Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Đình Đa Sĩ


Đình Đa Sĩ có từ năm 1706, trong thờ danh y Hoàng Đôn Hoà. Địa chỉ: đường Đa Sĩ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Tọa độ: 20°57’37"N 105°47’11"E; cạnh cầu Kiến Hưng, cách Hồ Gươm hơn 12km về hướng tây-nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: khu đô thị Xa La (bus 22), hoặc 89 Cầu Bươu (37, 39).

Lược sử

Đình làng Đa Sĩ nằm ở phía nam dòng sông Nhuệ, cách thị xã Hà Đông chừng hơn 1km về hướng đông. Làng này tên Nôm xưa gọi là Kẻ Sẽ, tên chữ là Huyền Khê, sau được đổi thành Đan Sĩ rồi Đa Sĩ. Theo truyền thuyết địa phương, Đa Sĩ là đất tứ linh, có hình dáng một con rồng ngậm ngọc, quanh năm mưa thuận gió hoà, dân cư làm ăn thịnh đạt.
Đa Sĩ quả là ngôi làng có truyền thống hiếu học đặc biệt. Hiện nay vẫn còn dấu tích “Nhà học” và “Vườn học” là nơi đào tạo rèn luyện những nhân tài nho học tại mảnh đất cao ráo, sạch sẽ nhất làng, có cây cao bóng mát và do các bậc danh sĩ địa phương phụ trách. Và đúng như tên gọi, đây là quê hương của nhiều thần y, võ tướng, sĩ phu lừng lẫy một thời, bao gồm 11 tiến sĩ và 1 trạng nguyên.
Đình làng Đa Sĩ thờ danh y Hoàng Đôn Hoà, dưới thời Lê đã được tôn vinh là “Lương y dược đại vương”. Tương truyền ngài là một thần y đã có nhiều công lao giúp dân, từng cứu được Phương Dung công chúa, được nhà vua thương yêu gả cho làm vợ. Dù rất được sủng ái, ngài đã sớm cùng công chúa rời bỏ cung đình về sống tại làng Đa Sĩ để làm nghề thuốc.
Hai vợ chồng ngài dồn tâm sức trồng và chế biến Nam dược, mở “Lâm Dương quán” dưới gốc đa làng để chữa bệnh cho muôn dân. Đa Sĩ đã biến đổi nhanh chóng thành làng thuốc nổi tiếng một thời, trên bến dưới thuyền tấp nập thương lái dược liệu và đông đảo người đến khám bệnh, cắt thuốc. Khi mất, vợ chồng danh y còn để lại cho hậu thế tác phẩm “Hoạt nhân toát yếu”, một quyển sách quý gồm 201 phương thuốc có giá trị muôn đời.
Sân cờ và hồ đình Đa Sĩ. Panorama ©2015 NCCong
Đa Sĩ ngày nay được biết như một ngôi làng của nghề rèn, nổi tiếng khắp Bắc Nam. Theo truyền thuyết, thời Hùng vương thứ 18, hai vị tướng Hoàng Thống và Đô Hồ Thống đã dạy dân làng nghề rèn và canh tác lúa nước. Đến thời Trần, hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần từ Thanh Hóa đến dạy thêm cho dân bí quyết nghề rèn để tạo ra những sản phẩm tinh xảo hơn.
Trong thành Thăng Long–Hà Nội có phố Sinh Từ (tức Nguyễn Khuyến bây giờ) là nơi chuyên bán các sản phẩm rèn của Đa Sĩ. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có một nội dung về làng rèn Đa Sĩ trong chương trình giới thiệu các làng nghề.
Giữa thời đại công nghiệp hoá, nghề rèn thủ công Đa Sĩ không bị chết mà ngược lại vẫn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hiện nay làng có khoảng 1.200 hộ với 5.400 nhân khẩu, trong đó gần 1.000 hộ chuyên doanh nghề rèn. Ngoài người làng, các lò Đa Sĩ còn thu hút khoảng 200 lao động từ các địa phương khác tới làm thuê. Hàng trăm tấn sản phẩm rèn từ đây đang được đưa ra thị trường cả nước mỗi tháng.

Kiến trúc

Đình Đa Sĩ được xây dựng dưới đời Lê Trung hưng, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 2 năm Bính Tuất (1706). Hơn một thế kỷ sau, đến năm Gia Long thứ 9 (1810) đã chính thức trùng tu lần thứ nhất. Rồi năm Minh Mạng thứ 15 (1834) tòa đại đình được trùng tu lần thứ 2. Mãi đến dưới đời vua Thành Thái, năm Quý Mão (1903) mới trùng tu lần thứ 3. Trong kháng chiến chống Pháp, năm Nhâm Thìn (1952) trùng tu lần thứ 4.
Ngày 22-12-1972, pháo đài bay B52 của Mỹ trút bom xuống xã Kiến Hưng, có 13 quả ném vào làng Đa Sĩ đã phá hủy nặng nề khu vực đình, xóm Bắc và một phần xóm Nam. Ngay năm 1973, dân làng đã quyên góp để phục hồi sửa chữa lại ngôi đình. Năm Canh Ngọ 1990, Ất Dậu 2005 và Bính Thìn 2012, toàn bộ khu di tích đã liên tiếp được trùng tu trên nền cũ là một mảnh đất rộng hơn 2000m2 và tọa lạc ở ngay ven đường làng.
Trong đại đình Đa Sĩ. Panorama ©2015 NCCong
Kiến trúc như ta thấy hiện nay mang dấu ấn của thế kỷ 19. Mặt đình quay hướng đông-nam nhìn ra một hồ nước hình chữ nhật, giữa hồ có gò nhỏ hình vuông dân làng gọi là bàn cờ. Tam quan xây kiểu nghi môn, trên đỉnh trụ biểu đắp hình đôi nghê chầu, bốn phía cột đắp các câu đối chữ Hán. Sân đình khá lớn, dọc bên sân là các nhà tả, hữu mạc rộng 5 gian.
Tòa đại bái gồm 5 gian lớn, cửa bức bàn; kết nối với hậu cung thành hình “chữ Đinh”. Khung đình toàn bằng gỗ lim dựa trên 16 cột to nằm trên nền cao, chân đế làm bằng đá khối được đẽo theo luật âm dương. Đình có nhiều câu đối và hoành phi chạm khắc tinh xảo, thiếp vàng lộng lẫy. Hậu cung đặt hương án thờ thành hoàng làng.

Lưu ý

Lễ hội đình làng Đa Sĩ được tổ chức hàng năm vào mùa xuân, đại đám thường kéo dài từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Trong dịp này, ngoài dân sở tại còn có rất đông khách thập phương về dự hội, thăm những di tích đình, chùa và miếu, lăng mộ thần y Hoàng Đôn Hoà, “vườn học” và “nhà học” của Đa Sĩ.
Chính hội mở ngày 12 đúng giỗ kỵ của thành hoàng (năm Vĩnh Tộ thứ 5). Mở đầu là lễ tế thành hoàng, rồi dâng hương, rước kiệu Ông với 8 con rồng và kiệu Bà với 8 con phượng từ miếu về đình. Sau đó diễn ra lễ tế các vị tiên hiền, Tổ nghề rèn, nghề đúc. Điều đặc biệt là ca trù luôn đi kèm các cuộc tế lễ. Phần hội thường có trình diễn các tích chèo, tuồng, hát ca trù, trống quân và các trò vui chơi khác như nhẩy bao tải, kéo co, chọi gà, v.v.. Ngày cuối cùng, dân làng lại rước kiệu từ đình về miếu.
Miếu thờ thần y tọa lạc ven sông Nhuệ ở phía bắc đình làng, có văn chỉ khắc tên và học vị của các danh nhân làng Đa Sĩ. Lại có tấm bia ghi niên hiệu Phúc Thái 6 (1648, đời vua Lê Chân Tông) và các chữ “Đa Sĩ xã bi”, “Thượng hạ đại tiêu đăng” trên hai mặt. Bàn thờ chính của thành hoàng cũng được đặt tại miếu với các cổ vật quý khác như long ngai, bài vị và bức tượng tạc thần y rất phúc hậu.

Bản đồ trực tuyến

Di tích lân cận


Đông Tỉnh

Tập hồ sơ

  • Múa lân trong hội làng Đa Sĩ
  • Miếu thờ Thần y. Ảnh ©2015 NCCong
  • Cổng đình Đa Sĩ. Ảnh ©2015 NCCong
  • Hồ đình làng Đa Sĩ. Ảnh ©2015 NCCong
  • Múa rồng trong hội làng Đa Sĩ
  • Một lò rèn làng Đa Sĩ. Ảnh ©2015 NCCong
  • Rước kiệu trong hội làng Đa Sĩ
  • Trong đại đình Đa Sĩ. Ảnh ©2015 NCCong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét