To cỡ cổ tay người lớn, nhưng giống chuột dúi lại là 'sát thủ' đáng sợ của những cánh rừng tre. Tội ấy, không nặng bằng thịt chúng quá ngon!
Dúi thích hợp với các món khô hoặc ít nước hơn |
Món khoái khẩu của chúng là rễ và phần gốc non trong lòng đất của những cây họ tre, trúc như: tre gai, lồ ồ... Anh Phạm Văn Dũng, có 6ha vườn cà phê ở Gia Lai kể: “Đang trưa yên ắng, bỗng nghe tiếng “rột... rột...” khá lớn, phát ra trong lùm tre mỡ ngoài rẫy. Chắc chắn là tụi hắn – dúi. Ba bữa sau, có vài cây tre rủ lá chết đứng.”
Thì ra, sức tàn phá của vợ chồng dúi ngang ngửa với đám đuông dừa Bến Tre. Khác ở chỗ, da dúi rất dày. Anh Dũng khẳng định, giọng chắc nịch: “Thịt nó mềm dẻo, ngon ngọt hơn cả nhím. Đừng hỏi nữa, thêm... thèm!”
Lẽ nào thịt con vật gặm nhấm nửa giống chuột, nửa tựa bọ kia có sức cuốn hút bão táp đến thế!
Tình cờ, gặp anh Nguyễn Văn Mạnh, hướng dẫn viên du lịch giàu kinh nghiệm, dân Kon Tum, vội hỏi: thịt dúi ngon ra răng? Mạnh cười tít mắt nói: “Răng nó bén nhọn không ăn được. Còn thịt da hử! Mê mồi lắm lắm!”
Da dúi giòn mê mẩn |
Anh Mạnh còn chia sẻ thêm rằng, món khô dúi treo giàn bếp là niềm tự hào của dân tộc Jơ Lưng (tên gọi khác của một nhóm dân tộc Ba Na), trong ngày tết cổ truyền. Khi đó, người nào cũng xum xoe những bộ thổ cẩm sặc sỡ. Gia chủ mỗi nhà, cẩn thận chọn một con khô dúi mập và ghè rượu ngon bó chặt vào một đầu cây nêu nhỏ, mang đến nhà Rông, để cùng già làng hành lễ.
Bất ngờ hơn, ngày trọng đại ấy còn khó đoán định gấp mấy lần việc tìm dấu đám dúi khôn ngoan để đặt bẫy. Bởi, chỉ già làng mới đủ uy chỉ định một ngày bình thường trở nên rộn ràng chiên, trống; từ khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch.
|
Người Jơ Lưng sống ở những vùng tương đối cao, theo tín ngưỡng đa thần. Hiện tại tỉnh Kon Tum, họ có mặt ở các huyện Kon Rẫy, Kon Plông. Tất nhiên, họ là những người có biệt tài săn dúi.
Đồng thời, dân sành ăn giống chuột mê tre này đều thống nhất: các món khô hoặc ít nước sẽ thích hợp hơn. Dễ mê... lây là món dúi nướng muối ớt. Cặp với mớ lá é rừng, cắn gọn nửa trái ớt chim xanh, hớp ngụm rượu nóng thêm ấm nồng tình yêu cao nguyên! Mặc cho mưa rừng lê thê.
Chợt Mạnh thở dài như than oán: dúi phá chỉ bằng cái móng tay con người. Người san bằng, đốt sạch rừng tre nứa làm nương rẫy. Dúi trơ trọi không nơi nương tựa.
Về lại Nam bộ, ánh mắt buồn buồn của anh bạn mê du lịch sinh thái Tây Nguyên còn đeo đẳng người viết mất mấy hôm. Cũng có người bàn: giống vật này luôn "nợ" măng. Cho nên, muốn hấp cách thủy hoặc giả cầy nó, cũng phải có ít măng tươi “tống tiễn” mới thăng hoa hương vị được.
Lại mưa xối xả. Nhắn tin cho anh bạn mê chạy nhảy chốn đại ngàn: Ghiền dúi rừng muốn chết! - Thôi đi cha, để tụi nó rộng đường lo tái định cư!
Tông
dúi có 4 loài gặm nhấm, sinh sống trong những vùng cao nửa phía đông
châu Á. Ở nước ta thường có 3 loài: dúi mốc nhỏ, lớn và dúi nâu. Chủ yếu
chúng sinh hoạt trong hang, ăn rễ với mầm của: tre, sắn, mía, chè; theo
Wikipedia. Do vậy, mùa mưa chúng thường mập hơn mùa nắng.
|
Theo iHay.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét