Chợ Cố Đạo có thể được coi là thánh địa ẩm thực Hải Phòng
Nhiều năm qua, chợ Cố Đạo tại đường Trần Nhật Duật, phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng đã trở thành một “thánh địa” ẩm thực đáng tự hào của người dân đất cảng.
Theo bà Khánh (70 tuổi), một người có thâm niên bán nước chè 40 năm trong chợ Cố Đạo, từ thời người Pháp còn đô hộ, khu vực này là nơi ở của một cha cố. Do nhiều người mang rau quả ra bán nên hình thành một cái chợ, gọi là chợ Cố Đạo và lưu truyền đến ngày nay. “Ngày xưa cũng có người bán đồ ăn vặtnhư ngô, khoai luộc hay bánh đa kê, chè đậu đen. Khoảng chục năm gần đây, chợ mới bùng nổ thêm nhiều món mới”, bà Khánh cho biết. Buổi sáng chợ Cố Đạo bán rau quả, thịt cá, từ khoảng 14 - 19 giờ chiều, cả dãy phố trở thành một “thánh địa”, hay là “thiên đường” ẩm thực, theo cách gọi của nhiều người.
Ăn vặt kiểu sang chảnh
Nếu đi theo đường Cầu Đất rồi rẽ trái để vào chợ, đầu tiên sẽ gặp ngay một hàng bánh đa cua… bể. “Cua bể mà, đắt hơn cua thường, nhưng đắt sắt ra miếng. 30.000 đồng một bát là bình thường. Ăn thêm cua luộc thì thêm 100.000 - 200.000 nữa tùy theo suất”, bà Hương, chủ quán vừa giải thích, vừa cắt con cua bể đã luộc chín đỏ au cho hai cô gái trẻ ăn mặc sành điệu.
Sang chảnh nhất ở chợ Cố Đạo có lẽ là món nem cua bể, có thể gọi là điển hình nhất trong các “đặc sản” Hải Phòng. Trong chợ có 3 hàng bán món này với giá 50.000 đồng/chiếc. Nem cua bể có nhân cũng gần giống với nem rán bình thường nhưng có thêm thịt cua bể và cuốn thành hình vuông, to gần bằng nắm tay người lớn. “Ngồi phòng điều hòa, thưởng thức miếng nem nóng giòn, béo ngậy cùng bún và rau sống thì không còn gì ngon hơn ở cái chợ này”, chị Nga (quán nem cua bể số 92 Trần Nhật Duật) khẳng định.
Tuy nhiên, với tôi thì món nem cua bể tuy có ngon nhưng chưa ấn tượng bằng món cuốn Thủy Nguyên chấm bỗng rượu của bà Nguyễn Thị Thịnh (50 tuổi), ngồi bán trước nhà 46 Trần Nhật Duật). Món cuốn Thủy Nguyên gồm tôm, thịt ba chỉ, trứng rán, bún, rau sống được cuộn với nhau bằng một cây hành luộc tái. Miếng cuốn vì thế có đủ vị béo của thịt ba chỉ, mùi thơm của trứng rán, vị ngọt hơi tanh của tôm luộc, cảm giác mát của rau xanh, vị hăng lẫn ngọt của hành luộc. Kết hợp với thứ nước chấm đặc biệt nấu bằng bỗng, món cuốn kể trên chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh cho bất cứ người nào đến ăn.
Lại nói về nước chấm, theo bà Thịnh, bỗng rượu (bã rượu) cần được xay nhuyễn rồi nấu với tỏi, cà chua cùng một vài gia vị thành thứ nước chấm có vị chua, thơm nồng, hơi ngọt và phải được ủ ấm trong nồi cơm điện. Với giá 15.000 đồng 2 chiếc cuốn, mỗi người có thể ăn 6 chiếc (khoảng 45.000 đồng) và sẽ cảm thấy “ấm bụng”.
Đáng chú ý, bà Thịnh cũng là hàng duy nhất trong chợ bán giá bể quanh năm. Đây là món ăn “độc nhất vô nhị” của Hải Phòng. Giá bể là loài nhuyễn thể sống vùi dưới lớp cát trên bãi biển, trông giống như cây giá đỗ, nên gọi là giá bể và có thịt ngọt, chân giòn. Người Hải Phòng thường chế biến thành món xào bằng cách phi hành tỏi cho thơm rồi cho giá vào đảo, nêm gia vị, dấm, mắm, đường, nghệ và đặc biệt là một chút bột mì tạo độ sánh. Giá bể khi nấu xong có màu vàng của nghệ, hòa quyện trong nước xốt sánh mịn, thơm nồng. Ngoài phần thân để xào, phần chân giá bể dài khoảng 5 cm ăn rất giòn. Đoạn chân này có thể hấp cách thủy hoặc chần nước sôi để làm nộm hoa chuối hoặc ăn kèm với giá xào rất ngon. Giá một bát giá bể xào là 30.000 đồng, hơi đắt, nhưng không bao giờ ế. “Chợ này cái gì cũng đắt hơn nơi khác một tí. Nhưng vì ngon hơn nên chẳng ai mặc cả hay phàn nàn gì cả”, bà Thịnh nói.
Ngồi đối diện với quán của bà Thịnh là một hàng nộm chân gà đặc biệt đông khách. Chủ quán ít nói, khó tính đến nỗi không thèm nói tên khi chúng tôi hỏi. Tuy nhiên, nộm chân gà ở đây thực sự rất tuyệt. Chân gà rút xương rất tươi, thơm được ngâm dấm giòn tan, ăn cùng giá đỗ, dưa chuột, cà rốt thái chỉ, rau răm và lạc rang. Giá nộm chân gà ở đây là 35.000 đồng cho một đĩa không lớn.
Nơi hội tụ bánh ba miền
Nói đến chợ Cố Đạo mà không nhắc đến các loại bánh thì chắc chắn thiếu sót. Ở đây có bánh bột lọc nhân tôm xứ Huế, phở cuốn kiểu Hà Nội, bánh khọt đúng vị miền tây, bánh tráng trộn Sài Gòn, bánh xèo Nam bộ và bánh gối chuẩn Bắc. Tất cả đều có trong hai quán số 74 và 76 Trần Nhật Duật. Ấn tượng hơn là quán số 76 của chị Nguyễn Thị Liên (33 tuổi). Chị Liên quê ở Vũng Tàu nên có cách làm các món miền Nam rất chuẩn. Chỉ có một điều hơi khác ở món bánh Khọt. “Trong miền Nam, khi khách đến ăn mới đổ bột vào khuôn. Ở đây đông khách quá, lại chỉ có một mình tui làm nên tui đổ trước” chị Liên giải thích về mâm bánh ngọt đầy ú trước mặt. Ngồi cuốn phở, anh Nguyễn Mạnh Cường, chồng chị Liên, nói thêm: “Nhưng chú yên tâm, bánh vẫn ngon lắm. Nhiều anh em văn nghệ sĩ đến Hải Phòng đều qua quán tôi ăn”.
Chợ Cố Đạo cũng là thiên đường của các loại chè. Trong đó, đông khách nhất là quán chè Sương Sa của chị Trần Thu Hoa (số 45 Trần Nhật Duật). Quán mở từ 10 - 18 giờ hàng ngày và nghỉ chủ nhật. Chỉ rộng khoảng 10 m2 với 3 cái bàn, nhưng quán đông khách vô cùng. Khách chủ yếu đến mua về hoặc đứng ngoài đường mà ăn. Các loại chè sương sa, chè hạt sen, chè thái, chè trôi nước, bánh da lợn, tào pha... đều đồng giá 10.000 đồng.
Ngoài những địa chỉ ấn tượng trên, ở đây còn có các hàng ốc, bánh bèo, chả mực, bún đậu mắm tôm, đánh đa ngan, hoa quả dầm… Tất cả đã và đang tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng của chợ ẩm thực Cố Đạo. Bất cứ ai đến Hải Phòng đều không nên bỏ qua chốn ăn chơi này!
Lê Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét