Năm 2001 nhà nước tổ chức di dời các hộ dân lấn chiếm; đến 2008 thì tu bổ xong nhà Tổ và tả hữu vu.
Chùa Hòa Mã quay mặt về hướng nam, trước sân tiền đường có ngôi đền ở bên trái và ngôi đình với ngõ ra cổng ở bên phải. Theo truyền thống, chùa gồm các hạng mục: chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách. Chùa chính xây theo kiểu "chữ Đinh", phía sân sau chùa còn có nhà khách rộng 3 gian với cấu trúc đơn giản và nhà Tổ rộng 5 gian.
Đền Hòa Mã xây theo kiểu "chữ Công" gồm hai dãy nhà ngang và một ống muống. Mái lợp ngói ta, nóc đền có lưỡng long chầu nguyệt, rồng có thân gầy nhỏ, vẩy đao to, lộ vẻ dữ tợn, mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn với những mảng chạm sâu hình hoa lá, tứ linh, tứ quí.
Trước sân đền là động Sơn Trang với tượng bà Chúa Thượng Ngàn ngồi chính giữa, xung quanh có 12 tiên cô, tay cầm những nhạc cụ cổ truyền. Lại có 6 pho tượng “Cậu” cưỡi ngựa hay đi bộ, tay cầm những đồ lễ phục vụ bà Chúa. Mẫu Thượng Ngàn là người cai quản rừng nên toàn bộ y phục của nhóm tượng này đều có mầu xanh trầm, một trong bốn gam mầu chính của đạo Lão.
Cạnh động Sơn Trang có 2 tháp gạch hình trụ thờ Trời và Đất. Tháp xây 3 tầng, 8 mặt, tầng dưới cùng mở cửa tò vò ra bốn hướng nam, bắc, đông, tây. Trong đền, nơi sâu nhất và trang trọng nhất là Tam tòa Thánh Mẫu. Một khám kính lớn che bụi cho pho tượng Liễu Hạnh chạm khắc tỉ mỉ với 2 Tiên nữ Thị Nương và Quế Nương theo hầu bà.

Di vật

Hệ thống tượng Phật giáo tại chùa Hòa Mã khá đa dạng, phong phú và có giá trị cao về nghệ thuật điêu khắc. Đáng chú ý là 3 bức phù điêu tạc Tam thế Phật có từ thời Lê, các tượng Nam Tào, Địa tạng vương Bồ Tát, Quan âm Tống tử, Thập điện Diêm Vương, Bồ đề Đạt ma, và 5 pho tượng Tổ của chùa,…
Ngoài ra nhà chùa còn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị bao gồm tấm bia đá "Thiên Quang thiền tự bi ký" và quả chuông đồng được đúc vào thời Nguyễn, bên cạnh bình gốm và các bức hoành phi, câu đối ….
Đền Hòa Mã trải qua bao thời gian vẫn tồn tại khá nguyên vẹn. Tất cả sắc phong đều được bảo quản chu đáo. Có một quả chuông đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 5 (1844), trên thân chuông ghi 4 chữ Hán: “Thiên Tiên điện chung” (chuông điện Thiên Tiên). Ngoài ra còn có một sập thờ chân quì chạm trổ tứ linh và choé sứ, độc bình...

Di tích lân cận

Chú thích

[1] Lễ tế trời ở đàn Nam Giao là một trong hai nghi lễ lớn nhất của các vị vua Việt Nam, được thực hiện trong suốt những thời kỳ độc lập từ thời Lý đến thời Nguyễn. Tấm bia lớn tìm thấy dưới thời Pháp thuộc tại di tích của đàn Nam Giao Thăng Long ngay gần đền Hòa Mã đã được dựng lại trong khuôn viên của viện Viễn Đông Bác Cổ tức Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam bây giờ.
[2] Nhiều tài liệu có lẽ đã nhầm ông này với danh nhân Thanh Hóa là Đào Duy Từ (1572-1634, chết hơn 100 năm trước đời Cảnh Hưng). Đào Duy Từ là con của một quản chủ phường hát, do đó theo quy chế thời Lê-Trịnh thì không được đi thi, dù nổi tiếng học giỏi. Cuối cùng ông đã bỏ vào Nam theo chúa Nguyễn.

Bài và ảnh: Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét