Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

Bí quyết sinh tồn của người A Rem giữa rừng Phong Nha

Chỉ cần con dao và cái gùi, người A Rem có thể sống giữa rừng nguyên sinh Quảng Bình nhờ bí quyết truyền lại nhiều đời.

Người A Rem được nhà nước vận động rời hang đá, rừng rậm ra sống tập trung tại km39 đường 20 Quyết Thắng, nay thuộc bản A Rem, xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) từ năm 1992. Bản A Rem thuộc vùng lõi vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hiện có 402 khẩu với 82 hộ sinh sống.
Những người A Rem lớn tuổi nhất cũng không rõ gốc gác của dân tộc mình. Chỉ biết, trước khi có cuộc sống tập trung, nhiều thế hệ sinh sống giữa rừng rậm nguyên sinh. Đến nay, nhiều bí quyết sinh tồn vẫn được truyền lại cho thế hệ sau, dù những bậc lớn tuổi đã ít đi rừng, đôi chân thôi truy đuổi con thú.
bi-quyet-sinh-ton-cua-nguoi-a-rem-giua-rung-phong-nha
Người A Rem khai thác măng rừng. Những ngày còn ở trong rừng, họ biết phơi khô măng để tích trữ. Ảnh: Hoàng Táo
Trong căn nhà sàn bằng gỗ do nhà nước hỗ trợ, bằng thứ tiếng Kinh hơi lơ lớ, già làng Đinh Rầu nhắc lại câu chuyện hang đá, đôi mắt sáng lên. Ông bảo cuộc sống ở bản sáng sủa, no ấm hơn, nhưng không nguôi nhớ thời gian sống như con thú hoang trong rừng rậm. Núi rừng cho người A Rem mọi thứ, từ nơi tránh trú thú dữ, mưa nắng, cưu mang họ khi đói kém cũng như bệnh tật.
Sống bằng săn bắt, hái lượm, kỹ năng đầu tiên người A Rem phải có là nhận biết loài cây làm nước uống, thức ăn. Trong những chuyến săn thú rừng dài ngày, khi không thể mang theo nhiều lương thực, chỉ với con dao, người A Rem có thể chặt dây rừng lấy nước uống, hái lá cây nấu ăn. “Trong rừng có hàng chục loại cây có thể uống được. Mỗi thứ cây có một hương vị riêng”, già làng Đinh Rầu kể.
Chỉ việc chặt nhánh cây ka-tốt dài hơn cánh tay, ngửa cổ dốc đoạn cây rừng này là người A Rem có nước giải cơn khát. Để lấy nhiều nước hơn, họ chặt gốc cây ka-tốt rồi kéo về hốc đá. Để qua đêm, họ có hốc nước lớn.
Những nơi không có ka-tốt, ông Đinh Rầu bảo chỉ cần chặt chuối rừng sát đất, khoét gốc cây, chờ 2-3 tiếng là có nước. Qua đêm, nước chảy tràn sẽ đẩy dòng nước chan chát lúc đầu ra ngoài, thay vào là dòng nước ngọt dịu có thể uống được. “Chuối rất dễ tìm, có khắp nơi trong rừng”, già làng nói.
bi-quyet-sinh-ton-cua-nguoi-a-rem-giua-rung-phong-nha-1
Già làng Đinh Rầu có những kỹ năng bí truyền không phải người A Rem nào cũng có. Ảnh: Hoàng Táo
Những năm tháng sống trong rừng, lương thực chủ yếu của người A Rem là bột cây nhúc. Cây nhúc được phơi khô, dã nhuyễn rồi nấu ăn qua ngày. Nhằm cải thiện bữa ăn, ông Rầu cùng vài người bạn thường lập nhóm đi săn khỉ, vượn. Với cây nỏ và ống tên tẩm nhựa độc, sau hai đến ba ngày, họ trở về gùi đựng nhiều con thú. Ông Rầu thường xuyên săn được khỉ, đôi khi có thêm nai, hươu.
“Lợn rừng da rất dày, bắn tên không hiệu quả mà phải đặt bẫy”, ông Rầu kể. Giờ đây, trên xà nhà ông Rầu còn lưu lại ba cây nỏ to do ông cha để lại. Giờ không được dùng nỏ nữa, ông vẫn cất giữ và sẽ truyền lại cho thế hệ kế tiếp.
Người A Rem biết đi theo ngọn gió, men con suối để tìm tổ ong trên cây rừng. Không giống với nhiều tộc người cùng sống trên dãy Trường Sơn, người A Rem không dùng khói để lấy mật ong. “Làm vậy là có hại đến đàn ong”, ông Đinh Đu (60 tuổi) giải thích. Họ dũng cảm đối diện trực tiếp với đàn ong, chịu đựng những vết đốt.
Sau khi lấy mật ong, người A Rem luôn để lại một phần gọi là "trục mít", tức gốc tổ ong để đàn ong tiếp tục sinh tồn. Với những tổ chưa khai thác được, họ chỉ cần chặt một nhát dưới gốc cây, đặt cành cây đánh dấu thì không có ai tranh chấp.
Liên lạc với nhau giữa rừng già, người A Rem dùng tiếng hú như vượn. Họ cũng biết đi theo tiếng hú của khỉ, vượn để tìm ra khu vực có nhiều cây quả có thể ăn được. Khi không thể đốt lửa, họ liên lạc và truyền tin qua những tiếng hú này.
Khi cần cấp báo tin nguy hiểm, người A Rem đốt lửa rồi tạo cột khó to để báo động cho mọi người cùng biết. Ông Rầu còn nhớ cách đây gần mười năm, ông bị đàn khỉ mặt đỏ tấn công khi đi lạc vào một hang đá nơi khu vực sống của chúng. Nhờ mang theo đuốc, ông châm lửa rồi tạo một cột khói lớn. Thấy tín hiệu nguy cấp, những thanh niên đi rừng quanh đó tiếp cận hang đá cứu ông Rầu.
bi-quyet-sinh-ton-cua-nguoi-a-rem-giua-rung-phong-nha-2
Chặt cành cây nhỏ nhét vào gốc cây là cách người A Rem thông báo tổ ong trên cây đã có chủ. Ảnh: Hoàng Táo
Già làng Đinh Rầu có khả năng chữa bệnh bí truyền. Với lửa từ ngọn nến bằng sáp ong, nhai hạt mè đắp vào vết thương và đọc câu thần chú, ông Rầu chữa được gãy xương. Ông cũng nhiều lần thực hiện nghi lễ ngậm dao nung đỏ để chữa bệnh cho người khác. Nhờ điều này, ông được dân bản tin tưởng và kính trọng.
Người A Rem vô cùng trân quý chó. Chó luôn theo dẫn đường mỗi khi họ đi rừng. Những năm tháng giữa rừng, sau một hai mùa rẫy, người A Rem lại bỏ rẫy cũ, tìm kiếm mảnh đất bằng phẳng khác để canh tác. Những lúc di chuyển, con vật họ mang theo đầu tiên luôn là chó.
25 năm sống tập trung ở bản làng, những bí quyết sinh tồn học hỏi từ rừng nay chỉ sót lại ở một vài bậc già bản. Thế hệ trẻ lớn lên không được truyền dạy đầy đủ, ít ứng dụng trong cuộc sống nên phần nào bị mai một.
Ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư xã Tân Trạch, cho biết người A Rem có những kỹ năng bí truyền thật khó tin nếu không chứng kiến. Bảy năm làm bí thư tại đây, cuộc sống và công việc của ông Sỹ gắn chặt với bản làng A Rem. Mỗi năm một lần, người A Rem lại kéo nhau về bản làng cũ để nhớ nguồn cội, nhớ rừng. “Họ đi 2-3 ngày là mình phải cho người kêu trở về. Mình sợ họ nhớ rừng mà… đi luôn”, ông Sỹ nói.
Những năm 60 của thế kỷ trước, bộ đội phát hiện người A Rem trong rừng rậm, đưa họ về sống tập trung tại các thung lũng bằng phẳng giữa rừng Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Khi mới đưa về, tộc A Rem chỉ có 18 người. 
Năm 1992, dự án bảo tồn và phát triển tộc người A Rem được triển khai, đến nay dân số tăng lên 402. Năm 2003, TP HCM tặng đồng bào A Rem 42 căn nhà sàn khang trang ở điểm định cư hiện nay.
Nhiều hủ tục của người A Rem đã được xóa bỏ như tục nối dây, tục “nằm chọ”, tức phụ nữ tự sinh đẻ một mình ngoài chòi ở góc vườn, cúng bái mê tín dị đoan, biết ăn chín uống sôi, đau ốm lên bệnh xá.
Hoàng Táo

Rừng sưa báu vật của người A Rem

Cách nơi sinh sống gần một giờ đi bộ, người A Rem gây dựng và bảo vệ được rừng sưa 15 năm tuổi giá trị hàng chục tỷ đồng.

rung-sua-bau-vat-cua-nguoi-a-rem
Rừng sưa 15 năm tuổi xanh tốt của người A Rem. Ảnh: Hoàng Táo
Sau 25 năm sống tập trung ở bản mới thuộc xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), người A Rem đã quen phát nương làm rẫy, trồng rừng, nuôi đàn bò hàng trăm con. Trong đó, quý hơn cả là rừng sưa đỏ 8,5 ha 15 năm tuổi, do người A Rem trồng, chăm sóc và bảo vệ. 
Dẫn khách vào rừng quý, già làng Định Rầu giải thích đây là báu vật của người A Rem, không chỉ vì giá trị tiền tỷ của hàng nghìn gốc sưa mà còn được trồng nhờ ân tình sâu nặng của một lãnh đạo huyện Bố Trạch.
15 năm về trước, dân bản mắc bệnh, ốm đau triền miên không rõ nguyên nhân, nhiều người muốn quay trở lại với núi rừng. Bí thư Huyện ủy Bố Trạch bấy giờ là Nguyễn Hồng Thanh đi xe Uoát, lặn lội cả ngày đường lên với bà con A Rem.
Ông Thanh tìm hiểu, biết bản cũ là khu vực tồn dư chất độc từ thời chiến nên vận động bà con ra bản mới ở Km39 đường 20 Quyết Thắng, đồng thời đưa giống sưa đỏ để phủ xanh bản cũ. Quý ân tình của Bí thư, người A Rem gìn giữ cánh rừng cẩn thận, xem như món quà sâu nặng tình cảm.
rung-sua-bau-vat-cua-nguoi-a-rem-1
Nhiều cây sưa có đường kính gốc 80 cm, được trả giá hàng chục triệu đồng. Ảnh: Hoàng Táo
Già làng Đinh Rầu là một trong những người đi đầu nhân giống sưa, nay có hơn 200 gốc, cây to chu vi đến 80 cm. Tiếp bước ông Rầu, 48 hộ dân A Rem nhận giống cây, bỏ công chăm sóc để nay có được 8,5 ha rừng sưa xanh tốt. Cây được trồng ngay hàng thẳng lối, xanh ngút ngàn.
Theo Chủ tịch xã Tân Trạch Đinh Lầu, 49 hộ dân được giao giữ rừng sưa, phân lô, đếm cây, chủ hộ đứng ra nhận có giấy tờ đầy đủ. Nhà nào để mất dù chỉ một cây cũng bị cả bản phạt. Mỗi năm hai lượt, bà con kéo nhau vào rừng sưa phát cỏ, dọn cành gãy đổ.
Cách đây khoảng năm năm, khi gỗ sưa lên cơn sốt, nhiều người đổ về A Rem ngã giá để được sở hữu những cây sưa đẹp nhất. “Dù đắt cỡ nào chúng tôi nhất quyết không bán. Người A Rem chưa có ý định bán cánh rừng quý này bao giờ”, anh Đinh Linh, sở hữu hơn trăm gốc sưa, nói. 
Anh Đinh Linh nhẩm tính mỗi gốc sưa rẻ nhất 10-15 triệu đồng thì cả rừng cây lên đến hàng chục tỷ đồng. Để tránh mất cắp, dân làng cử người tuần tra suốt đêm, đề phòng kẻ xấu đột nhập.
Cơn bão mạnh bốn năm trước đánh bật nhiều gốc sưa quý hiếm. Sau bão, người dân ra dọn cành, dựng lại cây gãy đổ. “Cũng may, sưa có sức sống mãnh liệt như người A Rem, nhiều cây gượng dậy, xanh tốt”, anh Linh nói.
rung-sua-bau-vat-cua-nguoi-a-rem-2
Một góc bản A Rem hiện nay. Ảnh: Hoàng Táo
Sống nhờ vào rừng nên người A Rem trân quý, tôn trọng cỏ cây, muông thú và luôn có quy định chặt chẽ trong khai thác để rừng tái sinh, cung cấp bền vững cho nhu cầu của họ. Khi khai thác mật ong, người A Rem luôn để lại 1/3 tổ ong, phần ngon nhất để đàn ong quay trở lại. Tương tự, khi hái lá thuốc hiếm gặp, họ cẩn thận để lại một phần bụi cây.
Nhà của người A Rem làm bằng tre nứa, loài cây tái sinh mạnh mẽ và có nhiều trong rừng. Họ tuyệt nhiên không khai thác gỗ quý làm nhà. Vì thế chính quyền đã tin cậy giao 4.000 ha rừng nguyên sinh ở Phong Nha cho người A Rem bảo vệ.
“Hàng nghìn ha rừng giao nhiều năm qua, nhưng chưa lần nào xảy ra mất mát. Người A Rem quý rừng như chim thú quý tổ, họ không lấy của rừng làm của riêng”, ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, lý giải tình yêu rừng của bà con A Rem.
Khi mới được phát hiện những năm 60 của thế kỷ trước, tộc A Rem chỉ có 18 người. Đến 1992, dân số tăng lên 98. Đến nay, nhiều hủ tục của người A Rem được xóa bỏ như tục nối dây, tục “nằm chọ”, tức phụ nữ tự sinh đẻ một mình ngoài chòi ở góc vườn, cúng bái mê tín dị đoan, biết ăn chín uống sôi, đau ốm lên bệnh xá.
Hoàng Táo  |

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét