Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

Dân dã bún nghệ

 /// Ảnh: Thanh Ly

Ảnh: Thanh Ly
“Bún nghệ em ơi, rẻ lại ngon miệng lắm!”. Trong tiếng lao xao nơi góc chợ phố, lời mời “bún nghệ” yếu ớt từ phía người phụ nữ áo nâu đã sờn vai kéo tôi về một khoảng trời tuổi thơ..
Không biết từ bao giờ, chúng tôi ghiền món bún nghệ của má đến thế. Dẫu là món “ruột” nhưng hiếm khi má trổ tài chế biến và trong ký ức những đứa trẻ nhà nghèo như chúng tôi, bún nghệ luôn là một món ngon xa xỉ. Theo lời má, để có tô bún nghệ ngon như ý, cần đảm bảo từ khâu chọn nguyên liệu là nghệ và lòng heo. Chọn bằng được nghệ tươi và già - những củ thoạt nhìn đã thấy vỏ bóng, nhẵn nhụi, dùng tay ấn mạnh một đầu bắt gặp ngay một màu vàng đậm và gần như không chảy nước. Gọt bỏ hết lớp vỏ lụa bên ngoài, giã mạnh tay cho nghệ thật nhuyễn.
Với lòng heo, người có kinh nghiệm thường phải đi chợ sớm hay “đặt hàng” trước với lò mổ mới có được những đoạn lòng trắng, hơi hồng tươi, thành dày. Lòng mua về ngâm với muối, giấm rồi cẩn thận làm sạch, xắt lát nhỏ vừa ăn. Ướp lòng với một ít bột nêm, gia vị khác.
Công đoạn xào lòng của má tôi thường không cần dùng chút dầu phộng nào. Đặt chảo lên bếp, chảo nóng, cho nghệ vào, tiếp tục thêm lòng vào đảo đều, nêm gia vị như tỏi, đường, một ít nước mắm đến khi lòng chín săn lại liền cho bún vào đảo nhanh tay chừng ba phút, tuyệt đối không xào lâu vì bún sẽ mềm và nát. Trước khi tắt bếp, rắc lá hẹ cắt nhỏ, một ít tiêu rừng, ớt bột để món bún thêm nồng cay.
Món bún nghệ rất được lòng người quê tôi, bởi sự hấp dẫn, ngon miệng và còn là phương thuốc dân gian, giúp chữa bệnh ho hen, tăng sức đề kháng, chống cảm cúm do thời tiết.
Phan Thị Thanh Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét