Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Đi câu cá phá ở bắc Tây nguyên

Hai con sông lớn nhất vùng bắc Tây nguyên là sông Ba, sông Sê San ngoài tiềm năng thủy điện còn có nhiều sản vật, trong đó có loài cá phá.


Con cá phá nặng hơn 15 kg bị mắc câu - Ảnh: Trần Hiếu
Theo lời Ksor Minh, một người chuyên đi câu cá phá nhà ở xã Chư Mố, huyện Ia Pa (Gia Lai), cá phá nằm ở tầng nước giữa. Đây là loài cá ngon mà người bản địa hay đánh bắt được. Nhưng vài ba năm trở lại đây cá hiếm dần do sông bị chặn dòng làm thủy điện, dân đánh bắt nhiều, môi trường thay đổi...
Chuyến câu vài ngày trở về tay không là chuyện bình thường. Nhưng đôi khi gặp may, câu được những con cá phá nặng hơn chục kg, hay mới đây, một con cá phá nặng gần 18 kg đã mắc câu.
Cá phá có hình dạng tương tự cá trắm cỏ nhưng mình dài, thon hơn, có vảy lớn, đầu dẹp và đặc biệt có hai sợi râu dài mọc ở môi cá. Dân chài dọc sông Ba, sông Sê San săn cá phá bằng lưới hoặc đi câu. Mồi câu loại cá háu mồi này là giun, ốc hay món mà cá rất khoái là cá nhỏ.
Không chỉ là món ngon, từ nhiều năm qua cá phá là đặc sản của vùng bắc Tây nguyên. Các món cá phá nấu măng rừng, nướng lá chuối chấm muối é, khô cá phá nướng... hay đơn giản là món cá kho cũng là một phần phong vị ẩm thực của vùng đất này.
Điều đặc biệt mà những người câu cá ở đây thuộc nằm lòng là không bắt cá phá từ tháng mười đến đầu năm sau. Bởi lẽ, cá phá hay ăn những hạt mã tiền mọc dọc sông. Khi cá ăn loại hạt độc này, vảy sẽ ánh lên màu tím rất lạ. Ăn phải cá phá đã ăn hạt mã tiền trong khoảng thời gian này sẽ bị ngộ độc. Vậy nên cá phá còn có tên gọi khác là cá say.
Trần Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét