Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

Thương lắm cà na


Cà na dầm muối ớtẢNH: Hồi tôi còn nhỏ, nội tôi nói: Xã Long Thắng, H.Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp là nguồn gốc của trái cà na. Bởi thế mới có câu ca dao: “Long Thắng là xứ quê mùa. Đi thăm cháu ngoại cho “vùa” cà na”. 
Mỗi lần về thăm quê bên Đồng Tháp, nội thường mua cà na ngâm nước muối đường về làm quà cho con cháu.
Hiện nay cà na có mặt khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với các lợi thế: bộ rễ bám đất rất chắc, mọc tự nhiên và phát triển rất tốt cạnh các con sông rạch mà không cần phải chăm bón bằng bất kỳ loại phân, thuốc nào.
Nội tôi kể: Mùa cà na hằng năm bắt đầu vào khoảng tháng bảy, tháng tám âm lịch, khi mùa nước nổi về. Cà na cho trái khoảng gần 2 tháng. Trái sống vỏ màu xanh đậm, vị chát; trái chín có màu vàng nhạt, vị chua..
Cà na mua về rửa sạch, chà dập trái để loại bỏ vị chát bên trong và tăng độ mềm dai của chúng. Sau đó, cà na được để ráo và tiến hành ngào với đường cát trắng để có hương vị thơm ngon vừa chua, vừa ngọt. Một cách khác là ngâm với nước muối đường.
Bây giờ đi đâu trong đầu mùa lũ cũng thấy cà na miền Tây, nhất là ở các chợ, trường học, khu dân cư, bến xe, bến tàu, quán nhậu… Ngoài các điểm bán cố định, cà na còn được các xe hàng rong bán lưu động trên đường phố, tất nhiên giá sẽ “nhỉnh” hơn. Loại hình mua bán thứ 3 cũng đang rất phổ biển, đó là bán cà na qua “mạng”.
Chỉ cần một lời nhắn trên mạng là đã có “síp pơ” mang đến tận nhà với những trái cà na no tròn, hấp dẫn, được đặt trong các lọ nhựa, kèm theo một túi muối ớt đỏ rực, chỉ nhìn thôi đã đủ… chảy nước miếng. Đơn giản, dân dã, gần gũi, những trái cà na đến rồi lại đi và để lại hương vị quê hương chân chất, nhất là với những người đã sống và lớn lên bên cạnh những cây cà na quê mùa, như một lời nhắc nhở:
Quê hương mỗi người chỉ một. Thương lắm cà na ơi!
Tô Phục Hưng 

Nhớ cà na mùa nước nổi

Sáng ra chợ thấy những rổ cà na xanh mơn mởn, trái nào cũng căng tròn bóng mẩy mới biết mùa nước nổi đã về.

Nhớ cà na mùa nước nổi
Cà na dầm - Ảnh: Đồng Văn
Miền Tây mùa nước nổi, chao ôi, nhớ cái thời sinh viên thực tập. Ngày ấy, tôi về tá túc tại nhà dân ở Đồng Tháp. Trong gia đình ấy có một bạn gái cũng trạc tuổi tôi nhưng không đi học, ở nhà phụ mẹ trông em, làm việc nhà và ra chợ mua bán vài sản vật quê. Bạn có nụ cười đôn hậu và rạng ngời đúng kiểu các cô gái miệt vườn miền Tây.
Ở nhà bạn, tôi được ăn bánh xèo thịt vịt, được đi chợ nổi trên sông và được nếm các kiểu cà na thơm ngon.
Nói qua về món bánh xèo thịt vịt, vịt chạy đồng ở miền Tây có thịt săn, ít mỡ và ngọt do ăn nhiều thóc lúa rơi vãi, giun dế trong vườn. Khi nhà có khách, vịt được làm hai món, thứ nhất là gỏi bắp cải, sau đó lựa phần nào nhiều nạc thì băm nhỏ đổ bánh xèo. Rau trái miền Tây phong phú nên bánh xèo nhờ vậy cũng thăng hoa, cuốn chút bánh xèo với các loại rau xanh chấm với nước mắm chua ngọt, thiệt là tròn vị.
Trái cà na tuy dân dã nhưng đã đi vào ca dao của người dân vùng sông nước:
“Xứ đâu là xứ quê mùa 
Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na”
Cây cà na sai trái mỗi khi mùa nước lớn về, cây không cho năng suất kinh tế cao nên bà con chỉ dùng ăn chơi chứ không nhân giống rộng rãi, khi nhiều cũng hái mang ra chợ nhưng giá rất rẻ, chủ yếu là chia sẻ hoa màu cho nhau.
Tuy nhiên, với sinh viên nữ như tôi, cà na là một thiên đường ẩm thực, vị chua chua chát chát của cà na khi đem biến tấu cho ra nhiều món ngon.
Bạn rủ tôi đi hái cà na, hết buổi sáng được một thúng to. Tôi háo hức muốn ăn ngay nên nhón lấy trái tươi, chà chà vào áo quên cả rửa, chấm với muối ớt. Chu choa, chua nhưng dôn dốt thiệt ngon. Tôi làm một hơi cũng chỉ hết được một vốc cà na. Còn quá chừng trái thì biết làm gì đây. Nhà không có tủ lạnh. Bạn cười hiền lành: “Đừng lo, còn nhiều món lắm, từ từ khám phá”.
Hai đứa mang trái đi rửa sạch, ráo nước, chuẩn bị cho món cà na dầm và mứt cà na. Tôi chỉ có nhiệm vụ là sơ chế vì không có kinh nghiệm chế biến. Lấy chiếc dao nhỏ, cắt bỏ cuống, rạch dọc vài đường trên thân trái, đặng cho ngấm gia vị. Phần cà na dầm, bạn đem trộn với hỗn hợp gồm nước mắm, ớt, đường... rồi cho vào hũ. Phần làm mứt bạn đem ngâm với đường, chút muối và ớt, nhưng đường là nhiều nhất, tôi chỉ thấy vậy, còn thêm cái gì thì không được rõ. Chỉ biết sau vài giờ, đường và cà na ngấm vào thành hỗn hợp sền sệt, nhìn là muốn ăn. Hai đứa hì hục thổi bếp lò, những cục than hồng đã sẵn sàng cho món mứt. Bạn sên mứt trên chảo gang, chỉ để lửa liu riu cho đường không bị cháy khét, mà cà na vẫn giòn và ngọt. Vừa nhắc xuống, không chờ nguội tôi đã nhón tay bốc vài trái. Ngon thiệt nha, chua chua ngọt ngọt, sần sật, đúng là món khoái khẩu của con gái.
Hôm sau được ăn cà na dầm. Món này ngon kiểu khác, giống như cóc xoài dầm mắm trên thành phố nhưng ngon hơn. Dạo ấy, tôi đã ăn cà na thay cơm mà vẫn không hết thòm thèm.
Đứng tần ngần bên rổ cà na ở chợ mà nhớ bạn quá, nhớ hương vị cà na năm xưa. Tôi cũng mua vài ký về tập tành làm nhưng không biết có mang được cái hồn và vị của món cà na xưa không.
Du Miên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét