TTO - Không chỉ có những bãi tắm hoang sơ, trong vắt, mới đây chúng tôi còn khám phá một miền quê thanh bình trên đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh).
Với giá vé đồng hạng 120.000 đồng/người, chúng tôi đón chuyến tàu cao tốc chạy mất 45 phút từ cảng Cái Rồng (thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn) ra bến Minh Châu trên đảo Quan Lạn. Ngoài bến Minh Châu, ở đảo còn có bến cảng Quan Lạn cho thuyền du lịch dừng đỗ.
Đảo Quan Lạn rộng 11km², là một hòn đảo đẹp nằm trong vịnh Bái Tử Long. Từ đầu đảo (bến Minh Châu) đến cuối đảo (Eo Gió) thuộc thôn Yên Hải, xã Quan Lạn dài hơn 20km. Với hàng loạt bãi tắm đẹp, hoang sơ như: Minh Châu, Quan Lạn, Sơn Hào, Eo Gió, các làng chài, thôn quê, đình chùa, văn hóa ẩm thực... du khách cần 2-3 ngày để trải nghiệm hết trên đảo.
Một vòng thăm đảo cùng xe tuk tuk
Vừa rời tàu, đoàn người đã được chào đón đi xe lam để về các khu nhà nghỉ hoặc theo tour khám phá đảo. Xe lam được dân đảo quen gọi xe "tuk tuk made in Quan Lạn" để phân biệt với xe tuk tuk rất thịnh hành ở Thái Lan. Tuk tuk trở thành "đặc sản" giao thông ở Quan Lạn.
Quên đi một chút mệt mỏi nao nao của sóng biển, nhóm chúng tôi hào hứng nhảy ngay lên một chiếc tuk tuk để về khu nhà nghỉ đã đặt trước. Anh Đỗ Ngọc Phức, tài xế lái tuk tuk đã sáu năm, nhiệt tình đứng chờ chúng tôi đi cất đồ. Mọi người quyết định khám phá đảo ngay mà không cần chờ thêm phút giây nào nữa.
Vừa lên xe anh Phức cho biết từ trung tâm xã Minh Châu sang trung tâm xã Quan Lạn khoảng 12km. Xe bắt đầu nổ máy, chầm chậm lăn bánh đưa chúng tôi vào cung đường nhựa xuyên đảo. Tốc độ xe chỉ 20-25km/h, cộng với anh tài xế nhiệt tình, niềm nở nên chúng tôi tha hồ nhìn ngắm và tùy thích dừng xe để chụp ảnh bất cứ lúc nào.
Giữa đảo khi bóng biển với những con sóng đã biến mất khỏi tầm mắt, giờ đây là một miền quê thanh bình. Hai bên đường thưa thớt, chỉ có vài ngôi nhà cấp bốn lợp ngói, may mắn lắm mới bắt gặp khu nhà tầng của dân kinh doanh nhà nghỉ.
Càng đi sâu vào giữa chẳng còn ai nghĩ đây là vùng biển đảo nữa. Bây giờ khung cảnh trước mắt chúng tôi là những thửa ruộng bậc thang thoai thoải. Tuy chỉ cao 10-15 bậc ruộng, với đàn trâu bò đang nhởn nhơ gặm cỏ cũng đủ làm chúng tôi thích thú.
Ở một hòn đảo mà bắt gặp ruộng bậc thang thì quả là điều lạ mắt thú vị. Chúng tôi xuống xe và dạo một vòng quanh xóm nhỏ giữa đảo. Mấy chị đang ngồi hóng mát niềm nở bắt chuyện với chúng tôi, bọn trẻ chơi đùa nhí nhéo bên tai. Ở xóm này hầu như nhà nào cũng có đôi con trâu, bò hoặc đàn gà, vài con lợn thả rông.
Một chị tên Nguyễn Thị May cho biết vào các ngày lễ, tết và dịp cuối tuần đông du khách, Công ty du lịch Vân Hải Xanh Quan Lạn còn tổ chức các tour du lịch cộng đồng cho khách trải nghiệm "Một ngày làm nông dân trên đảo".
Chính chị May và một số bà con nông dân trên đảo sẽ trực tiếp hướng dẫn du khách trồng và chăm sóc vườn rau xanh, cách thu hoạch và thưởng thức sản phẩm do chính mình làm ra. Đây là một hình thức du lịch trải nghiệm làng quê thú vị mới có ở đảo Quan Lạn cách đây một năm.
Rời vùng làng quê và những phụ nữ hồn hậu giữa đảo, xe chúng tôi tiếp tục tiến về phía trung tâm xã Quan Lạn. Bên đường dần hiện ra một bãi đất trống mênh mông. Bãi đất nhìn xa như vùng bùn lầy nhưng thực chất là khô, mọi người có thể đi lại trên đó thoải mái.
Trước khi xuống xe, anh Phức cho biết đây là bãi Sá Sùng Quan Lạn, du khách nào đến đây cũng tò mò ghé thăm. Bãi tập trung những người đi đào bắt con sá sùng - một loài sinh vật quý hiếm, bổ dưỡng nổi tiếng trên đảo Quan Lạn. Hằng ngày từ 6h-19h có hàng trăm phụ nữ và một số ít đàn ông cần mẫn đào sá sùng.
Đình, chùa cổ kính giữa biển
Chúng tôi đã đi nhiều hòn đảo nổi tiếng ở vịnh Bắc Bộ như Cát Bà, Cát Hải (Hải Phòng), Cô Tô, Trà Bản, Thanh Lân, Ngọc Vừng... (Quảng Ninh), nhưng chưa có hòn đảo nào nhiều công trình tôn giáo, lịch sử như ở Quan Lạn.
Nếu tính tổng số đình, chùa, đền, miếu, am... thì ở đảo Quan Lạn có đến hơn 10 cái. Công trình đầu tiên chúng tôi ghé thăm là đền Trần Khánh Dư nằm ngay bên con đường trục chính xuyên đảo.
Đền thờ và tưởng nhớ công lao của vị tướng Trần Khánh Dư tài giỏi thời Trần (thế kỷ 13). Tháng 12-1287, ông chỉ huy đội quân thủy chiến nhà Trần đánh tan quân Nguyên - Mông do viên tướng Trương Văn Hổ cầm đầu trong trận sông Mang - Vân Đồn nổi tiếng (nay thuộc đảo Quan Lạn). Ngôi đền uy nghi với đôi nghê đá, cột rồng phượng trước cửa. Sau đền là núi rừng xanh thẳm, phía trước trông ra biển cả. Trong đền vẫn còn lưu giữ pho tượng cổ điêu khắc Trần Khánh Dư.
Cách đó không xa, chúng tôi tới thăm đền thờ ba anh em họ Phạm (Phạm Quý Công, Phạm Công Chính, Phạm Thuận Dụng). Họ là ba người đã xả thân chiến đấu chống quân Nguyên - Mông trong trận Cửa Lục - Vân Đồn năm 1288, góp phần vào chiến thắng trên sông Bạch Đằng lẫy lừng sử sách sau đó.
Nằm ngay sát đền thờ ba anh em họ Phạm là chùa Quan Lạn (còn gọi Linh Quang tự) hoành tráng...
Nhưng để lại ấn tượng lớn nhất trong chúng tôi là ngôi đình cổ Quan Lạn có lịch sử bốn thế kỷ (xây dựng thời Hậu Lê, thế kỷ 17). Đây là ngôi đình cổ nhất tỉnh Quảng Ninh còn giữ lại được. Đình được xây dựng theo kiểu chữ công, gồm hậu cung và tiền đường với đặc sắc của mái đình uốn cong được lợp ngói vảy, điểm trên nóc đình được đắp hình lưỡng long chầu nguyệt vô cùng tinh xảo.
Đình có đến 32 cây cột, đường kính 70-80cm, cao đến 5m. Cột đình được làm bằng gỗ lim và gỗ mần lái (loài cây thân gỗ chỉ có ở đảo Ba Mùn, Vân Đồn). Đình ở đây đã trải qua bao nắng mưa và sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng các cột gỗ nơi đây vẫn còn nguyên vẹn và chưa hề có dấu vết của mối mọt. Trong đình có những đầu bẩy, cửa võng... được chạm khắc hình rồng bay phượng múa tinh xảo, đẹp mắt.
Đến Quan Lạn du khách mới ngộ ra rằng đâu chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên mà còn tha hồ thăm ngắm những công trình văn hóa, lịch sử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét