Ở Cần Thơ, có nhiều cung đường quanh năm tấp nập người mua bán nông sản, trái cây.
Hương đồng, không gian miệt vườn lan tỏa qua những đặc sản quê nhà ngon lành, những nụ cười tươi rói của người dân Cần Thơ mến khách. Đó còn là chuyện mưu sinh của những cuộc đời gắn với nghề mua gánh bán bưng.
“Quẹo lựa! Quẹo lựa!”
Cung đường đặc sản lâu đời và nổi tiếng ở Cần Thơ phải kể đến lộ Vòng Cung, đoạn từ qua cầu Trường Tiền (xã Mỹ Khánh) đến tận xã Tân Thới, huyện Phong Điền, nhưng rôm rả nhất là đoạn gần Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam.
Ở Cần Thơ, đường lộ mới mở, bà con lại đem con cá, cọng rau, trái cây vườn nhà ra để bán, lâu dần thành nghề. Đó là quy tắc chung cho sự ra đời của những “cung đường đặc sản”.
Có thể kể đến quốc lộ 91B, đường Võ Văn Kiệt, đường nối Cần Thơ- Vị Thanh, Bốn Tổng- Một Ngàn… Nét dân dã từ cách bài trí, hàng hóa đến sự chân chất của người bán đã trở thành đặc trưng. Nhất là kiểu mua bán thiệt tình, chào mời dễ thương: “Mua gì quẹo lựa chị ơi!” đã khiến những sạp hàng ven đường có sức hút đến lạ.
Cô Điệp (phải) người có thâm niên bán trái cây gần 20 năm ven lộ Vòng Cung, đoạn thuộc thị trấn Phong Điền. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Chúng tôi gặp cô Võ Ngọc Điệp, 61 tuổi, ở thị trấn Phong Điền, được xem là người có thâm niên bán trái cây lâu nhất ở đoạn đường này. Cô Điệp kể, chừng 20 năm trước, do dâu tới mùa chín rộ thương lái mua không xuể nên cô đem để trước cửa bán.
“Có ngày không kịp ăn cơm, đem ra bao nhiêu hết bấy nhiêu”- cô Điệp nhớ lại. Vậy rồi chuyện buôn bán thành nghề, lối xóm gần nhà rồi đến cách hàng cây số thấy chuyện cô Điệp “ăn nên làm ra” cũng mở sạp buôn bán.
Đoạn đường này chủ yếu bán dâu Hạ Châu và các loại trái cây như chôm chôm, sầu riêng, cóc, sa bô… Họ buôn bán quanh năm theo kiểu “mùa nào thức ấy”.
Khách thường là dân vãng lai, khách du lịch, có khi mua hàng chục ký, đóng thùng đem về làm quà đặc sản Tây Đô.
Hàng trăm sạp bắp chín, bắp sống bán dọc đường nối Cần Thơ- Vị Thanh tạo nét đặc trưng cho con đường. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
|
Đường nối Cần Thơ- Vị Thanh đoạn thuộc địa bàn xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền mấy năm nay cũng rộ lên nghề buôn bán. Lúc trước là nông sản, trái cây, giờ nổi lên bán bắp sống, bắp nấu.
Cô Nguyễn Thị Tám, người dân trên tuyến đường này, cho biết: Có hàng trăm hộ bán bắp, hầu như đều là bắp của người dân trồng nên tươi ngon, ngọt.
Điều thú vị là ở đây, bà con vẫn giữ lệ một chục bắp tới 14 trái. Tôi mua chục bắp có 20.000 đồng nhưng được cô Tám cho thêm 1 trái để “bán làm quen”.
Sự hào phóng của người Cần Thơ được thể hiện từ những điều đơn giản nhất. Riêng với bắp nấu loại ngon, giá cũng chỉ 35.000 đồng một chục, dư sức để làm quà khi mỗi lần có dịp ngang qua lộ mới.
Khô cá lóc được nhiều du khách chọn mua trên quốc lộ 91B, đoạn thuộc phường Thới An Đông, quận Bình Thủy. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
|
Trong hành trình dọc dài cung đường đặc sản, tôi tìm về quốc lộ 91B, đoạn thuộc phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, dừng chân ven đường để tìm mua những đặc sản đồng quê.
Ấn tượng nhất vẫn là thương hiệu khô cá lóc Thới An Đông, bán nhiều ở đoạn gần cầu Thới Ninh. Có khoảng 50 hộ dân tự mua cá về xẻ khô để bán.
Hai bên đường là những liếp phơi khô đỏ au, bắt mắt du khách. Tuy là cá lóc nuôi song với bàn tay khéo léo của bà con nơi đây, khô không quá cứng mà dẻo và ăn vừa miệng.
Mỗi ký khô dao động từ 120.000 đồng đến 140.000 đồng, tùy loại. Đoạn đường này còn bán rất nhiều nấm rơm, do bà con trồng trên ruộng ven đường.
Hương đồng còn lan tỏa trên khắp đoạn đường này. Nhiều du khách ghé vào, mua lỉnh kỉnh từ trái bầu, trái mướp, rau tập tàng, bông súng, so đũa… tất cả đều được hái từ vườn nhà, tươi roi rói.
Có khi khách hào hứng vì mua được “hàng hiếm” như trái ô môi, cá trê vàng…- gần như vắng bóng ở các chợ. Bà con đều từ đồng bưng ra mé đường ngồi bán, có khi bán mớ, bán chục có dư, không cò kè, nói thách nên khá dễ mua.
Từ “nồi cơm” tới “đồng ra đồng vô”
Những đặc sản Cần Thơ từ những cung đường này rồi sẽ theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước, góp phần quảng bá thương hiệu miệt vườn Tây Đô.
Nét dân dã trong buôn bán của bà con đôi khi lại là một sản phẩm du lịch thu hút, nhất là với khách nước ngoài.
Nhưng nhìn ở phương diện sinh kế, nhiều người nói vui rằng, sạp trái cây đó là “nồi cơm”, giúp họ “có đồng ra đồng vô” mà trang trải cuộc sống.
Cô Võ Ngọc Điệp kể, thời trước gia đình cô sống nhờ vào mấy công dâu nhưng giá cả bấp bênh nên chồng cô phải làm thêm nghề quay heo nhưng vẫn chật vật.
Từ khi cô bán trái cây, kinh tế gia đình khá hơn. Cô nói rằng, hai người con của cô, người đang làm ở ngân hàng, người đang học Kế toán - Trường Đại học Cần Thơ, đều nhờ tiền lời bán trái cây. “Buôn bán cắc củm, cuối tuần con về lại có tiền cho con.
Nhờ vậy mà tui nuôi hai đứa đi học”- cô Điệp cười. Gần đó, sạp trái cây của chị Nguyễn Thùy Trang cũng khá đông khách.
Chị Trang chỉ bán các loại dâu ở Phong Điền như dâu Hạ Châu, dâu xanh da bảo, dâu bòn bon, dâu xiêm nên bán chỉ khoảng 6 tháng rộ mùa.
Gần 6 năm buôn bán, mỗi ngày tiêu thụ gần 100 ký dâu, chị nói không “làm giàu làm có” gì nhưng có “đồng ra đồng vô” phụ chồng kiếm tiền đi chợ, lo cho con đi học.
Chẳng phải quy mô sạp, kệ, chị Nguyễn Thị Mành, nhà ở Một Ngàn- Hậu Giang, hằng ngày đều bưng xề rau vườn ra ngồi bán ở gần cầu Trầu Hôi trên đường nối Cần Thơ- Vị Thanh, kiếm được chừng 50.000- 70.000 đồng mỗi ngày. Chị nói, chồng chị đi làm thuê, 3 con còn nhỏ nên gia đình thiếu thốn.
Chịu dầm dãi nắng mưa kiếm vài ba chục ngàn chớ đỡ lắm. Hay ở “đường khô” trên quốc lộ 91B, hầu hết là người dân phường Thới An Đông mua cá ở Trà Vinh về xẻ khô bán, chỉ có chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng mỗi ngày phải đổ đường từ Cờ Đỏ xuống để mưu sinh.
Chị nói: “Xa một chút, cực một chút mà có đồng ra đồng vô còn hơn ở nhà chan chát”.
Nghề buôn bán ven đường không dễ, nhất là ở những tuyến đường vắng nhà, bà con phải che chắn tạm bợ, dãi nắng dầm mưa.
Đó là chưa kể đến cảnh thừa hàng, dội chợ trong thời buổi cạnh tranh. Hầu hết những người buôn bán đều là phụ nữ, chọn cách này để phụ giúp gia đình.
Tuy nhiên, so với làm thuê mướn thì thu nhập từ nghề này khá cao. Mỗi sạp có quy mô trung bình cũng có thể lời 100.000- 200.000 đồng/ngày, quy mô lớn hơn thì có thể lên đến 500.000 đồng/ngày, dù không phải ngày nào cũng vậy.
Điều đáng quý là các ban ngành, đoàn thể địa phương đã quan tâm, hướng dẫn bà con buôn bán sao cho không lấn chiếm lòng đường, hành lang an toàn lộ giới, nhất là hỗ trợ bà con vốn làm ăn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phong Điền, nói, địa phương có hàng trăm chị em buôn bán hàng hóa ven đường, trong đó có nhiều chị em được hội hỗ trợ giới thiệu vay các nguồn vốn nên chuyện làm ăn thuận lợi, phát triển hơn.
* * *
Về Cần Thơ, dọc những cung đường cơ man nào sầu riêng, măng cụt, vú sữa… bắt mắt; rồi xanh mướt rau đồng nội từ mảnh vườn thửa ruộng… là những đặc sản khiến khách phương xa “cầm lòng không đậu”.
“Quẹo lựa!”- tiếng mời chào dễ thương, xởi lởi, vừa bụng thì mua, không thì chào nhau đôi câu. Cái tình miền Tây là như thế!
Theo Báo Cần Thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét