Cuộc chiến tiền tệ
TTO - Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời trong tình thế cực kỳ khó khăn. Chính phủ mới vừa đối phó thảm nạn chết đói, vừa chiến đấu chống quân Pháp tái chiếm nước Việt. Ngoài ra, có một cuộc chiến khốc liệt khác: cuộc chiến tiền tệ...
Ngân hàng Đông Dương ngưng cung cấp tiền, gây khó khăn cho Chính phủ VNDCCH - Ảnh tư liệu Ngân hàng Nhà nước |
Việt Minh đã giành được chính quyền nhưng đang bị nợ như chúa chổm
|
Giáo sư VĂN TẠO |
“Tháng 9-1945, việc giành chính quyền đã thành công, nhưng ngay lập tức nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) mới phải đối diện với tràn ngập khó khăn.
Lâu nay chính sử nhắc nhiều đến các việc chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, nhưng thực tế còn một cuộc chiến cực kỳ quan trọng khác mà cách mạng phải vượt qua: đó là cuộc chiến tiền tệ” - nguyên viện trưởng Viện Sử học, giáo sư Văn Tạo, kể lại.
Tờ bạc Đông Dương mệnh giá lớn do Nhật ép Pháp phát hành làm khủng khoảng nền tài chính VNDCCH - Ảnh tư liệu |
Tình thế ngàn cân treo sợi tóc
Khi cuộc cách mạng mùa thu năm 1945 nổ ra, giáo sư Văn Tạo còn là một thầy giáo ở Hải Dương tham gia phong trào Việt Minh.
Ký ức của ông thời điểm ấy chỉ là những gì nhìn thấy trước mắt như nạn chết đói thảm khốc, dân mù chữ và các cuộc biểu tình rồi chiến sự lan rộng...
Về sau, cuộc đời nghiên cứu chuyên sâu quốc sử đã giúp ông Tạo hiểu rõ hơn các ngóc ngách của bước ngoặt lịch sử dân tộc này.
Tháng 8-1945, Việt Minh giành chính quyền ở Hà Nội, và một trong những mục tiêu quan trọng mà lực lượng cách mạng phải chiếm giữ là hệ thống tài chính - tiền tệ, để chính phủ mới có điều kiện hoạt động và bảo đảm đời sống cơ bản cho quốc dân.
Tuy nhiên, bối cảnh quân sự - chính trị lúc ấy rất phức tạp vì còn sự hiện diện của cả quân đội Nhật lẫn người Pháp, về sau lại thêm 18 vạn quân Quốc Dân đảng tràn vào.
Ngay từ đầu, Việt Minh chỉ chiếm giữ được Sở Ngân khố và cố gắng kiểm soát một phần Ngân hàng Đông Dương.
Hậu quả là ngay sau khi tiếng súng kháng chiến vệ quốc bùng nổ, Ngân hàng Đông Dương do Pháp nắm quyền in ấn, phát hành tiền tệ đã lập tức gây khó khăn cho Chính phủ VNDCCH bằng cách cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp tài chính.
Tình hình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi nền kinh tế đang lạm phát nghiêm trọng. Ngay từ năm 1940, phát xít Nhật tràn vào, buộc Pháp phải in thật nhiều tiền cho quân đội mình chi tiêu, đã làm nền kinh tế Việt Nam sụp đổ.
Nếu như năm 1940 Ngân hàng Đông Dương chỉ lưu hành 216 triệu đồng, thì đến năm 1945 số tiền mặt ngoài thị trường đã tăng lên đến gần 2,5 tỉ đồng.
Thời điểm ấy cái gì cũng đi xuống, chỉ có lượng tiền là tăng lên với tốc độ “lũ lụt” chưa từng thấy. Lạm phát vô cùng khủng khiếp.
Trước đây, người phu kéo xe chỉ cần có khách một cuốc là đã đủ mua bơ (lon) gạo, giờ còng lưng cả ngày vẫn không đủ tiền mua. Giá hàng thiết yếu nhất là gạo, thóc tăng hàng chục lần...
Tình hình lạm phát bi thảm như vậy nhưng khi Chính phủ Việt Minh chiếm giữ và kiểm tra ngân khố quốc gia thì chỉ còn đúng 1.230.720 đồng.
Đặc biệt lại có đến 586.000 đồng là tiền rách nát phải tiêu hủy. Trong khi đó, nợ ngân phiếu chưa trả là 564.367.522 đồng.
Theo giáo sư Văn Tạo, “Việt Minh đã giành được chính quyền nhưng đang bị nợ như chúa chổm”. Ngân khố trống rỗng. Chính phủ mới không có tiền để hoạt động!
Chính phủ VNDCCH vừa ra đời đã phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt và nạn thiếu tiền Ảnh: Bảo tàng Lịch sử |
Áp lực tiền tệ
Đặc biệt, trong tình hình khó khăn nghiêm trọng này lại xuất hiện thêm 18 vạn quân Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch kéo sang trên danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật ở miền Bắc.
Chính phủ VNDCCH vừa ra đời lo cho dân mình đã khó khăn, lại phải nuôi thêm gần 200.000 quân Tưởng.
Vừa đối phó với cuộc chiến tiền tệ do Ngân hàng Đông Dương Pháp gây áp lực, lực lượng kháng chiến lại phải đối mặt với sự phá hoại nền tài chính một cách thô bạo của đội quân mang tiếng là đồng minh.
Tướng Lữ Hán (quân Tưởng) yêu cầu phải cung cấp cho quân ông ta 10.000 tấn gạo trong khi dân Việt vẫn chưa qua khỏi nạn chết đói.
Nghiêm trọng hơn, sau đó viên tướng Trung Quốc còn “khai chiến” tiền tệ trực tiếp khi tự tiện áp đặt một tỉ giá hoàn toàn khác biệt thực tế: 1 đồng quan kim Trung Quốc ăn 1,5 đồng Đông Dương và 13,3 đồng quốc tệ của họ ăn 1 đồng Đông Dương.
Trong khi thực tế tỉ giá ngoài thị trường tương ứng là 2,5 đồng quan kim mới bằng 1 đồng Đông Dương, và 50-60 đồng quốc tệ của họ mới ngang giá 1 đồng Đông Dương ở Việt Nam.
Nhắc lại “cuộc chiến” tiền tệ này, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - nguyên sĩ quan Việt Minh - nhận xét: “Thực chất gần 20 vạn quân Lữ Hán đã cậy số đông và vũ khí để đổi cái gọi là tiền (nhưng thực chất như giấy lộn) của họ lấy thóc gạo, tiền bạc và các tài sản khác của đồng bào ta.
Chính phủ cách mạng lúc đó căm giận lắm, nhưng không thể phản ứng mạnh mẽ được vì phải dồn lực đối phó sự trở lại của quân Pháp”.
Tình hình nghiêm trọng hơn khi Lữ Hán càng lấn tới yêu cầu phải được đổi 4.500 triệu đồng bạc Đông Dương trong khi cả nước Việt Nam lúc ấy chỉ có 2.172 triệu đồng Đông Dương lưu hành...
Để vượt qua “cuộc chiến” tiền tệ nan giải này, Chính phủ cách mạng cùng lúc thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ. Quỹ độc lập và Tuần lễ vàng được phát động để kêu gọi sự ủng hộ từ nhân dân.
Tuy không hoàn toàn kiểm soát được Ngân hàng Đông Dương - cơ quan độc quyền phát hành tiền - nhưng Chính phủ đã cử một phái đoàn gồm các ông Hoàng Minh Giám, Trịnh Đình Bính và Đặng Đình Hòe đến giám sát ngân hàng này.
Ban đầu ban giám đốc người Pháp cương quyết không chấp nhận các yêu cầu của phía Việt Nam. Nhưng tình hình càng lúc càng căng thẳng, cuối cùng họ phải nhượng bộ, tạm chấp thuận một số yêu cầu rút tiền của Chính phủ Việt Nam với tổng số tiền khoảng 22 triệu đồng Đông Dương.
Tuy nhiên, sau khi chiến sự chống xâm lược bùng nổ ở Nam Bộ, đến cuối tháng 10-1945 ngân hàng này không cho rút tiền nữa.
Tình thế buộc Chính phủ VNDCCH không còn cách nào khác là phải có đồng tiền riêng của mình. Điều đó không chỉ bảo đảm cho sự hoạt động của Chính phủ và đời sống nhân dân, mà còn trực tiếp khẳng định nền độc lập, tự chủ quốc gia.
Đội quân... bê tha
Thiếu tá Archimedes Patti - trưởng phái bộ tình báo Mỹ OSS ở Hà Nội lúc ấy - nhận xét: “Ra phố, tôi chỉ thấy một cảnh tượng lộn xộn không thể tả được với những lính Trung Quốc lang thang không mục đích.
Họ tràn vào sục sạo trong các khu phố, lang thang trên các bãi cỏ trước Dinh Toàn quyền, trong các trại của Pháp, Việt, quần áo rách rưới, bê tha...”.
|
In tiền riêng
TTO - Sau tờ bạc 20 đồng, các tờ bạc 100 đồng, 500 đồng cũng được in ra, tương ứng với mệnh giá các tờ bạc Đông Dương của Pháp phát hành lúc ấy.
Nhà in Ngô Tử Hạ, một trong những nhà in đầu tiên in tiền kháng chiến - Ảnh tư liệu Ngân hàng Nhà nước |
Ngay từ cuối năm 1945, những tờ bạc Cụ Hồ đầu tiên đã xuất xưởng
|
Cựu bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến |
“Tôi nhớ hồi ấy lực lượng tự vệ Hà Nội đang luyện tập chiến đấu thì cấp trên triệu tập một số chỉ huy đi dự một cuộc họp đặc biệt. Không có thư mời, chúng tôi chỉ nhận truyền đạt vắn tắt bằng miệng là nội dung họp mật, đến nơi sẽ rõ.
Đêm ấy khoảng 7h, một ngày đầu tháng 12-1945 tại ngôi nhà thuộc liên khu 2 gần chợ Đồng Xuân, tướng Vương Thừa Vũ về dự, nói: Chính phủ chúng ta sẽ phát hành đồng tiền độc lập riêng của mình, báo cho các đồng chí vũ trang biết để chuẩn bị hỗ trợ, chống lại sự phá hoại” - ông Hoàng Giáp, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523, sư đoàn 304, kể.
Dập tiền dưới hầm bát giác
Thật ra ngay từ trước cuộc họp đó, một số anh em hoạt động tình báo nội thành Hà Nội như ông Giáp đã ngầm biết sẽ có đồng tiền độc lập ra đời.
Quân đội Pháp trở lại Việt Nam đòi quyền cai trị, trực tiếp và gián tiếp tấn công lực lượng cách mạng trên tất cả lĩnh vực.
Trong tài chính, Pháp cũng “khai chiến” khi chỉ đạo Ngân hàng Đông Dương đình chỉ hoàn toàn việc chuyển tiền cho Chính phủ Việt Minh.
Mục đích của quyết định này là làm cho chính phủ của người Việt mới ra đời không thể hoạt động được, và hệ thống viên chức, công nhân ăn lương cũng như toàn bộ nền kinh tế đất nước phải trở lại phụ thuộc Pháp.
Ban đầu chương trình phát hành đồng tiền độc lập được tổ chức trong bí mật. Cơ sở đầu tiên đặt tại tầng hầm Nhà bát giác Hà Nội (nay là Viện Bảo tàng lịch sử).
Chính phủ quyết định sử dụng máy dập tiền hiếm hoi Pháp dùng để dập đồng trinh Bảo Đại mà lực lượng Việt Minh tịch thu được hồi Cách mạng Tháng Tám.
Các đồng tiền đầu tiên ra đời được dập bằng nhôm có mệnh giá 2 hào, 5 hào, sau có thêm loại 1 đồng, 2 đồng. Người vận hành máy cũng là các nhân viên cũ như ông Hoàng Thế Ngọc, Đặng Văn Khải...
Mặc dù công việc in tiền tiến hành trong bí mật và có lực lượng vũ trang kín kẽ bảo vệ, nhưng do tình hình quân Lữ Hán lúc ấy đóng quân gần khu vực nên sau đó phải chuyển về cơ sở Cây đa Nhà Bò ở phố Lò Đúc.
Bà Phạm Thị Thìn, một nữ chiến sĩ trong đội tự vệ thành Hoàng Diệu năm 1945, kể khi cầm đồng tiền độc lập này đi giao dịch, các tiểu thương ngạc nhiên vì không biết là tiền gì. Tuy nhiên, khi xem mặt đồng tiền có hình ngôi sao năm cánh thì họ hiểu và ủng hộ ngay.
Các nhân sĩ, tư sản đóng góp rất nhiều cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia |
Bạc giấy Việt Nam dân chủ cộng hòa
Song song với dập tiền kim loại, việc ra đời tiền giấy cũng được gấp gút tiến hành. Theo tài liệu của giáo sư sử học Văn Tạo, khoảng tháng 10-1945 chính phủ đã cho mời các họa sĩ Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Huyến... thực hiện bản vẽ các tờ bạc giấy với ba nội dung cách mạng quan trọng thời điểm ấy là “diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”.
Nhóm họa sĩ phải giữ bí mật tuyệt đối, đề phòng tai mắt tình báo Pháp cũng như quân Lữ Hán. Họ phân công vẽ các tờ bạc khác nhau.
Trong đó, họa sĩ Mai Văn Hiến là người vẽ chính tờ bạc mệnh giá 5 đồng, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ tờ 10 đồng, họa sĩ Nguyễn Văn Khanh vẽ tờ 20 đồng...
Trong khi tạo bản vẽ các tờ bạc, một việc cũng rất quan trọng khác là tìm nhà máy in tiền. Trước đây, Ngân hàng Đông Dương của Pháp lo việc này, nhưng kể từ tháng 10-1945 họ đã bất hợp tác với Chính phủ Việt Minh.
Hà Nội thời điểm ấy không có nhiều nhà máy đủ khả năng in tiền, lại không phải nơi nào cũng có thể in được.
Một may mắn là thời điểm này có nhiều nhà tư sản ủng hộ kháng chiến như ông Ngô Tử Hạ, Đỗ Đình Thiện... có sẵn nhà máy ấn loát hoặc ủng hộ tiền bạc để trực tiếp mua giúp phương tiện hoạt động.
Cuối cùng, việc in tiền giấy được quyết định thực hiện tại các nhà in Taupin, Ideo, Ngô Tử Hạ, Lê Văn Tân...
Cựu bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến kể: “Trước hết, chúng tôi chạy mua hai máy in tiền, một của Hãng Taupin, một của Hãng Extreme Orient. Tối thiểu phải có hai máy đề phòng sự cố. Về giấy, chúng tôi dùng Nhà máy giấy Đáp Cầu để sản xuất giấy in tiền. Ngay từ cuối năm 1945, những tờ bạc Cụ Hồ đầu tiên đã xuất xưởng”.
Nhóm họa sĩ hoàn thành tốt các bản vẽ giấy bạc, nhưng còn các bộ phận thực hiện quan trọng sau đó như làm bản kẽm, thợ kỹ thuật vận hành máy in liệu có thể tin tưởng được trong tình hình phải bảo vệ bí mật nghiêm ngặt việc in tiền?
Thời điểm ấy, Hà Nội cũng như cả nước không có nhiều người thông thạo lĩnh vực kỹ thuật này, trong khi một số lại bỏ việc về quê sau các biến động thời cuộc.
Các cán bộ phụ trách việc in tiền phải đi dò hỏi, xác minh thái độ chính trị từng người thợ có tay nghề giỏi để mời họ giúp đỡ kháng chiến. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thời điểm cuối năm 1945 giữ trọng trách bộ trưởng Bộ Tài chính, phải thường xuyên đi lại như con thoi để chỉ đạo công việc vô cùng quan trọng và tối mật này.
Để kịp tiến độ đưa đồng tiền mới đến các cơ quan chính phủ và người dân, các máy in lúc đó gần như chạy suốt 24/24 giờ.
Hầu như máy chỉ dừng lại để các thợ kỹ thuật sửa chữa khi bị trục trặc máy móc. Sau rất nhiều nỗ lực, tờ tiền được in đầu tiên có mệnh giá 20 đồng với màu vàng chủ đạo.
Một mặt in ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh chính giữa góc trái, một mặt có hình các công nhân, nông dân và con trâu.
Dải băng kéo dài trên tờ bạc in đậm tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cùng hai chữ ký của bộ trưởng Bộ Tài chính và giám đốc Sở Ngân khố.
Sau tờ bạc 20 đồng, các tờ bạc 100 đồng, 500 đồng cũng được in ra, tương ứng với mệnh giá các tờ bạc Đông Dương của Pháp phát hành lúc ấy.
Sắc lệnh phát hành
Mốc lịch sử của đồng tiền độc lập bắt đầu từ ngày 1-12-1945, Bộ Tài chính ký sắc lệnh 76/TC chính thức phát hành các đồng hào nhôm từ vĩ tuyến 16 trở ra.
Đến ngày 31-1-1946, tiền giấy mới in tiếp tục được phát hành ở khu vực này và cả Nam Trung Bộ.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kể: “Thời điểm ấy tôi đang chiến đấu ở Khánh Hòa, lần đầu cầm tờ bạc độc lập có in chữ Việt Nam dân chủ cộng hòa mà xúc động đến lặng người. Nhiều đồng bào chấp nhận đổi 1 đồng tiền mới này ngang với 1 đồng, thậm chí 1,2 đồng Đông Dương của Pháp”.
|
Đồng tiền Nam Bộ
TTO - Khác tình hình miền Bắc, Nam Bộ vừa giành chính quyền một thời gian ngắn đã nổ ra chiến sự ác liệt. Do tình hình đặc biệt này, việc in ấn, phát hành đồng tiền kháng chiến tiến hành chậm hơn ở miền Bắc.
Theo ông Trang Sĩ Liêm, nhờ có nguồn tài chính riêng mà kháng chiến có nguồn lực đến thắng lợi - Ảnh: QUỐC VIỆT |
Tuy sau Hà Nội nhưng đồng tiền kháng chiến Nam Bộ ra đời lại rất đa dạng, thậm chí được in thô sơ bằng loại giấy gói đồ mà vẫn được người dân chấp nhận
|
Ông TRANG SĨ LIÊM |
Đồng bạc xé đôi và con dấu kháng chiến
“Tuy sau Hà Nội, nhưng đồng tiền kháng chiến Nam Bộ ra đời lại rất đa dạng, thậm chí được in thô sơ bằng loại giấy gói đồ mà vẫn được người dân chấp nhận.
Lực lượng quân sự và mật vụ Pháp tìm mọi cách phá đồng tiền này nhưng không thể nào phá được” - nguyên giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam TP.HCM Trang Sĩ Liêm nói.
Từ cuối năm 1945 sang năm 1946, người dân Nam Bộ chủ yếu vẫn sử dụng đồng bạc Đông Dương của Pháp. Đây là một trong những thời điểm hiếm hoi dân vùng kháng chiến có thể xé đôi các tờ bạc mệnh giá lớn 100 đồng, 500 đồng mà vẫn mua bán được.
Lý do là trong thời gian Nhật chiếm đóng Việt Nam đã buộc nhà in tiền Ideo của Pháp phải phát hành các tờ bạc mệnh giá lớn để quân đội Nhật tiêu dùng.
Khi Nhật bại trận rút về nước, một lượng rất nhiều tiền mệnh giá lớn này vẫn ở ngoài thị trường khiến người dân khó tiêu dùng. Không đủ tiền lẻ thối lại, người dân miền Nam xé làm đôi để tự hạ phân nửa mệnh giá tờ bạc.
Khoảng đầu năm 1947, một nhóm cán bộ ra Phú Yên nhận về 20kg vàng và bảy thùng tiền giấy bạc mệnh giá 100 đồng Đông Dương.
Đặc biệt, để huy động nguồn lực trong dân, từ năm 1946 Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký các sắc lệnh cho phép Nam Bộ được phát hành các loại công thải (vay của dân), tiếp tục sau đó là các công phiếu, công trái kháng chiến như đã thực hiện ở miền Bắc.
Tùy điều kiện từng vùng, người dân có thể dùng tiền Đông Dương để mua hoặc quy ra lúa, vàng. Thậm chí có tờ công trái còn ghi rõ ràng mệnh giá bằng 500kg thóc với phần lãi sẽ trả bên dưới.
Về phía Pháp, sau khi nổ súng tái chiếm Sài Gòn đã tung ra ngay đòn tài chính đầu tiên bằng cách lệnh cho Ngân hàng Đông Dương ngừng cấp tiền cho Sở Ngân khố Việt Minh từ cuối tháng 10-1945.
Sau đó, họ lại tiếp tục tuyên bố không thừa nhận các loại tờ bạc Đông Dương mệnh giá lớn do phát xít Nhật ép Pháp phát hành. Một đòn tài chính đánh thẳng vào nền kinh tế vùng kháng chiến.
Ông Liêm kể để đối phó lại, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ đã nghĩ ra cách đóng dấu lên các tờ bạc này dòng chữ “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”. Người đề xuất ý kiến là luật sư Nguyễn Thành Vĩnh.
Bất cứ tờ bạc nào có con dấu đó đều được xem là hợp pháp và được mua bán bình thường ở vùng tự do.
Tờ bạc Đông Dương xé làm đôi xài được ở vùng kháng chiến - Ảnh: TSL |
In tiền Nam Bộ
Đầu năm 1948, Nam Bộ được trung ương chấp thuận cho tự ấn loát và phát hành các tờ bạc 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 và 100 đồng riêng. Chúng được gọi chung là “giấy bạc Việt Nam” để phân biệt “giấy bạc trung ương” do miền Bắc phát hành.
Theo ông Nguyễn Thành Thơ - nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM, việc miền Nam tự in đồng tiền riêng là một bước ngoặt rất quan trọng.
Nó không chỉ tránh được tình trạng chậm trễ, bấp bênh và nguy hiểm của đường chuyển tiền từ miền Bắc vào Nam, mà còn giúp thu phục được nhân tâm.
Chính những tờ bạc này đã giúp tăng thêm sức mạnh và uy tín chính quyền kháng chiến trong lòng dân.
Ông Thơ kể: “Tụi tui đi qua tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, thấy người dân đặt mấy tờ bạc của mình lên bàn thờ để thờ cúng rất trang trọng. Về sau lính Pháp bố ráp tìm thấy, dân trả lời: Không biết tiền gì. Lượm được thì để lên đó chơi”.
Cơ sở in tiền kháng chiến Nam Bộ đầu tiên đặt ở Đồng Tháp với tên gọi Ban ấn loát đặc biệt và mật danh là Ban trồng tỉa số 10. Kỹ sư Ngô Tấn Nhơn, bộ trưởng Bộ Canh nông, phái viên được Chính phủ cử vào Nam làm trưởng ban này.
Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, ủy viên Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ và kỹ sư Kha Vạn Cân làm phó ban. Ủy viên là các ông Huỳnh Văn Gấm, Lê Thiên, Ngô Văn Hoa...
Theo ông Trang Sĩ Liêm, cơ sở hoạt động thời điểm ấy gần như bắt đầu từ con số 0. Hầu hết đều xuất phát từ nguồn ủng hộ của nhân dân, điền chủ và nhân sĩ ủng hộ kháng chiến, trong đó có cả vàng của luật sư Nguyễn Thành Vĩnh.
Các máy in typo, offset được giúp tìm mua từ nội thành Sài Gòn, rồi bí mật chuyển bằng đường ghe về Đồng Tháp.
Đặc biệt, các họa sĩ vẽ mẫu tiền do lực lượng kháng chiến vận động, bí mật mời từ nội thành Sài Gòn - Gia Định ra chiến khu như Huỳnh Văn Gấm, Sáu Hộ, Lê Ba, Trần Ngọc...
Một số người đi trước lại tiếp tục mời thêm bạn bè của mình về Đồng Tháp. Trong đó, Sáu Hộ là một giảng viên nổi tiếng khắc chạm đồng, đá ở Trường Mỹ thuật Gia Định.
Ngoài nhóm họa sĩ vẽ tiền, các kỹ thuật viên in offset như Đinh Nhân Quý, Nguyễn Văn Thông, Lê Thân, Hoàng Ngọ và thợ làm bản kẽm Dao Cẩm Thiếm, thợ khắc Bùi Văn Trừng, thợ cơ khí Lê Văn Xinh, Ba Gia cũng lần lượt vào Đồng Tháp Mười để trực tiếp tham gia việc in tiền kháng chiến.
Riêng ông Trang Sĩ Liêm đang làm thủ quỹ ở Văn phòng 1 Xứ ủy thì được điều về Sở Ngân khố Nam Bộ, theo sát công việc in ấn và phát hành tiền cho đến năm 1954.
Tờ bạc 100 đồng Đông Dương có dấu Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ để sử dụng ở vùng kháng chiến - Ảnh: TSL |
Tờ bạc kháng chiến có chân dung Hồ Chí Minh
Mặc dù đội ngũ nhân lực chuyên môn chắp vá và máy móc in ấn lạc hậu, phải quay tay, đạp bằng chân nhưng tờ bạc kháng chiến đã nhanh chóng ra đời ngay trong năm 1948.
Những tờ bạc đầu tiên in tại chiến khu Đồng Tháp có mệnh giá 1 đồng, 5 đồng và 20 đồng...
Tiền đều có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở góc, trên đầu là dải chữ Việt Nam dân chủ cộng hòa, bên dưới in lớn chữ Giấy bạc Việt Nam để phân biệt với tiền từ miền Bắc gửi vào.
Tốc độ in ấn được thực hiện khá nhanh. Chỉ đến đầu năm 1949, hơn 325 triệu đồng bạc kháng chiến Nam Bộ đã được in ấn và phát hành từ Đồng Tháp.
Thời kỳ đầu có mệnh giá 1 đổi 1 với tờ bạc Đông Dương của Pháp, đây cũng là thời điểm mà giá lúa khu vực này chỉ có 1 đồng/giạ 20kg.
|
Bắn phá nhà máy in tiền
Trong cuộc kháng chiến này, sự hi sinh của gia đình Đỗ Đình Thiện đối với quốc gia thật lớn, một sự nghiệp to tiêu tan không mấy chốc. Cựu bộ trưởng Lê Văn Hiến
TTO - "Ra lệnh để nguyên tình trạng tàn phá nhưng máy móc sửa chữa chút ít và cho chạy làm việc ngay để không mất ngày nào..." - cựụ Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến viết về những ngày nhà máy in tiền bị bắn phá.
"8 giờ đến Chi Nê... Một phần nhà cửa đổ nát, khói lửa đương còn nguyên. Ngày 22 hồi 3 giờ 30, tám chiếc khu trục Pháp đến tấn công, bốn chiếc bắn phá Đồng Lãng, bốn chiếc oanh tạc và bắn phá Cơ quan Ấn loát.
Tại đây thả tất cả tám quả bom, hai quả trúng đích làm hư hỏng nhà ở của vợ chồng anh Đỗ Đình Thiện. Chúng bắn đạn lửa rất nhiều vào Cơ quan Ấn loát làm cháy kho cà phê và kho vật liệu, thiệt hại khá lớn, nhưng máy móc nguyên vẹn không hư hỏng gì. Nhà ở chúng mình cũng bị bắn thủng rất nhiều..."
Đó là trích đoạn hồi ký Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến sau trận không quân Pháp oanh tạc vào Chi Nê, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình, ngày 24-2-1947, để phá hủy cơ sở in ấn tiền tệ kháng chiến.
Ném bom ở Chi Nê
Bộ trưởng Hiến ghi chép tỉ mỉ: "Ra lệnh để nguyên tình trạng tàn phá nhưng máy móc sửa chữa chút ít và cho chạy làm việc ngay để không mất ngày nào. Địch tìm cách tàn phá, ta tìm cách gây dựng. Có thể dựng trên đống tro tàn.
Hôm nay cho tập hợp tất cả nhân viên, công nhân, tự vệ và công an để giải thích và phân phối công việc. Mọi người cần trấn tĩnh trước sự tấn công của địch, sẵn sàng chiến đấu... Số thiệt hại về người và máy móc không có gì, nhưng về vật liệu trong kho thì cũng khá quan trọng, kể cũng đến non 2 triệu đồng".
Ngay khi trở lại tấn công quân sự lực lượng kháng chiến Việt Nam nhằm tái lập nền cai trị thuộc địa sau Thế chiến thứ hai, Pháp đã chú ý đặc biệt đến nguồn lực tài chính của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Ở miền Bắc, đầu não của hệ thống tiền tệ tài chính cách mạng, Pháp liên tục truy tìm và đánh phá các cơ sở in ấn. Từ nơi dập tiền hào đầu tiên ở tầng hầm Nhà Bát giác (Viện Bảo tàng lịch sử Hà Nội), cơ sở in ấn phải bí mật chuyển địa điểm mới ở Cây Đa Nhà Bò phố Lò Đúc.
Mùa đông năm 1946, cuộc chiến vệ thành Hà Nội bùng nổ, nhà in lại tiếp tục chuyển về Thanh Hóa, Hòa Bình, rồi lên chiến khu Việt Bắc. Thời gian đầu này, phần lớn nguồn lực tổ chức và duy trì được hoạt động in ấn tiền đều nhờ các nhà tư sản ủng hộ kháng chiến.
Trong đó, đặc biệt là gia đình thương nhân Đỗ Đình Thiện, mà Bộ trưởng Hiến đã viết những lời rất trân trọng:
Trong cuộc kháng chiến này, sự hi sinh của gia đình Đỗ Đình Thiện đối với quốc gia thật lớn, một sự nghiệp to tiêu tan không mấy chốc.
Cựu bộ trưởng Lê Văn Hiến
Ngày 25-2-1947, tức chỉ đúng một ngày sau khi máy bay Pháp đánh phá cơ sở ở Chi Nê, Bộ Tài chính ngược lên Tuyên Quang để tìm nơi an toàn in tiền mới.
Trích hồi ký của công nhân cơ sở in thời điểm này: "Mặt trận Hà Đông bị vỡ, địch tiến đến Xuân Mai, cách Chi Nê có 20 cây số, chúng tôi được lệnh di chuyển đến Nho Quan. Vừa đến Nho Quan thì địch đã đánh chiếm Ninh Bình, Phủ Lý, Cốc Thôn... nghĩa là bốn phía, anh em chỉ cách địch có từ 5 đến 10 cây số.
Cấp trên lại ra lệnh chuyển ngay tức khắc lên Tuyên Quang. Anh em chúng tôi họp nhau, đặt kế hoạch: Tất cả xe cam nhông của xưởng chỉ dùng để chở những bộ phận máy móc hạng nặng. Còn gia đình anh em từ ban giám đốc trở xuống đều phải đi bộ. Thuê xe bò và xe ngựa để chở máy móc nhẹ và vật liệu.
Chặng đường từ Nho Quan lên Tuyên Quang, anh em gian khổ rất nhiều. Trên trời, máy bay địch lồng lộn bắn phá. Dưới đất, bộ binh địch luôn luôn đuổi theo và câu pháo cối moóc-chê vào đoàn công nhân vận chuyển máy. Đoàn bị chặt ra từng khúc.
Sự liên lạc giữa các tổ, các nhóm bị gián đoạn. Anh em phải tự động giải quyết những khó khăn hằng ngày. Gặp những chặng đường bị phá hoại, không dùng xe được, anh em phải xúm nhau lại khiêng những bộ phận máy móc nặng 2-3 tấn trên vai.
Cứ như thế, ròng rã hai tháng liền, anh em mới chuyển được tất cả máy móc, vật liệu tới Tuyên Quang. Tính ra trong thời gian gần ba tháng trời, anh em chúng tôi đã di chuyển trên quãng đường ngót nghìn cây số với hơn 300 tấn máy móc, vật liệu để đến nơi an toàn. Cuối cùng, chúng tôi đã có thể tiếp tục bắt tay ngay vào việc in giấy bạc, phục vụ nhu cầu kháng chiến".
In tiền ở Tuyên Quang
Khoảng tháng 4-1947, cơ sở in tiền đã được xây dựng ở Bản Thi, Tuyên Quang. Theo Bộ trưởng Lê Văn Hiến, thời gian này tình hình tài chính kháng chiến gặp khó khăn vì cơ sở in ấn phải di chuyển liên tục.
Hơn một tháng từ sau ngày cơ sở ở Chi Nê, Hòa Bình bị đánh bom, chưa sản xuất được tờ bạc nào. May là còn một ít dự trữ phục vụ nhu cầu toàn quốc kháng chiến, nếu không sẽ rất căng thẳng. Đặc biệt, kho giấy in bạc cũng bị đốt phá, số lượng chỉ còn lại 1/5, trong khi mỗi tháng phải cần gần 100 triệu đồng, tức mỗi ngày khoảng 3 triệu đồng.
Bộ trưởng Hiến ghi nhật ký: "Đảm đương Bộ Tài chính trong lúc này thật là một gánh vô cùng nặng nhọc và trách nhiệm lớn lao quá đối với quốc dân. Chiến đấu để qua được khúc quẹo lịch sử này thật là thiên nan vạn nan".
Sau rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối đầu với sự đánh phá liên tục của không quân Pháp, cơ sở in ấn tiền ở vùng núi rừng Bản Thi, Tuyên Quang bắt đầu đi vào hoạt động. Đây là khu vực mỏ kẽm mà người Pháp đã từng khai thác trước năm 1945, để lại nhiều cơ sở hạ tầng khá tốt, có nhà máy phát điện và đường ray xe goòng từ bờ sông dẫn vào...
Tại địa điểm này, ngoài những tờ bạc cũ, các họa sĩ Lê Phả, Nguyễn Sáng tiếp tục vẽ mẫu các tờ bạc mới có mệnh giá 20, 50, 200 và 500 đồng để in ấn, phát hành đến các vùng kháng chiến.
Ngày 12-6-1947, Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi nhật ký: "May mắn quá, chính vào lúc tiền các nơi đều cạn thì cơ quan ở đây đã hoạt động lại kịp thời. Thật là một sự cố gắng của mọi người... Ngày nay, mọi việc đều qua, tiền ra đủ để cung cấp cho các cơ quan, nhất là quốc phòng, mình cảm thấy nhẹ cả người. Bạc đã ra được nhiều, bây giờ chỉ còn lo sự chuyên chở để phân phát cho các nơi".
Bảo đảm an toàn cho hệ thống in tiền
Theo giáo sư sử học Văn Tạo, lực lượng kháng chiến đã thành công rất lớn trong việc bảo đảm an toàn cho hệ thống in ấn tiền tệ của riêng mình, đặc biệt là trước tình thế Pháp dồn hỏa lực quyết đánh phá bằng được.
Thời kỳ này, Pháp mới chỉ tái chiếm được các thành phố lớn, vùng tự do còn rất rộng với đông đảo dân cư. Chính phủ Việt Minh bảo đảm được nền tài chính đã giữ được uy tín và ổn định đời sống cho nhân dân.
Chống bạc giả
TTO - "Cuộc chiến chống Pháp tái chiếm Nam Bộ 1945 đến sớm hơn cả nước và đi đến thế xôi đậu, chồng chéo giữa vùng bị tạm chiếm và vùng tự do, nên cuộc chiến tiền tệ cũng có nhiều điểm đặc biệt...
Pháp vừa công khai vừa bí mật sử dụng các biện pháp trực tiếp và gián tiếp để phá đồng tiền của Nam Bộ kháng chiến" - ông Trang Sĩ Liêm, nguyên cán bộ Sở Ngân khố thời kỳ này, kể lại.
Tự dưng tiền ở các vùng tự do xuất hiện nhiều quá. Ở đâu ra? Giá cả hàng hóa cũng biến động, nhảy vọt theo
Ông TRANG SĨ LIÊM
Bạc giả trung ương
Sau khi tái chiếm được Sài Gòn, quân đội Pháp nhanh chóng đánh thốc ra các vùng tự do ở Nam Bộ. Trên mặt trận tài chính, Pháp triển khai nhiều chiến dịch triệt phá, từ việc không công nhận các tờ bạc Đông Dương mệnh giá lớn được phát hành thời kỳ Nhật còn ở Việt Nam, đến phong tỏa hàng hóa thiết yếu, dùng không quân và lính dù đánh vào chiến khu Đồng Tháp Mười đặt các cơ sở in tiền.
Sau nhiều cố gắng không thành, Pháp bí mật cho in ấn và tuồn nhiều tiền giả vào chiến khu, nhằm gây rối loạn nền tài chính đối phương, gây mất niềm tin trong nhân dân, dẫn đến sụp đổ nguồn lực kinh tế kháng chiến. Đặc biệt, trong đó có cả những tờ bạc làm giả tiền 100 đồng Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Ông Liêm kể: "Tự dưng tiền ở các vùng tự do xuất hiện nhiều quá. Ở đâu ra? Giá cả hàng hóa biến động, nhảy vọt theo. Người dân hoang mang đem các tờ bạc nghi bị làm giả đến hỏi cán bộ kháng chiến. Đúng thời điểm đó, một nhóm cán bộ từ trung ương vào chi viện cho Ban ấn loát Nam Bộ, giúp chúng tôi chống lại ngón đòn hiểm này của Pháp".
Nhóm này mang theo 500 bản kẽm đặc biệt loại 100 đồng bạc trung ương để hỗ trợ Nam Bộ in tiền. Tuy nhiên do hành trình xa xôi, dài ngày nên các bản kẽm này bị hư không sử dụng được.
Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, phụ trách tài chính Nam Bộ, đề nghị nhóm cán bộ này xem xét các tờ bạc trung ương gửi vào nghi bị làm giả. Họ kết luận tất cả tờ bạc này đều là bạc giả. Miền Bắc không in ấn, không gửi bạc kiểu này vào Nam.
Ban đầu từ đổi ngang 1 đồng ăn 1 đồng tiền Đông Dương, Pháp đã phá giá tiền kháng chiến lên đến mức 40 - 50 đồng tiền kháng chiến mới đổi được 1 đồng Đông Dương.
Ngay sau đó, một kế hoạch chống bạc giả được nghiên cứu và thực thi khẩn cấp. Ủy ban Kháng chiến hành chánh (UBKCHC) Nam Bộ gửi công văn đến các tỉnh, chỉ rõ những điểm kỹ thuật để phân biệt bạc thật, bạc giả.
Đồng thời, lãnh đạo kháng chiến các tỉnh được quyền lập phiếu xác nhận bạc thật, số xêri tiền và hai chữ ký của trưởng Ty Ngân khố, chủ tịch UBKCHC cấp tỉnh. Sau đó, phiếu này được dán lên các tờ bạc thật để người dân yên tâm mua bán.
Người dân Nam Bộ hồi đó đặt tên cho tờ bạc dán phiếu xác nhận tiền thật là "bạc trùm mềm". Mỗi khi mua bán gì, họ hay hỏi câu: Trả bằng bạc trùm mềm hả?".
Mỗi tỉnh một loại... tiền
Để đối phó với hoạt động đánh phá của Pháp, Ban ấn loát đặc biệt Nam Bộ phải chuyển từ Đồng Tháp Mười về khu 9, rừng U Minh. Trong chín năm kháng chiến, Ban in tiền đã di chuyển địa điểm đến 23 lần: 1 lần vì rừng cháy, 8 lần vì xưởng bị lộ, nhiều lần bị phi cơ địch thả bom, bắn phá, 3 lần bị vòng vây của địch...
Máy móc nào phải là nhẹ, có cái nặng đến 4 tấn, khiêng chỉ bằng sức người. Để tránh khó khăn do việc in ấn tiền gián đoạn, UBKCHC Nam Bộ cho phép các tỉnh được tự in phiếu tiếp tế, tín phiếu để đổi lấy lương thực, hàng hóa thiết yếu trong dân. Trên tờ phiếu có chữ ký của chủ tịch UBKCHC cấp tỉnh, trưởng Ty Ngân khố và được bảo đảm bằng tiền giấy bạc Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Nguyên, cán bộ tài chính giai đoạn này, kể: "Đây cũng là một nét rất đặc biệt của nền tiền tệ kháng chiến miền Nam thời kỳ 1945-1954. Vì các tỉnh được tự phát hành phiếu riêng nên mỗi địa phương tự trình bày, in ấn theo kiểu của mình.
Chẳng ai chịu giống ai. Các tín phiếu của Trà Vinh vẽ hình chùa cổ, bụi chuối, chiến sĩ. Tín phiếu Cần Thơ có hình cô gái quấn khăn rằn, hình Hồ Chủ tịch và đoàn quân đang cầm cờ về thành. Còn Long Châu Tiền nguệch ngoạc cả dòng chữ "tất cả để tổng phản công" nhằm khích lệ tinh thần dân quân".
Do thiếu thiết bị nên các loại tín phiếu, phiếu tiếp tế này đều được in ấn rất thô sơ, không đạt chuẩn kích thước, màu sắc. Thậm chí, người ta còn lấy cả giấy bao bì gói đồ để in tín phiếu. Tuy nhiên, tất cả đều được người dân chấp nhận, ủng hộ.
Đến năm 1951, tờ bạc Nam Bộ kháng chiến có bước ngoặt lịch sử mới do ông Dương Quang Đông và Hội Việt kiều yêu nước Thái Lan mua gửi về hai máy in offset hiện đại hiệu Hamada của Nhật sản xuất.
Các thiết bị, nguyên liệu kèm theo như máy điện, hóa chất, mực in... cũng được gửi đường biển về đầy đủ. Từ đây, tờ bạc Nam Bộ được in nhanh hơn, nhiều hơn, đặc biệt là đẹp hơn hẳn trước, chất lượng không còn khác biệt nhiều so với tờ bạc Đông Dương do Ngân hàng Pháp phát hành.
Đồng thời, nhà máy giấy Hòa Bình ở Bạc Liêu cũng được tăng cường sản xuất để đáp ứng nguồn giấy bạc in tiền.
Theo ông Liêm, chính nhờ nguồn giấy và nước tại chỗ vùng Bạc Liêu, Cà Mau nên những tờ bạc in ra "không giống ai". Chúng có màu nâu đỏ đặc thù của nước dưới chân rừng tràm mà tiền giả của Pháp rất khó khăn để làm giống.
Thời kỳ này, ông Liêm và một số cán bộ khác được phân công nhiệm vụ ký tên vào các tờ bạc bị in lỗi. Khi có các chữ ký này, nhân dân có thể tiêu dùng bình thường hoặc đổi lại tiền khác. Đó cũng là cách phân biệt tiền giả.
Đồng thời để giảm bớt áp lực cho việc vận chuyển tiền, các tỉnh kháng chiến lúc này được phép nhận bản kẽm chính của Ban ấn loát ở U Minh về tự in và phát hành tiền tại địa phương mình. Chỉ thị ban đầu là tiền tỉnh nào in, chỉ được dùng ở tỉnh đấy, nhưng thực tế được sử dụng khắp nơi do lòng dân ủng hộ...
Vận chuyển tiền khó khăn
Tình hình chiến sự Nam Bộ diễn biến ngày càng khốc liệt. Quân đội Pháp sử dụng sức mạnh không quân và cơ giới, giang thuyền tốc độ cao đánh phá khắp nơi nhằm chia cắt, cô lập các khu vực kháng chiến.
Con đường vận chuyển tiền từ U Minh về đến các địa phương gặp rất nhiều trở ngại, hiểm nguy. Tiền thường được cho vào thùng kẽm hàn kín, dùng bẹ dừa nước cột như những chiếc balô để chiến sĩ cõng về các tỉnh.
Trong những thời điểm chiến sự nóng bỏng, việc vận chuyển đặc biệt này phải nhờ đến lực lượng thiện chiến của tiểu đoàn 307.
Trận chiến tiền tệ cuối cùng
TTO - Ngày 21-2-1955, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến ghi nhật ký: "Cuộc chiến tranh bằng tiền giả. Hiện nay thực dân Pháp tung giấy bạc giả ra rất nhiều, nhất là xung quanh vùng bị tạm chiếm. Chúng mua vật thực của ta, vừa mua vừa phá giá".
"Gạo 3.000-4.000 đồng/tạ. Cam 20-30 đồng/quả. Chúng gây giá sinh hoạt ở ta lên cao, dân chúng thờ ơ bị mắc mưu chúng..."
Chống lạm phát
Theo ông Hiến, quân sự có thắng có bại, nhưng trên mặt trận tài chính lúc nào cũng đầy lo âu vì nhu cầu tiền tệ ngày càng nhiều trong khi lạm phát lại gia tăng chóng mặt trên khắp cả nước. Thực tế, nguồn thu ngân sách ở các vùng tự do hằng năm chỉ được gần một phần ba lượng chi. Giải pháp duy nhất là phải phát hành thêm tiền trên cả ba miền đất nước.
Tài liệu của Ngân hàng Nhà nước lưu trữ cho biết: "Tiền bù đắp thiếu hụt ngân sách hằng năm tới trên 70%. Chỉ số tiền lưu thông tăng lên nhanh chóng: năm 1946 tăng 100%, đến năm 1950 tăng 3.904%".
Đặc biệt, ngày 31-6-1951 tăng 5.509%. Tình trạng lạm phát ở vùng kháng chiến Nam Bộ cũng phức tạp nhưng không nghiêm trọng lắm vì nông sản, thực phẩm vùng này vẫn dồi dào. Nặng nề nhất là ở miền Bắc, miền Trung, khi các mặt hàng thiết yếu như lúa gạo đều tăng giá đến mức chóng mặt.
Nhật ký ngày 2-9-1950 của Bộ trưởng Hiến ghi: "Cùng với Tạ Quang Bửu bàn riêng về ngân sách quốc phòng năm nay và năm 1951. Thật là vấn đề khó khăn phải giải quyết. Lâu nay chỉ loanh quanh giải quyết bằng phương pháp tài chính, thu thuế của dân, in giấy bạc.
Nhưng vùng tự do ngày càng bị rút hẹp, dân bớt, địa bàn sản xuất bị địch kiểm soát, nếu quân sự không đạt nhiệm vụ giải phóng trung du thì khó lòng ra khỏi bước khó khăn hiện thời về tài chính cũng như về kinh tế. In giấy bạc để cung cấp không khó lắm, nhưng in ra mà gặp sự khó khăn trong nhân dân và sản phẩm không đủ để cung cấp thì tai hại".
Ngoài tình hình chiến sự ngày càng lan rộng ảnh hưởng trực tiếp đến nền sản xuất khu kháng chiến, các đòn đánh phá kinh tế - tài chính của Pháp là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng khó khăn này.
Theo Bộ trưởng Hiến, ngay từ năm 1947 khi đồng tiền độc lập vừa ra đời một năm đã bị lạm phát nặng nề, ông họp và đưa ra một loạt chính sách đối phó: trong đó phải hết sức cảnh giác việc buôn bán với người Trung Quốc, đề phòng họ thâu gom bạc Đông Dương.
Chi tiêu tiết kiệm, chỉ mua các thứ cần cho quốc phòng nhưng phải điều tra bí mật nguồn gốc người bán hàng. Khai thác nguyên liệu và làm ra hàng hóa để đổi hàng ngoại quốc hoặc xuất khẩu lấy ngoại tệ...
Trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, tình hình mỗi miền có đặc thù khác nhau, nhưng các giải pháp chung vẫn là tiết kiệm chi tiêu, tự cung tự cấp, chống đầu cơ đẩy giá lên cao, ổn định nguồn thu thuế. Đặc biệt là thực hiện chế độ "trả lương" cho cán bộ, viên chức vùng kháng chiến bằng hiện vật như lúa, khoai thay tiền mặt.
Ngoài ra, Chính phủ cũng ký sắc lệnh cho phép thực hiện các nguồn thu tài chính từ nhân dân trên khắp cả nước.
Trong đó, riêng công phiếu kháng chiến thu được 500 triệu đồng, công trái quốc gia quy ra lúa khoảng 10 vạn tấn, quỹ tham gia kháng chiến 174,6 triệu đồng, quỹ công lương 10 vạn tấn thóc...
Hoàn thành sứ mệnh
Theo giáo sư Văn Tạo, cuộc chiến tranh trên mặt trận tiền tệ giữa Pháp và lực lượng kháng chiến Việt Nam từ năm 1945-1954 tuy lợi thế thường ngả về phía Pháp, nhưng chưa bao giờ họ thu được một thắng lợi hoàn toàn nào.
Vừa dùng biện pháp quân sự mạnh, Pháp vừa tung tiền giả để phá giá rồi phong tỏa hàng hóa, phá hoại nền kinh tế chỉ làm cho phía cách mạng khó khăn nhất thời nhưng sau đó đều vượt qua được.
"Ngược lại, có thể khẳng định đây là chiến thắng độc đáo của kháng chiến Việt Nam. Trong lịch sử, hiếm lực lượng cách mạng quốc gia nào trên thế giới có thể tự in ấn, phát hành đồng tiền riêng của mình thành công như vậy.
Đặc biệt là với tình cảnh lực lượng kháng chiến Việt Nam chẳng hề có hầm vàng làm bản vị hay ngoại tệ dự trữ mạnh nào để bảo đảm giá trị các tờ bạc mình in ra. Tất cả chỉ được bảo đảm bằng niềm tin của lòng dân", GS Văn Tạo nói.
Năm 1954, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp tục phát triển nền tài chính độc lập của mình trước sự triệt thoái của quân đội Pháp. Để bảo đảm quyền lợi cho người dân ở các vùng tiếp quản, Chính phủ thực hiện đổi từ tiền Đông Dương sang tiền Việt Nam từ ngày 11-10-1954 với tỉ suất 1 đồng Đông Dương được 30 đồng tiền Việt.
Đến ngày 7-11-1954, tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa đã làm chủ thị trường miền Bắc. Tờ bạc Đông Dương dần bị xóa khỏi một nửa đất nước từ vĩ tuyến 17 trở ra.
Ở miền Nam, trước khi bộ đội tập kết ra Bắc, chính quyền cách mạng đã cho đổi ngược từ tiền kháng chiến sang tiền Đông Dương để bảo đảm quyền lợi người dân ở lại bên đây vĩ tuyến 17. Tỉ suất 40 đồng "Cụ Hồ" đổi được 1 đồng Đông Dương.
Ông Trang Sĩ Liêm, một trong những người chèo xuồng chở tiền vào tận bưng biền để đổi cho dân, kể: "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn lượng tiền Đông Dương đủ để đổi 3 tỉ đồng tiền kháng chiến đang giữ trong dân, nhưng đến ngày cuối vẫn còn dư. Lý do là đồng bào Nam Bộ hào sảng, nghĩa tình, nhiều người muốn giữ lại những tờ bạc có in hình cờ đỏ và Cụ Hồ làm kỷ niệm..."
Đúc tiền vàng và phát hành séc ghi tên
Năm 1948, Chính phủ cho đúc các tiền vàng loại 10, 20, 50 đồng Việt. Tuy nhiên, do tình hình thực tế lúc ấy, số lượng các đồng vàng VNDCCH này không được bao nhiêu và cũng chưa đủ để quy định hàm kim lượng cho tờ giấy bạc Việt Nam.
Chúng được gửi về các địa phương để "làm tin", bảo đảm nền tài chính kháng chiến.
Theo ông Trang Sĩ Liêm, cán bộ Sở Ngân khố Nam Bộ thời kỳ này, miền Nam còn phát hành loại "séc ghi tên" khá hiện đại để hạn chế lượng tiền mặt quá nhiều ở vùng tự do.
Loại séc này có các mệnh giá 1.000, 5.000 và 10.000 đồng do Ngân hàng Nhân dân Nam Bộ phát hành.
Chúng rất thuận tiện cho người dân buôn bán lớn ở vùng tự do lẫn vùng tạm chiếm khi có thể đổi ra tiền Đông Dương hoặc tiền cách mạng phát hành.
Các biện pháp này đã dần giúp tăng giá trở lại tờ bạc kháng chiến với tỉ lệ từ 40 đồng ăn 1 đồng Đông Dương xuống còn 38 đồng, rồi 35 đồng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét