Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Chùa Bồ Đề (Cự Chính)

Chùa Cự Chính tên chữ Bồ Đề Tự, là ngôi chùa của làng Mọc Cự Chính xưa kia, tương truyền có từ trước thế kỷ 15. Xếp hạng: Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia (1990). Địa chỉ: số 190 phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Toạ độ: 20°59’59"N 105°48’34"E, cách Hồ Gươm chừng 7km về hướng tây-nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: đoạn giữa phố Vũ Trọng Phụng (bus 29, 44), hoặc đoạn chợ Thượng Đình ven phố Nguyễn Trãi (01, 02, 05, 19, 21, 27).

Bản đồ trực tuyến

Lược sử

Theo “Quốc sử tạp lục”, khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long thì vùng đất phía nam sông Tô Lịch vẫn còn nhiều rừng, nên gọi là Kẻ Mọc, tên chữ Mộc Cự, sau đổi là Nhân Mục. Rồi dân số tăng lên đông đúc, phải chia đôi thành xã Nhân Mục Cựu (gồm 2 thôn Thượng Đình, Hạ Đình) và xã Nhân Mục (gồm 4 thôn Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất). Đến nay, dù đã đô thị hóa nhưng những thôn này vẫn thường được gọi trong dân gian với tiếng Mọc kèm vào đầu.
Từ tam quan chùa Bồ Đề. Panorama ©2014 NCCong
Chùa Cự Chính tên chữ Bồ Đề Tự, là ngôi chùa của làng Mọc Cự Chính xưa kia, tương truyền có từ trước thế kỷ 15. Khi tiến về bao vây thành Đông Quan vào năm 1426, một cánh nghĩa quân Lam Sơn đã đóng bản doanh tại chùa Bồ Đề và đình Cự Chính bên cạnh. Ngày 28-9-1990, chùa Bồ Đề cùng đình Cự Chính và gò Đống Thây đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chùa Bồ Đề trải qua mấy thế kỷ đã nhiều lần được sữa chữa. Đến năm 1998 rồi 2009—2012, chùa lại tiếp tục được trùng tu, tôn tạo trên nền cũ. Dáng vẻ ngày nay vẫn còn một phần mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, nhưng di tích xưa thì không còn bao nhiêu. Cái ao bên hông chùa có hàng rào sắt và tường ngăn với phố Quan Nhân ở mé đông, tam quan ngoại sơn màu nâu cũng mở ra phố này.
Chùa quay hướng nam, tam quan nội có gác chuông cao. Sân trước du khách bước lên thềm rồng dẫn vào tòa tiền đường 5 gian 2 chái, song song với thượng điện xây kiểu 2 tầng 8 mái, kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ. Thượng điện có hàng hiên cột đá bên hông dẫn vào cửa chùa trong. Sân bên có vườn cây, tiểu cảnh và cầu dẫn ra một thủy đình nhỏ, xa hơn là vườn tháp mộ và mấy dãy nhà mới.
Sau chùa chính có nhà bia xây kiểu 2 tầng 8 mái, gác treo quả chuông đồng lớn đúc năm 1822, dưới dựng một tấm bia lớn khắc bài Bồ Đề tự thuật bi ký, ghi niên đại ngày 5 tháng Chạp năm Bính Tý, Bảo Đại 11 (1936); phía sau bia treo khánh đá. Chùa trong gồm 2 hành lang đối diện và 2 hậu đường song song, xây làm nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Ni, nhà khách, tất cả nhìn ra một sân nhỏ có lối thông ra cổng sau.
Sân bên chùa Bồ Đề. Panorama ©2014 NCCong

Lưu ý

Trong chùa Bồ Đề hiện nay còn lưu giữ được một số tấm bia đá và các bức cửa võng, hoành phi, đại tự, câu đối cổ... Ngoài những đồ thờ tự thông dụng bằng đồng còn có quả chuông đúc năm 1822 và một đại hồng chung đúc vào đầu thời Nguyễn mang niên hiệu Gia Long thứ 13 (năm 1814). Về những di tích xây gạch thì đáng kể nhất có lẽ là 6 ngôi tháp mộ. Chùa có đầy đủ hệ thống tượng Phật giáo, được tạo tác từ nhiều loại vật liệu khác nhau, bài trí theo kiểu Bắc tông và tất cả đều mới tô lại trong đợt trùng tu gần đây.

Di tích lân cận


Bài và ảnh: Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét