Khi khai quật mộ danh tướng Nguyễn Thiện Thuật, bên dưới quan tài còn nguyên bia đá cũ.
Đây là cách quy tập mộ kiểu cũ nhưng rất có giá trị, đề phòng vì bất cứ lý do gì nếu bia mộ phía trên bị hư hỏng hay mất mát, khi tìm thấy mộ người ta vẫn xác định được mộ phần của ai.
Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh của khởi nghĩa Bãi Sậy, quê ở làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Ông là hậu duệ đời thứ 30 của Nguyễn Trãi.
“Vua Bãi Sậy”
Năm 1874, khi đã đỗ tú tài, Nguyễn Thiện Thuật tiếp tục đỗ cử nhân rồi đình nguyên tiến sĩ. Ông được thăng chức tri phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, rồi được bổ nhiệm giữ chức tán tương quân vụ tỉnh Hải Dương (vì thế nhân dân thường gọi ông là Tán Thuật). Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai năm 1882-1883, nhà Nguyễn đầu hàng nhưng Nguyễn Thiện Thuật đã kháng lệnh triều đình, ông rút lên Hưng Hóa, Tuyên Quang rồi thành Lạng Sơn để kháng Pháp. Khi thành thất thủ năm 1885, ông rút sang Trung Quốc (TQ).
Tháng 7-1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Nguyễn Thiện Thuật trở về nước, thành lập căn cứ địa Bãi Sậy. Dưới sự lãnh đạo của ông, khởi nghĩa Bãi Sậy lan ra khắp tỉnh Hưng Yên và một số tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình.
Căn cứ Bãi Sậy là khu rừng sậy ở giữa các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ và Mỹ Hào. Căn cứ Bãi Sậy có vị trí hiểm yếu, tiện phòng thủ, thuận lợi trong tiến công; quân Pháp nhiều lần tấn công nhưng không dẹp được, còn bị tổn thất nặng nề, quân Pháp đặt cho ông biệt danh là “vua Bãi Sậy”. Từ sau khi vua Hàm Nghi bị bắt (năm 1888) và lưu đày ở châu Phi, phong trào Cần Vương bắt đầu suy yếu. Sức mạnh của quân Bãi Sậy cũng suy yếu dần. Quân Pháp thiết lập được nhiều đồn quanh căn cứ Bãi Sậy để chia cắt người dân với nghĩa quân.
Trước tình hình khó khăn, Nguyễn Thiện Thuật giao quyền lãnh đạo cho em là Nguyễn Thiện Kế, rồi sang Trung Quốc mưu tính các cuộc vận động mới để chống Pháp nhưng không thành.
Sự nghiệp chưa thành, ông mất vì bệnh ngày 25-5-1926 tại Trung Quốc.
Viếng mộ người anh hùng
Năm 1956, ông Đỗ Đình Truật sang Trung Quốc phụ trách các lớp học tại Học xá Nam Ninh. Cũng tại đây ông gặp và làm quen với học giả Trần Văn Giáp. Thời điểm bấy giờ ông Giáp đến Nam Ninh để tìm dấu vết của Hồ Quý Ly, do một số tài liệu Minh sử ghi rằng Hồ Quý Ly bị đày làm lính thú rồi bị giết tại đây. Sau khi nghiên cứu các tài liệu cổ sử ở Nam Ninh, ông Giáp khẳng định thông tin Hồ Quý Ly bị đày đến Quảng Tây là không có thực. Đây là những thông tin nền móng đầu tiên giúp ông Truật sau này đi tìm mộ Hồ Quý Ly.
Rồi một hôm ông Giáp nói với ông Truật: “Sáng mai chúng ta sẽ đi viếng mộ một người anh hùng, đấy là cụ Tán Nguyễn Thiện Thuật”.
Ông Truật ngạc nhiên, hỏi lại: “Hóa ra mộ cụ Tán Thuật ở ngay Nam Ninh đây sao?”.
Ông Giáp nói: “Đúng vậy! Ta nhờ con viết một bài điếu để đọc trước mộ của cụ”.
Được giao trọng trách nhưng thay vì viết bài điếu, ông Truật lại làm một bài thơ dài, trong đó có những câu: “Rừng lau trại sậy quân một nhóm/ Chính nghĩa không mờ nghĩa quốc gia…”.
Sáng hôm sau hai thầy trò đi đến đồi Quan Kiều, sau khi len lách qua nhiều ngôi mộ, cả hai đến trước một ngôi mộ với bia đá ghi dòng chữ “Việt Nam cách mạng. Cố tướng quân Nguyễn Công Thiện Thuật - Chi mộ”. Tại đây hai thầy trò đã cúi đầu thắp hương tưởng nhớ vị chủ tướng của khởi nghĩa Bãi Sậy, nay nấm mồ xanh cỏ nơi đất khách quê người.
Ông Giáp nói với ông Truật: “Bây giờ đất nước ta tuy không còn bị Pháp đô hộ nhưng vẫn còn chưa thống nhất, tình hình chính trị-xã hội chưa yên. Khi nào đất nước yên bình, phải báo tin cho con cháu cụ Tán Thuật biết để đưa hài cốt cụ về với quê hương”.
Ông Truật ghi nhớ lời dặn dò đó…
Đi tìm con cháu cụ Tán Thuật
Khi Cách mạng văn hóa xảy ra tại TQ, tình hình bất ổn, nhiều du học sinh Việt Nam, trong đó có ông Truật phải về nước. Tới khi chiến tranh biên giới nổ ra, việc qua lại giữa hai bên bị cách trở. Cho đến khi hai nước bắt đầu bình thường hóa quan hệ những năm 1990, ông Truật cùng học trò Nguyễn Thiện Đức mới liên hệ với những người thuộc dòng họ Nguyễn Thiện Thuật để thông tin. Do là dòng dõi của Nguyễn Trãi nên dòng họ khá đông (ông Nguyễn Thiện Đức cũng là bà con với Nguyễn Thiện Thuật nhưng là họ xa), trong khi cần phải tìm người là dòng dõi trực hệ để rước hài cốt về.
Trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, gia đình Nguyễn Thiện Thuật là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh kháng Pháp đến cùng. Hai người cháu ruột của Nguyễn Thiện Thuật bị triều đình tay sai nhà Nguyễn xử tử. Hai người em ruột của ông là Nguyễn Thiện Dương, Nguyễn Thiện Kế đều hy sinh vì nước. Hai người con trai Nguyễn Thiện Tuyển, Nguyễn Thiện Thường hy sinh anh dũng. Sau khi Bãi Sậy tan vỡ, anh hùng Nguyễn Thiện Tuyển về chiến khu Yên Thế tiếp tục chiến đấu, sau bị bắt và bị xử chém tại Bần Yên Nhân vào tháng 4-1909. Do vậy, để dò hỏi tìm được hậu duệ của cụ Thuật rất khó khăn trong điều kiện thông tin ít ỏi ngày đó.
Rồi có người cho ông Truật biết ông Trần Trọng Tân (lúc đó đang là phó bí thư Thành ủy TP.HCM) có biết người cháu nội của Nguyễn Thiện Thuật, vậy là ông Truật tới tìm hiểu thì đúng như vậy.
Nguyên cụ Nguyễn Thiện Thuật còn một người con trai tên Nguyễn Văn Sâm, lúc khởi nghĩa Bãi Sậy hãy còn nhỏ tuổi, sau này ông Sâm vào Huế làm nghệ nhân cung đình chuyên tu bổ, sửa chữa các công trình trong hoàng thành rồi ông vào Nam sinh sống. Ông Sâm có một người con trai tên Nguyễn Văn Long đã tham gia hoạt động cách mạng, là bí thư Biên Hòa đầu tiên. Sau năm 1954, ông Long tập kết ra Bắc, làm giám đốc Công an Hà Nội trong nhiều năm. Chính ông Long cũng là người thành lập nên đội bóng đá Công an Hà Nội vào năm 1956. Khi nghỉ hưu, ông về sống ở TP.HCM. Khi ông Truật tìm tới, ông Long lúc này đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn rất mạnh khỏe và minh mẫn. Được biết tin về mộ phần ông nội của mình, ông Long rất vui mừng.
Đưa người về với quê hương
Ông Long đã nhờ ông Vũ Hắc Bồng (lúc đó là giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM) soạn một công văn gửi qua TQ, trong đó nêu rõ nguyện vọng gia đình muốn xin mang hài cốt tướng quân Nguyễn Thiện Thuật về lại cố hương. Mấy tháng sau bên TQ gửi công văn phúc đáp, họ cho biết do kinh tế phát triển nên TP Nam Ninh đã mở rộng ra, khu vực nghĩa trang ở đồi Quan Kiều vì vậy phải giải tỏa để thành khu dân cư. Ngôi mộ của cụ Nguyễn Thiện Thuật cũng như các ngôi mộ khác ở đây đã bị giải tỏa mấy năm trước đây nhưng không rõ đã quy tập về đâu. Họ sẽ kiểm tra kỹ lại rồi sẽ thông tin sau. Khi nghe tin này, cả ông Truật lẫn ông Long đều rất lo lắng…
Rất lâu sau, bên TQ mới gửi công văn sang lần nữa, thông báo đã tìm thấy nơi quy tập hài cốt của Nguyễn Thiện Thuật. Thì ra có một ân nhân là một người Việt sống ở TQ, với tấm lòng dành cho một anh hùng đất nước, người này đã đứng ra lo liệu hết mọi việc để di dời mộ phần của Nguyễn Thiện Thuật sang đồi Đại Lĩnh nằm ở phía Nam TP Nam Ninh, cùng khu vực nghĩa trang của bộ đội, thương binh Việt Nam sang TQ điều trị và mất tại đây trước năm 1975.
Đến năm 2005, tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với địa phương và dòng họ của lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy Nguyễn Thiện Thuật sang Nam Ninh để bốc mộ. Tại đồi Đại Lĩnh, sau khi làm các thủ tục pháp lý và thủ tục tâm linh (xin phép long thần thổ mạch tại địa trạch cũng như kính xin linh hồn Nguyễn Thiện Thuật cho phép mang hài cốt về quê hương). Hài cốt của ông sau đó được đưa về an táng tại quê hương Xuân Dục, huyện Mỹ Hào. Khu di tích lăng mộ của ông được đặt gần với cây đề cổ thụ, vốn là vọng gác tiền tiêu của nghĩa quân Bãi Sậy năm xưa. Đây không chỉ là mang ý nghĩa lịch sử.
Để tạ ơn đã báo tin về phần mộ tổ tiên, ông Long, lúc này đã 94 tuổi, mời hai thầy trò ông Truật tới nhà dùng cơm.
“Đấy là một bữa tiệc thịnh soạn, chúng tôi được mời uống rượu quý nhiều năm tuổi đựng trong chén cổ. Ông Long rất vui và hài lòng vì vào những ngày tháng cuối của cuộc đời, ông đã được chứng kiến phần mộ ông nội trở về với quê hương” - ông Nguyễn Thiện Đức nhớ lại…
Theo Pháp Luật TP HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét