Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đình, nghè Kim Sơn


  • delicious
  • googleplus
  • google
  • linkedin
  • live
  • reddit
Đình, nghè Kim Sơn thờ 2 anh em sinh đôi Cao Điền, Cao Đỗ có công giúp Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước. Xếp hạng: Di tích lịch sử nghệ thuật quốc gia (năm 1992). Địa chỉ: thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tọa độ: 21°1’40"N 105°58’58"E, cách Hồ Gươm chừng 18km về hướng đông. Điểm dừng xe bus gần nhất: xã Kim Sơn, km4 quốc lộ QL18B (bus 52).
JPEG - 197 kb
Cổng làng Kim Sơn. Ảnh ©2015 NCCong

Lược sử

Làng Kim Sơn thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Mảnh đất này có từ lâu đời và riêng trong hai thế kỷ 17, 18 đã sản sinh ra các danh nhân như Nguyễn Mậu Tài, Nguyễn Mậu Vận, Nguyễn Mậu Đại, Nguyễn Mậu Thịnh, Phạm Ích Khiêm v.v..
Dân làng dựng lên đình và nghè để thờ hai vị thành hoàng là anh em sinh đôi Cao Điền, Cao Đỗ đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Tương truyền chính các thiên thần đã đầu thai vào gia đình ông Cao Trạch và bà Lê Thị, vốn là những người nhân đức nổi tiếng khắp vùng.
Cổng đình và nghè Kim Sơn. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 182.5 kb
Tam quan ngoại đình Kim Sơn. Ảnh ©2015 NCCong
Lớn lên giữa thời đất nước chia rẽ, nhân dân khổ cực vì loạn lạc, hai anh em nghe danh Đinh Bộ Lĩnh khởi binh ở động Hoa Lư bèn tìm tới xin theo. Nhờ tài năng và sức khỏe, lập tức Cao Điền được nhận vào ban văn, Cao Đỗ vào ban võ. Hai anh em đã nhanh chóng lập công lớn, dẹp yên 7 sứ quân, được vua ban thưởng rất nhiều. Sau đó họ trở về quê hương cùng binh sĩ lập doanh cư, chiêu mộ dân ly tán, khai khẩn ruộng bãi ven sông Đuống để cấy lúa và trồng dâu, chăn tằm, dệt cửi.
JPEG - 138.1 kb
Tam quan nội và đại đình Kim Sơn. Ảnh ©2015 NCCong
Kim Sơn trở nên trù phú, dân làng thấm ơn hai vị sâu đậm. Bỗng giặc Chiêm xâm phạm bờ cõi, vua Đinh vời hai anh em về triều cho đem quân đánh lại. Chỉ một trận chớp nhoáng, giặc Chiêm đã tan vỡ phải rút chạy về nước. Vua phong thưởng lớn, ban cho cả vùng làm thực ấp. Khi trở về Kim Sơn thì trời bỗng nổi giông tố, hai người cùng hóa. Từ đó dân làng lập đền thờ cúng, hàng năm mở hội vào ngày sinh và ngày mất của hai anh em.

Kiến trúc

Đình và nghè Kim Sơn được xếp hạng ngày 22-4-1992 là cụm di tích lịch sử nghệ thuật quốc gia. Đường vào đi ven một hồ nước vuông vắn. Nghi môn nhìn thẳng ra hồ, hơi chếch về hướng tây-nam. Cổng giữa có hai trụ biểu cao, trên đỉnh đắp bốn con phượng chụm đuôi. Lồng đèn được đắp nổi tứ linh, mặt trước nghi môn có hai mảng chạm trổ trúc, mai, hoa, quả, kiếm, bút. Hai trụ thấp hơn đắp hai con nghê đối diện. Giữa sân đình mới xây thêm tam quan nội là một nếp nhà 3 gian để mở.
Sân đình và nghè Kim Sơn. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 197 kb
Nghè Kim Sơn. Ảnh ©2015 NCCong
Đại đình rộng 3 gian 2 dĩ, cửa bức bàn bằng gỗ lim. Hậu cung gồm hai khám thờ, đặt đủ hai bộ bài vị thành hoàng và các đồ tự khí. Tất cả đều vừa được xây lại trên nền cũ theo kết cấu truyền thống hình chữ “Đinh”.
Ngay bên tả ngôi đình là nghè Kim Sơn, tức đền thờ gốc của anh em Cao Điền, Cao Đỗ. Tương truyền đây chính là dinh của hai vị lúc sinh thời. Nghè xây theo kiểu hình chữ Nhị, gồm hai nếp nhà nhỏ 3 gian liên kết trong một không gian khép kín, hậu cung cũng đặt ban thờ thành hoàng. Hai cây đại lớn che đầu hồi nhà tiền tế, phía trước nghè cũng có sân và cổng riêng, dù quy mô khiêm tốn hơn đình.
JPEG - 162.9 kb
Hồ làng Kim Sơn. Ảnh ©2015 NCCong

Lưu ý

Ngày nay trong đình Kim Sơn còn lưu giữ 17 sắc phong của các triều đại phong kiến từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn. Những di vật khác như hương án, bài vị, long ngai đều được chạm khắc tinh tế với rất nhiều hình tượng chim muông, hoa lá, mây sóng... mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ 17-18. Các cỗ kiệu rồng được tạo tác vào thế kỷ 19. Đặc biệt có cổ vật từ thế kỷ 15 gồm hai pho tượng phỗng bằng gỗ. Các tấm bia đá và nhang án đá có kích thước lớn cũng còn nguyên vẹn.
Bức cửa võng của nghè Kim Sơn có bốn chữ lồng trong khung vuông. Chính giữa y môn là một vòng xoắn thay cho mặt trời, biểu thị 3 yếu tố tạo nên thế giới: thiên, địa, nhân. Nghệ thuật này gợi nhớ hình dáng tòa tiền bái ở Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội có niên đại thế kỷ 17.
JPEG - 193.2 kb
Cổng chùa Phúc Sơn. Ảnh ©2015 NCCong

Di tích lân cận

Bản đồ trực tuyến


Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét