Trong quan điểm của người Vân Kiều, chết không phải là hết mà đó là thuận theo quy luật của tự nhiên. Nhưng không phải vì thế mà họ lơ là việc đám đình, tang ma. Bởi vậy, giữa núi rừng đại ngàn thường xuyên có những cổ tiệc linh đình, kéo dài cả tháng trời để đưa tiễn một thành viên trong gia đình, dòng họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Điều đó như ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào nơi này.
Nợ tang ma
Lang thang vào những bản làng của người Vân Kiều ở Quảng Trị, chúng tôi được nghe kể rất nhiều chuyện kì bí về bùa chú, ma quỷ nhưng có lẽ điều khiến những người khách lạ thấy hào hứng nhất đó là câu chuyện về những khu rừng ma và những luật tục tang ma của đồng bào nơi đây.
Do lâu ngày không ai lui tới nên ngôi nhà ma giờ chỉ còn trơ một trụ gỗ bị mối mọt ăn mòn.
Người Vân Kiều quan niệm, con người cũng như vạn vật trên thế gian, từ
cây cỏ đến chim muông sinh ra, lớn lên rồi sẽ chết đi. Sinh ra ở đâu
thì chết cũng phải về đó. Nếu người Kinh quan niệm chết đó chính là trở
về với cát bụi, nơi ấy là nơi họ đã sinh ra. Còn đối với người Vân Kiều,
họ mang ơn rừng núi bởi nơi ấy đã che chở, cho cái ăn, cái mặc, trú
chân, cung cấp nguồn nước mát trong nên khi chết phải trở lại với rừng,
tiếp tục sống gắn bó với rừng ở một thế giới khác. Thế nên, khi chết,
người Vân Kiều thường chôn người thân dưới những gốc cây to như tượng
trưng cho những lời khẩn cầu, mong che chở cho linh hồn của người đã
khuất và họ luôn coi chốn ấy là cõi thiêng bất khả xâm phạm. Những khu
rừng ma xuất hiện từ đó, khi mỗi gia đình được già làng chọn một khu
rừng để làm nhà cho người chết.
Kể về chuyện rừng ma, già làng Hồ Xuân Thoàng (Hướng Hiệp, Đakrông) nói: "Ngày trước, một lần nhà có đám ma nên phải giết rất nhiều trâu bò, lợn gà để thiết đãi bà con trong thôn bản và cũng là cách để đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng, về với Giàng. Sau khi xem đất đai kỹ lưỡng thì mỗi dòng họ sẽ chọn cho mình một khu rừng rậm, ít người qua lại để làm nghĩa địa chung cho cả họ. Đặc biệt khi đã đưa vào khu rừng ma thì không ai được phép đến nơi này mà không xin phép. Cũng từ đó có rất nhiều câu chuyện ly kỳ được tạo ra để tăng sự huyễn hoặc cho những khu rừng này".
Cũng theo lời kể của ông thì với người Vân Kiều, tập tục đưa người chết về nơi an nghỉ sẽ trải qua rất nhiều giai đoạn. Sau khi làm đám ma linh đình kéo dài 57 ngày, có khi đến cả tháng trời thì người thân không hề quay lại nơi chôn cất cũ để hương khói cho người thân đã mất. Bởi theo quan niệm của họ thì nơi rừng thiêng này giờ chỉ có thể để cho linh hồn người đã mất cư ngụ, người sống không được xâm phạm lãnh thổ đó nếu không sẽ bị ma đi theo và gặp nhiều điều phiền toái, thậm chí dẫn đến chết.
Khoảng chừng 3, 4 năm sau, gia đình, dòng họ đó sẽ tổ chức lễ cầu linh hồn của những người đã khuất về với "nhà ma", nơi quy tụ những người đã mất của dòng họ về một địa điểm cố định. Ở đó, đàn ông và phụ nữ được phân biệt bởi hai gian khác nhau, đồng thời người chết bình thường và người chết vì tai nạn cũng được phân biệt rạch ròi.(Người chết vì tai nạn thì nhà ma sẽ được làm bằng mái vòm, còn người mất bình thường sẽ được làm bằng mái nhọn). Khi người chết đã lên đến chức cố thì sẽ được làm lễ đưa ông bà lên bàn thờ để gia đình để tiện bề hương khói. Lễ này sẽ được gọi là đám chay, bởi nó không đưa người chết về rừng ma mà chỉ có vật tượng trưng và gia đình phải chuẩn bị ít nhất 2 con trâu để làm lễ. Một con sẽ do họ nội của gia đình lo, còn một con do các họ rễ cùng nộp tiền để mua. Ngoài ra, hằng năm trước lễ cầu linh hồn người chết về, đồng bào Vân Kiều ở huyện Đakrông (Quảng Trị) còn phải làm lễ "rửa chén bát cho ông bà" bằng một con heo, to hay nhỏ là tùy vào kinh tế mỗi gia đình.
Bởi những tập tục linh đình, rườm rà lại tốn kém quá nhiều nên mỗi lần gia đình có người chết, người thân cũng phải còng lưng ra trả những khoản chi tiêu quá lớn. Có những trường hợp người dân phải đi vay mượn của những gia đình giàu có rồi sau khi thu hoạch mùa lại trả bằng lúa, ngô. Đôi khi trả hết nợ là cả nhà chết đói, lại tiếp tục vay, lại tiếp tục nợ. Cứ thế dẫn đến nhiều hệ lụy khác như bán vợ đợ con, chết đói chết khát vì công nợ... Có khi thế hệ ông bà mất đi đến đời con cháu vẫn chưa trả hết nợ. Đồng bào ở đây vốn đã nghèo khó lại ngày càng bị đẩy sâu vào vòng luẩn quẩn vay trả nợ tang ma.
Đường vào khu nhà ma rậm rạp bởi ít người qua lại.
“Đất nước tiến lên, mình cũng không thể tụt hậu”
Với đồng bào Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị, nhiều gia đình đã tan nhà nát cửa cũng bởi tang ma mà trở nên khốn khó. Ngày nay, được sự vận động của các cấp chính quyền địa phương nên đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân nơi đây về việc làm đám ma cho người chết. Giờ đây, khi đến những thôn bản thuộc huyện Đakrông (Quảng Trị) không còn thấy ai nhắc đến những câu chuyện huyền bí về những ngôi nhà ma, những khu rừng ma nữa. "Tìm đâu ra khu nhà ma nữa, rừng ma thì xa lắm, lâu ngày cũng chẳng có ai vào đó làm gì nữa. Người đồng bào ở đây đã quy tập mồ mả về thành nghĩa địa, chôn cất, cúng tế cẩn thận, xây bằng xi măng, đắp nấm hết rồi. Gần nhà tiện cho việc hương khói mỗi dịp lễ tết, cúng quảy hơn", bà Pỉ Hoi nói như thế khi chúng tôi nhắc đến việc tìm đến thăm những khu rừng ma, hay những ngôi nhà ma của bản Pa Loang.
Ông Hồ Phúc nói thêm rằng: "Không phải người dân chúng tôi không còn biết cách giữ gìn truyền thống của đồng bào mà đấy là cách để chúng tôi sống tốt hơn, tiết kiệm được chi phí, không ồn ào, mất trật tự cũng như an toàn vệ sinh cho xã hội. Đất nước tiến lên thì mình cũng không thể sống tụt hậu như thế mãi được". Đấy như là lời kết cho câu chuyện huyền bí ma quỷ mà người dân nơi đây đã từng tin và làm theo.
Đôi khi ta vẫn tự huyễn hoặc mình rằng cái nọ cái kia mãi trường tồn theo thời gian, nhưng thực tế rất hiếm, rất ít cái này cái kia có thể sống mãi trước sự bào mòn của thời gian. Cái đi sau tiến bộ, mới và tốt hơn cái đi trước thì sẽ được chọn để con người ngày càng phát triển hơn. Luật tục ma chay của người Vân Kiều nơi đây cũng thế, họ chịu thay đổi bởi nó mang lại lợi ích cho chính họ chứ không phải ai khác.
Thùy Linh - Nguyên Hồ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét