Duỗi chân thoải mái từ vỉa hè xuống lòng đường, cầm đũa trộn bát mì tôm thơm phức mùi thuốc bắc, nhấp một hơi trà chanh mát lạnh, lại nghe cô chủ quán kể "sự tích ra đời mì gà", thế là đủ cho một cuối tuần thảnh thơi giữa lòng Hà Nội bon chen vội vã.
Dù ngày nào cũng lượn xe vòng qua ngã 4 Hàng Bồ - Hàng Cân – Lương Văn Can, chắc ít ai để ý thấy chỗ này có điều gì đặc biệt phải không? Thế nhưng, với nhiều thế hệ người dân Hà Nội, góc ngã 4 có cây si cổ thụ to đùng, đối diện 1 cửa hàng văn phòng phẩm là một địa điểm ẩm thực rất quen thuộc – mì tôm gà tần Hàng Bồ.
Đi tìm hương vị cũ xưa gần 3 thập kỷ của hàng mì tôm gà tần độc nhất vô nhị ngã 4 Hàng Bồ - Hàng Cân - Lương Văn Can.
5h chiều quán mới lục tục mở hàng, vỏn vẹn vài chiếc ghế con để ngồi, ghế to để mâm mì, và tủ kính đựng đủ thứ nguyên liệu thập cẩm, bên nồi nước dùng thơm ngào ngạt, hàng mì tôm gà tần này đã tồn tại suốt 25 năm qua và thu hút không biết bao nhiêu thực khách, để lại ấn tượng rất khó quên về cả hương vị lẫn không gian nơi nó toạ lạc. Chưa bàn đến khía cạnh ăn chơi, chỉ riêng những câu chuyện “hậu cung” xoay quanh hàng mì tôm “già khú đế” này cũng đủ khiến bạn thích mê tơi. Xoạc chân lê la từ vỉa hè xuống lòng đường, cầm đũa trộn mì thơm phức mùi thuốc bắc, nhấp một hơi trà chanh mát lạnh, vừa ăn vừa tám với lũ bạn, thế là đủ cho một tối cuối tuần thảnh thơi giữa lòng Hà Nội bon chen vội vã.
Một tô mì gà đậm đà chả nơi nào giống, với cốc trà chanh mát rượi, thế là sẵn sàng cho một buổi hẹn hò chém gió chả giống nơi nào.
Và đây, cô Liên - "tác giả" của món mì tôm gà tần gắn bó 25 năm với bao người Hà Nội.
Cô chủ quán Phạm Thị Liên (50 tuổi) là con gái Hà Nội gốc, nhà ở ngay số 24 Hàng Bồ. Vừa thoăn thoắt làm mì cho khách, cô vừa vui vẻ kể “sự tích” hàng mì khiến mọi người xung quanh mắt tròn mắt dẹt. Chẳng phải là món ẩm thực gia truyền hoành tráng gì như thiên hạ đồn đoán, 25 năm trước, lúc còn trẻ, cô Liên đi ăn mì gà tần ở chỗ khác, thấy hương vị không đậm đà hấp dẫn, nên về nhà cô tự mày mò nấu lại. Con gái Tràng An là như thế đấy, đảm đang, khéo léo và cầu toàn. Mọi người trong nhà ăn thử khen ngon, cô nếm cũng thấy ổn, thế là… xách bàn ghế đi bán. Sau khi có chút tiếng tăm, cũng có nơi bắt chước "món tủ" của cô, nhưng không giống.
25 năm qua, bao nhiêu kỉ niệm vui buồn gắn với hàng mì, gắn với người dân thủ đô, trở thành một phần độc đáo của nhịp sống phố cổ.
Hồi đầu mới mở, quán không biển, không nhà cửa hẳn hoi, và chỉ bán bún, cháo, mì gà tần. Cô Liên nhớ lại: “Ngày ấy khách ít lắm, vì chẳng quảng cáo cũng chưa tạo được dấu ấn để người ta kéo tới nườm nượp như bây giờ. Nhớ lúc đó giá một bát cháo có vài nghìn lẻ, ai ăn mì gọi thêm cánh với đùi riêng thì 12 nghìn/ bát, thế là sang lắm rồi. Bây giờ thì cô không bán cháo nữa, chỉ chuyên mì thôi”.
Mấy năm nay giá một bát mì gà lê la ở đây vẫn 40 ngàn không đổi, thế mà trên mạng người ta cứ “chém” lung tung giá, cô Liên nghe khách kể cũng ngạc nhiên. Mà thôi chẳng sao, cô có ham quảng cáo đâu, hàng chục năm rồi cô cứ làm mì, còn mọi người rỉ tai nhau cứ đến, ai cũng vui vẻ thoải mái hết. Món mì tôm gà tần của cô cũng lên báo nhiều rồi, bà chủ hiếu khách chẳng hề khó tính khi có ai đó tò mò hỏi đủ thứ xoay quanh bát mì trứ danh do cô sáng chế ra.
Ở Hà Nội có ti tỉ hàng mì, nhưng nhắc đến mì tôm gà tần chắc chỉ có cái “quán cóc vỉa hè” của cô Liên là khiến mọi người nhớ ra ngay tắp lự. Tại sao lại là mì tôm mà không phải mì khác? Cô Liên cười bảo, cô cũng không biết sao lại chọn bán như thế. Nhiều người nghĩ 25 năm trước thì lấy đâu ra mì tôm? Thực tế là có đấy, chắc hẳn nhiều bạn sẽ ồ lên vì tuổi thơ gắn liền với gói mì vỏ giấy in hình con tôm Miliket chứ!
Bí quyết "gây nghiện" của thứ nước dùng sánh mịn hấp dẫn trong bát mì này là cả một câu chuyện dài, từ sự sáng tạo và khéo léo của người con gái Hà thành.
Người ta quen ăn gà tần riêng, hoặc ăn kèm với óc trần, miến… chứ ăn với mì tôm thì cũng là lạ. Hai thứ đó kết hợp với nhau tạo thành một món ăn khá đặc biệt, và qua tay cô Liên, nó lại càng độc nhất vô nhị, bởi bí quyết riêng không giống ai. “Gà tần thì nhiều người chế biến ngon chứ, cô không nhận là mình nấu ngon nhất. Nhưng cái mà cô tâm huyết nhất, tự hào nhất chính là nước dùng. Ai cũng biết nước dùng gà tần làm từ thuốc bắc, bí quyết của cô nằm ở việc chọn từng vị thuốc như quy, thục, ngải cứu… Đặc biệt, phải chọn kỉ tử quế quả nhỏ, không chọn loại to vì sẽ bị chua. Gà thì luôn chọn con non, nhỏ thì thịt mới ngon, không lấy gà đẻ trứng”. Bà chủ hiền lành nhiệt tình chia sẻ.
Với tài nấu ăn khéo léo và sự nhạy bén suốt 25 năm bán hàng, cô Liên thay đổi nguyên liệu ăn kèm mì thường xuyên để phù hợp với thị hiếu của khách. Như hiện tại thì ngoài gà tần, khách có thể gọi thêm trứng bắc thảo, óc trần, tim… thêm chút xíu tiền thôi. Vị ngọt của thịt gà hoà quyện với cái dai dai đậm đà của tim heo, đăng đắng của ngải cứu, và nước dùng chất lượng tuyệt hảo hoà tan trong miệng sẽ khiến bạn cắm đầu xì xụp đến đáy bát luôn!
Một bát mì gà tần cơ bản có nửa con gà, ít giá đỗ, một nhúm ngải cứu...
... thêm mấy thứ khác như trứng bắc thảo, tim heo, óc trần nhưng đủ khiến nó trở thành tinh hoa ẩm thực phố cổ.
Gần 3 thập kỷ trôi qua, cái góc ngã 4 phố cổ này vẫn bình yên như thế, nhưng hàng mì gà tần cô Liên có kha khá đổi thay, với bao kỉ niệm vui buồn trong kí ức người phụ nữ hiền hậu: “Hồi xưa không có 2 cái bốt điện to đùng này đâu, khách tới quán vẫn ngồi được mấy chục người, rộng rãi thoáng đãng. Giờ thì phải chen nhau giữa 2 cái thùng sắt, cao điểm thì không có chỗ mà ngồi. Trời mưa bão huy động cả nhà đứng giữa sào, chống bạt cho khách ăn. Lắm cái bất tiện thế mà mọi người vẫn rủ nhau tới ăn, cô vui lắm.
Hơn chục năm trước, ngày nào cũng bị công an đi xe xít – đờ - ca 3 bánh đuổi liên tục, tịch thu lên xe là cô lại phải lên phường xin về. Vất vả mà quen rồi nên cuộc sống hàng ngày cứ trôi qua với bao nhiêu kỉ niệm như thế. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng 25 năm rồi, cô cứ bán đến khi không thể cầm muôi múc mì cho khách thì thôi, cũng chẳng có ý định chuyển đi chỗ khác. Sau này con cái muốn mượn tên mình để mở cửa hàng thì cho mượn thôi (cười)”.
Hơn 20 năm trước, góc ngã 4 cô Liên ngồi bán chưa có mấy cái bốt điện to đùng như bây giờ, khách ngồi chật kín vỉa hè.
Không chỉ người dân Hà Nội, du khách nước ngoài cũng ghiền hương vị mì tôm gà tần cô Liên, nếu đã "trót" nếm thử 1 lần.
Đôi bạn trẻ Linh - Tùng (18 tuổi) ở tít Tây Hồ nhưng 3 năm nay tuần nào cũng phải ghé quán ít nhất 1 lần, vì trót "phải lòng" những bí mật trong bát mì độc đáo này.
Chỉ mở từ chập tối đến nửa đêm, nhưng một buổi quán bán ra không dưới trăm bát mì, có hôm mở vỏn vẹn 4 tiếng đã “cháy mì” đến cái phao câu gà cũng không còn. Bao nhiêu câu chuyện thú vị sau chiếc tủ kính bán mì của cô Liên khiến ai đến đây 1 lần cũng muốn quay lại n lần nữa.
Cô đưa mắt hóm hỉnh tiết lộ rằng khách Tây cũng "ghiền" hương vị mì tôm gà tần do cô làm, khách Hàn – Trung càng thích, có người tâm sự với cô rằng quay lại Hà Nội cũng chỉ vì nhớ vật vã bát mì đen xì chính hiệu bà Liên. Rồi họ ngồi buôn chuyện bằng đủ thứ ngôn ngữ tay chân mồm miệng với cô Liên, trở thành niềm vui nho nhỏ khiến cô dọn quán bán hàng ngày. Có lẽ, quán mì gà Hàng Bồ này nổi tiếng chẳng kém "bún chả Obama" là bao, "thâm niên" cũng đáng gờm không kém!
Quán mì gà tần tuy nhỏ xíu nhưng có tận... 8 người phục vụ, từ cắt gà, bưng bê, làm trà, thu tiền, trông xe... ai cũng tất bật mà vui.
Nhiều người dân Hà thành bận đến mấy cũng phải ghé quán chờ bằng được mua mì gà đem về.
Hà Nội có biết bao món đặc sản, nhưng nói về ẩm thực đường phố thì không thể thiếu mì tôm gà tần Hàng Bồ được. Nó là hơi thở, là nhịp sống, là hương vị thân quen, là cảm xúc giản dị mà nhiều người Hà Nội luôn nhớ đến. Chuyện tôi muốn kể cho các bạn, chỉ thế thôi, nếu muốn biết thêm, hãy tìm tới góc ngã 4 có cái bốt điện to đùng ấy nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét