Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Đình Kim Ngân


Đình Kim Ngân có từ khoảng giữa thế kỷ 15, bên trong thờ Tổ Bách Nghệ. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia (năm 1992). Địa chỉ: số 42-44 phố Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tọa độ: 21°2’5"N 105°51’11"E, cách Hồ Gươm hơn 300m về hướng bắc. Điểm dừng xe bus gần nhất: cuối phố Hàng Cân (bus 31), hoặc đầu các phố Nguyễn Hữu Huân (04, 08, 11, 14, 18, 23, 36, 40) và Hàng Muối (04, 08, 11, 14, 18, 23, 31, 34, 36, 40).

Bản đồ trực tuyến

Giới thiệu

JPEG - 166.7 kb
Cổng đình Kim Ngân. Ảnh ©2015 NCCong
Đình Kim Ngân vốn là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ thời Hậu Lê vào khoảng giữa thế kỷ 15. Đến thời Gia Long (đầu thế kỷ 19), những người thợ bạc gốc làng Châu Khê (Hải Dương) ra Thăng Long khá đông, họ cần có nơi sinh hoạt chung nên đã mua đất thờ vọng thành hoàng làng, đất ấy ở thôn Hài Tượng. Trong ngõ Hài Tượng hiện còn một ngôi đền mang chữ “Châu Khê vọng từ”, thường gọi là Nội Miếu. Họ làm cả nghề kim hoàn và đổi bạc nữa, vì vậy sau khi chiếm Hà Nội thực dân Pháp đã gọi phố Hàng Bạc là “Rue des Changeurs”.
JPEG - 124.3 kb
Đền Dũng Thọ, phía sau là đình Kim Ngân (năm 1904)
Đình có tên chữ “Kim Ngân đình thị” (chợ đình Kim Ngân) vì là nơi buôn bán, trao đổi hàng hoá của nghề thủ công kim hoàn truyền thống. Kim Ngân nghĩa là vàng bạc. Ngôi đình Kim Ngân tuy do người dân gốc Châu Khê tụ cư tại phố Hàng Bạc khởi dựng nhưng vốn để thờ ông Tổ Bách Nghệ - ông Tổ sinh ra mọi nghề chứ không phải thờ người đã mang nghề kim hoàn đến cho Châu Khê.
Nghề vàng bạc của làng này vốn do cụ Lưu Xuân Tín làm Thượng thư trong cung được vua Lê Thánh Tông ra lệnh và cấp phương tiện để mở lò đúc tiền bằng bạc nén cho triều đình. Cụ Tín đã mang người làng ra Thăng Long mở một phường nghề riêng, chủ yếu tập trung ở quãng phía tây của phố Hàng Bạc, đến bây giờ vẫn sầm uất vào bậc nhất của Hà Nội.
Sân đình Kim Ngân. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 137.7 kb
Sân đình Kim Ngân. Ảnh ©2012 NCCong
Đình Kim Ngân còn có tên nôm là đình Dưới để phân biệt với đình Trên tức “Kim Ngân tràng thị” (thuộc số nhà 50 phố Hàng Bạc). Đình Dưới nay mang số nhà 42-44, còn tràng đúc bạc thì ở số 58 Hàng Bạc ngay gần đó. Các giá trị chính mà di tích đình còn bảo lưu được mang ý nghĩa lớn về mặt kiến trúc nghệ thuật và lịch sử tồn tại phát triển của một phường nghề ở Hà Nội.
JPEG - 153.7 kb
Tiền tế đình Kim Ngân. Ảnh ©2015 NCCong
Đình Kim Ngân là một trong số ít các công trình kiến trúc tiêu biểu còn sót lại trong lòng khu phố cổ Hà Nội và gần đây đã được chính quyền và nhân dân chung tay phục chế. Sau khi đưa vào hoạt động, đình không chỉ mở cửa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng mà còn trở thành nơi trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về nghề, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian góp phần phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ. Quả thực với vị trí rất thuận lợi, ngôi đình hàng ngày đang thu hút khá nhiều du khách.
JPEG - 115.2 kb
Chính điện đình Kim Ngân. Ảnh ©2015 NCCong

Kiến trúc

Từ năm 2004, Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với các chuyên gia Việt Nam và CH Pháp nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu, đánh giá thực trạng cũng như xác định các giá trị văn hóa về kiến trúc, tín ngưỡng… của ngôi đình để tìm ra phương án trùng tu, phục hồi nguyên trạng để đạt hiệu quả cao nhất. Thực tế ngôi đình đã bị hư hỏng nặng nên rất khó khăn trong công tác trùng tu.
JPEG - 130.2 kb
Chạm khắc ở đình Kim Ngân. Ảnh ©2015 NCCong
Đình Kim Ngân hiện tại có diện tích 575m2, tức là khá lớn so với các ngôi đình khác nằm trong quận Hoàn Kiếm của TP Hà Nội. Những công trình cơ bản gồm: nghi môn, sân, tòa tiền tế, hậu cung. Về tổng thể, ngôi đình được xây theo kiến trúc truyền thống kiểu chữ “Công” với gỗ và gạch là vật liệu chính. Tiền tế rộng 3 gian, hậu cung 3 gian được giật cấp nâng cao và là hậu cung kép, có sàn thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt. Nối giữa hậu cung và tiền tế là ống muống làm theo kiểu kiến trúc 2 tầng mái, mái trên liên kết với tiền tế, mái dưới tạo không gian hở của hai bên và lấy ánh sáng tự nhiên.
Cổng đình Kim Ngân. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 178.4 kb
Hội nghề kim hoàn và lễ đón bằng Di tích QG. Ảnh ©2013 NCCong

Đúc bạc nén

Công việc đúc bạc nén theo truyền thống được tiến hành như sau:
  • Nồi nấu được gia công từ nguyên liệu đất thó trộn với gio, trấu, sau đó phơi hoặc nung thật khô. Cho những miếng bạc chặt nhỏ và cân đủ nén vào nồi nấu, ngoài ra còn phải thêm vào một ít hàn the (Bo3Na2). Hàn the sẽ làm bạc chóng chảy và láng mặt. Khi bạc đã nấu chảy thì đem đổ vào khuôn.
  • Khuôn đúc bạc nén (dân đây gọi là thão) thường được làm bằng sắt và có chuôi cầm bằng gỗ. Trước khi đổ bạc, phải thoa dầu ép từ hạt thầu dầu (loại dầu thắp đèn phổ biến thời bấy giờ) để tránh cho bạc khỏi dính vào khuôn.
  • Lấy bạc ra khỏi khuôn rồi dùng búa nhỏ gõ sửa lại cho vuông vắn. Xong thì đóng dấu hai chữ “Thập túc” (đủ mười) vào thành của nén bạc.

Di tích lân cận


Bài và ảnh: Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét