Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Lạ lùng Thanh An cung

Được xây dựng cách đây gần một trăm năm, cung Thanh An của người Hoa ở thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu, Tây Ninh) chính là một trong những công trình kiến trúc có lịch sử tồn tại thuộc loại lâu đời nhất ở mảnh đất này. Nằm ngay phía sau chợ thị trấn, Thanh An cung chính là nơi thờ cúng Bà Thiên Hậu, một trong những vị thần linh thiêng của người Hoa và là nơi để đồng bào trong vùng tìm về những ngày lễ tết, thờ cúng của dân tộc mình.
 
Vàng son một thuở huy hoàng
 
Theo bà Dư, người làm việc trong Ban quản trị cung thì cung này được những người Hoa vùng Chợ Lớn, Gia Định ngược sông Vàm Cỏ Đông lên đây làm ăn, buôn bán xây dựng vào năm 1930. Hồi đó, cung Thanh An chính là công trình kiến trúc lộng lẫy, giàu sang và to đẹp nhất ở đây. Trải qua rất nhiều biến cố của thời gian và lịch sử, nó hầu như không bị hư hỏng gì nhưng vẫn phải trải qua mấy lần trùng tu, sơn sửa lại. Thế nên, có thể dễ dàng nhận ra cách đây rất lâu những cư dân người Hoa có gốc gác ở vùng Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Châu ấy đã có ý tưởng định cư lâu dài tại vùng đất này. Và, hiện nay ở khu vực thị trấn Gò Dầu cũng như trên địa bàn thị xã Tây Ninh, số lượng người Hoa có mặt cũng khá đông, tạo nên một nét văn hóa khác biệt cho mảnh đất biên giới xa xôi này.
 
Có một đặc điểm rất dễ nhận ra ở Thanh An cung là những màu sắc rực rỡ được sử dụng để tô điểm thêm nét vàng son, huy hoàng và lộng lẫy. Cung được chia làm 3 phần chính. Ở chính giữa là nơi thờ Bà Thiên Hậu, một vị thần may mắn dành riêng cho những người đi biển. Chuyện thờ Bà Thiên Hậu là nét văn hóa khá lạ lùng của người Hoa, bởi có thể họ không đi biển nhưng vẫn phải…thờ. Nguyên nhân sâu xa của tập tục này, theo bà Dư là cha ông những người ở Nam bộ chính là thuộc dòng tộc nhà Minh. Khi nhà Minh bị nhà Thanh, vốn là dân tộc thiểu số ở Trung Hoa lật đổ đã bỏ chạy, nhiều quan tướng, con cháu của họ đã giong thuyền ra biển, xuôi về phương Nam, định cư ở nhiều nơi của vùng Nam bộ nước ta khi ấy là Chợ Lớn, Đồng Nai, Gò Công, Gia Định, Bến Thành… Và, trong tâm thức của con cháu họ, những người đã định cư hoặc sinh ra và lớn lên ở vùng đất này vẫn có một hoài niệm về ý nguyện phục Minh, như di huấn của tổ tiên họ đã trăn trối. Chính vì thế, việc ngược biển tìm về cố hương luôn được những người Hoa lớn tuổi coi trọng như một ý niệm của đời mình. Và, đó cũng là nguyên nhân mà ở hầu hết các nơi cộng đồng người Hoa sinh sống ở Nam bộ, họ đều thờ thần biển Bà Thiên Hậu. Trên mái hiên cũng như mái viền của gian thờ chính này là những mái ngói cổ, đặc trưng của những lò gốm vùng Sài Gòn xưa. Ngoài ra, cũng như phía bên ngoài cung, ở trong cũng được trang trí bằng một màu đỏ sẫm và màu vàng rực rỡ. Mặc dù cung khá sâu, chừng hơn 20 m với nhiều hình khối cột, câu đối, hoành phi và bệ thờ nhưng nhờ mái vòm cao, thiết kế thoáng nên ánh sáng rất chan hòa có thể dễ dàng quan sát tất cả những chi tiết nhỏ bên trong, từ những dòng chữ mạ vàng rất nhỏ.
 
Ngoài ra, bên phải cung là nơi những người trong Ban quản trị ở để hương khói và dọn dẹp, cũng như tổ chức những ngày lễ tết. Bên trái cung là 2 gian nhà xây khá đơn giản, có cửa thông với gian chính giữa. Ở đây là nơi vị thần tài của người Hoa, một trong những vị thần có ý nghĩa rất quan trọng với cộng đồng người Hoa làm nghề buôn bán như ở vùng Gò Dầu này. Có lẽ, chính nhờ vị thần này mà hầu như nơi nào có cộng đồng người Hoa sinh sống, nơi đó giao thương kinh tế, buôn bán khá sầm uất.
 
Mặc dù đã dạo quanh một vòng ở Thanh An cung nhưng cảm giác về sự lạ lùng, khác biệt so với những kiến trúc khác của cư dân địa phương vẫn khiến chúng tôi cảm thấy bồi hồi. Dường như, sau mấy lần trùng tu, công trình cung có tuổi đời gần trăm năm nằm bên bờ bắc sông Vàm Cỏ Đông này đã không mất đi vẻ đẹp lộng lẫy ban đầu, mà chỉ ngày càng rực rỡ với những gam màu sắc giao thoa của người dân địa phương đã kết hợp hài hòa với kiến trúc cổ xưa này.
 
ĐOÀN XÁ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét