Nhà hát Lớn Hà Nội sau khi được trùng tu
Công trình Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công ngày 7.6.1901 do 2 kiến trúc sư Harlay và Broyer thiết kế. Công trình hoàn thành vào năm 1911.
Cho đến nay không ít người cho rằng Nhà hát Lớn Hà Nội giống Nhà hát Opéra Garnier (xây dựng nửa cuối thế kỷ 18) của Pháp. Thực tế không phải như vậy.
GS-KTS Hoàng Đạo Kính, người chủ trì công cuộc trùng tu Nhà hát Lớn những năm 90 của thế kỷ trước, chia sẻ: “Tôi từng nhiều lần đến thăm nhà hát đó ở Paris và thấy rằng Nhà hát Lớn Hà Nội không phải là phiên bản của Garnier. Opéra Garnier rất đồ sộ, nguy nga với 2.600 chỗ, trong khi Nhà hát Lớn chỉ 870 chỗ. Nếu giống có chăng là về chức năng, cấu trúc, không gian mặt bằng. Còn về kiến trúc, Nhà hát Lớn là sự phát triển đặc trưng của lối kiến trúc Pháp ở một nước thuộc địa cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, trong đó có sự biểu hiện, tiếp nối của kiến trúc tân cổ điển và kiến trúc tân Baroque, và những nhân tố bản địa hóa rất đặc biệt, độc đáo và có giá trị thẩm mỹ tự thân”.
Tổng công trình sư bí ẩn
Nếu công trình Nhà hát Lớn được xây dựng thời điểm hiện nay thì nó cũng là công trình rất lớn, vì thế cuối thế kỷ 19 nó lại càng lớn hơn. Với một công trình xây dựng đồ sộ bao giờ cũng phải có một tổng công trình sư để bao quát mọi công việc từ cung cấp vật liệu đến tiến độ thi công, giám sát bản vẽ và kiểm tra chất lượng. Thế nhưng đến nay ai là tổng công trình sư vẫn là ẩn số. Theo GS-KTS Hoàng Đạo Kính: “Chúng tôi đã tìm rất nhiều hồ sơ cả VN và Pháp nhưng đến nay vẫn chưa biết ai là tổng công trình sư của công trình này”.
Thời đó chưa có thiết bị âm thanh hỗ trợ cho biểu diễn nên các nhà thiết kế phải tính toán rất khoa học để khuếch tán âm thanh. Thế nhưng trong buổi thử âm cho nhà hát thì cường độ âm thanh không đủ lớn cho khán giả nghe rõ. Người ta đã phải mời một kỹ sư từ Pháp sang để tìm hiểu. Sau khi đo đạc, nghiên cứu kỹ lưỡng, vị này quyết định cho hạ thấp sàn diễn xuống 50 cm. Kết quả khán giả ngồi ở hàng ghế cuối cùng hay trên tầng đều nghe rất rõ như âm thanh chuẩn ở các nhà hát châu Âu khác.
21 năm mới có tấm màn nhung
Năm 1911, dự kiến nhà hát sẽ khai trương ngày 9.12 bằng vở hài kịch Chuyến đi của ông Perrichon (Le voyage de M.Perrichon) do các nghệ sĩ nghiệp dư người Pháp sống và làm việc ở Bắc kỳ biểu diễn. Tuy nhiên gần đến ngày khai trương, sân khấu vẫn trống trơn, không màn kéo, không thiết bị phục vụ trang trí phông cảnh vì kinh phí cho dự án này không còn.
Để khắc phục, một diễn viên trong nhóm kịch vốn là bác sĩ thú y ở Hà Nội đã nghĩ cách mua một tấm vải thô may lại đủ rộng rồi cho vẽ cảnh hồ Gươm có hình tháp rùa làm màn. Vì thế, đêm khai trương diễn ra theo đúng dự kiến.
16 năm sau, năm 1927, tấm màn kéo bằng vải thô có hình tháp rùa được thay thế bằng vải sa tanh và đến năm 1932 tiếp tục thay bằng tấm màn nhung theo kiểu của sân khấu Ý.
Gợi ý của bà bán nước chè
Sau nhiều năm sử dụng lại không được trùng tu nên Nhà hát Lớn Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng. Cuối năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra chủ trương tu bổ và nâng cấp nhà hát, trước mắt phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ diễn ra vào năm 1997, và lâu dài đưa nhà hát trở thành một công trình biểu diễn nghệ thuật hàng đầu ở VN. GS-KTS Hoàng Đạo Kính được giao chủ trì công việc này.
Trong phương án tu bổ, phần mái của nhà hát phải được lợp bằng ngói chẻ (đá vùng Ardoise, Pháp). KTS Hồ Thiệu Trị, một Việt kiều ở Pháp, được Hoàng Đạo Kính mời tham gia trùng tu công trình đau đầu vì nếu nhập ngói từ Pháp thì chi phí rất cao và thời gian chờ đợi gia công cũng rất lâu bởi loại vật liệu này từ lâu không được sản xuất ở Pháp. Một lần ngồi uống trà đá ở quán cóc gần hồ Gươm, KTS Hồ Thiệu Trị nghe bà cụ bán nước chè nói chuyện, nhà của đồng bào dân tộc ở Lai Châu lợp loại ngói này.
Bán tín bán nghi, ông cho người lên Lai Châu thăm dò thì đúng như bà cụ nói. Kết quả kiểm tra cho thấy loại ngói của đồng bào dân tộc Lai Châu này chất lượng rất tốt. Ngay lập tức một xưởng sản xuất ngói ra đời làm ra những viên ngói chẻ đúng như ngói lợp nhà hát ngày xưa.
Nguyễn Ngọc Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét