(Dân trí) - Nói đến các món ăn từ rắn, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vùng sông nước miền Tây. Khi các loài rắn quý hiếm như: rắn hổ đất, rắn hồ ri… dần khan hiếm thì đến lượt rắn hổ hành “lên ngôi”. Loài rắn này có giá bình dân nhưng lại là món “khoái khẩu” với người sành ăn.
Rắn hổ hành là một loài rắn hoang dã, thường ẩn nấp trong các bụi rậm ven sông. Loài rắn này ưa ếch, nhái nên người dân thường kháo nhau rằng: “Nơi nào có ếch nhái kêu tức là nơi đó có rắn hổ hành”.
Rắn hổ hành có nhiều ở vùng sông nước miền Tây. (Ảnh: sieuthicontrung)
Từ khoảng tháng 7 đến tháng 11 hằng năm, miền Tây vào mùa nước nổi, loài rắn không còn nơi trú ngụ nên buộc phải di chuyển ra ngoài. Đây cũng là khoảng thời gian cho các thợ săn đi bắt rắn. Giá tiền rắn hổ hành tầm vài trăm ngàn một kg nên nhiều người nhờ vào loài rắn này mà tăng thu nhập.
Rắn hổ hành thường di chuyển nhanh vào ban đêm. Mỗi con rắn lớn nặng tầm 800g, da có sọc đen trắng. Rắn đi đến đâu là có mùi hành đi theo đó nên được người dân gọi luôn là hổ hành.
Rắn hổ hành sau khi sơ chế có thể chế biến thành nhiều món đặc sản. (Ảnh: Internet)
Từ con rắn hổ hành kiếm được, người dân vùng sông nước miền Tây chế biến thành nhiều món ăn “thượng hạng” làm cho thực khách phải tấm tắc gật đầu. Thông thường, người ta chỉ chọn con rắn chừng nửa kg là vừa ăn, nếu lớn quá thịt sẽ dai, mất đi mùi vị.
Rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh
Để làm mất đi mùi hành, trước khi chế biến, người ta chà xát chanh tươi vào thịt rắn. Sau khi chặt khúc, bắc nồi cháo gạo rang lên, cho hỗn hợp thịt rắn và đậu xanh bóc sạch vỏ vào, chỉ cần đợi đến khi cháo nhừ là dùng được.
Cháo rắn thích hợp ăn trong những ngày đông. (Ảnh: dacsanmientay)
Muốn cháo ngon hơn, người đầu bếp sẽ cho thêm nước cốt dừa vào nồi cháo. Khi thấy cháo đã nở, ngay lập tức trút thịt rắn đã xào và nước cốt dừa vào rồi dùng muôi to hoặc đũa trộn cho đều. Công đoạn cuối cùng, chỉ cần để lửa to cho cháo sôi lên lần nữa rồi nhắc xuống.
Múc cháo ra tô, rắc ngò rí, hành lá đã xắt nhỏ, tiêu sọ giã nhỏ hay ớt bằm. Ai thích ăn mặn thì chan thêm chút nước mắm ngon (nước mắm mặn để nguyên chất). Mùi cháo, mùi đậu xanh hòa với hành, ngò, tiêu,… bốc khói thơm phức. Thịt rắn vừa ngọt vừa mềm, da rắn dai dai giòn giòn, đậu xanh, nước cốt dừa cho vị bùi và béo. Thật là một thứ đặc sản tuyệt vời khó quên của vùng sông nước.
Rắn hổ hành hầm sả ớt
Dân nhậu miền Tây thường hầm sả rắn hổ hành để dùng với ruợu đế miệt vườn. Món ăn này chế biến vừa nhanh chóng, lại vừa giữ được vị ngọt thơm trong từng miếng thịt rắn.
Sau khi đã qua công đoạn sơ chế, chỉ cần bắc nồi sả thơm phức lên bếp, nêm nếm gia vị rồi cho thịt rắn vào nồi, đợi rắn mềm là có thể mang ra dùng được. Khi chín, mùi thơm của sả đã làm mất đi mùi hành đặc trưng của rắn nên thịt rắn béo ngậy, đậm đà ăn hoài mà không biết ngán.
Rắn hổ hành hầm sả ớt không quá phức tạp. (Ảnh: danviet)
Được thưởng thức món rắn hổ hành hầm sả ớt ở mé sông mới thực sự là cái thú. Vị thơm ngọt của rắn hoà lẫn vào mùi đặc trưng của sả làm cho người thưởng thức cứ ngây ngất đến tận cùng. Có người nói vui rằng, món rắn này chính là “lộc trời” của vùng rốn lũ.
Hổ hành xào lá cách
Người miền Tây thường chế biến rắn hổ hành thành các món để lai rai rượu đế với bạn bè. Tuy nhiên, loại rắn này khi xào với lá cách có sẵn ở vườn nhà thì cả phụ nữ lẫn trẻ em đều có thể dùng được. So với các cách chế biến khác, món ăn này đòi hỏi cầu sự kỳ hơn nên cũng tạo được dư vị khó quên.
Món thịt rắn xào lá cách thơm ngon, bổ dưỡng. (Ảnh: amthucvungmien)
Thịt rắn sau khi làm sạch thì cắt bỏ hết phần xương, lấy thịt băm nhuyễn rồi ướp muối, nước mắm, sa tế, đường, tỏi… để gia vị ngấm đều. Bắc chảo lên bếp, xào thịt rắn đến khi sực nức mùi thơm thì cho lá cách xắt nhuyễn vào, đảo trên lửa lớn đến khi lá cách xèo xuống là được.
Thịt rắn thơm ngọt cộng với hương thơm của gia vị và đặc biệt là cái đắng thơm dịu rất tinh tế của lá cách càng làm món ăn thêm ngon đặc biệt. Lá cách vốn có thể đi với nhiều món nhưng riêng với rắn thì hợp lạ lùng. Món rắn này có hương vị vô cùng quyến rũ, đảm bảo sẽ làm thực khách nhớ hoài về một món ăn mang đậm chất sông nước miền Tây.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét