Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Góc nhà quê giữa lòng phố thị

(TBKTSG Online) - Nhà hàng Cục Gạch nằm lặng lẽ trên một con đường vắng vẻ trong cái náo nhiệt của Sài Gòn. Ai đã từng một lần đến đây đều có chung cảm nhận, tất cả những hình ảnh và hương vị nơi đây gợi nhớ lại một góc quê bình dị.
Lối vào không gian "bà ngoại" với cây cối xanh um - ảnh: Huy Nguyễn
Chủ quán là một kiến trúc sư có tính hài hước, thích đánh đố người khác. Vì vậy, những người không biết trước nếu đi ngang nơi này sẽ không nghĩ đây là một quán ăn, bởi trên cánh cổng gỗ khép hờ ghi hàng chữ to: Văn phòng kiến trúc sư Trần Bình. Còn cái tên Cục Gạch được ghi rất nhỏ ở một góc cửa. Tòa nhà lợp mái ngói màu đỏ này vừa là văn phòng của chủ nhân mà cũng là nơi phục vụ thực khách.
Cái tên Cục Gạch có một sự liên quan đến ngành kiến trúc của Trần Bình. Anh quan niệm rằng viên gạch chính là bước khởi đầu cho mọi công trình xây dựng. Không những thế, cái tên thô ráp và có vẻ quê mùa ấy cũng nói lên phong cách dân dã mộc mạc của miền quê đã lưu giữ ký ức đẹp về tuổi thơ của anh.
Nhiều thực khách, vừa bước vào khoảng sân không rộng mà không hẹp, chợt dâng lên xúc cảm bồi hồi như lạc vào một gốc quê yên ả. Bởi vì, họ nhìn thấy chiếc lồng chim sáo treo lủng lặng ở góc tường dưới cây chanh, bên cạnh cây khế um tùm lá và trang leo phủ kiến tường rào.
Hình ảnh nhà quê còn được tô đậm hơn với chiếc chạng gỗ đã cũ kỹ, phía trong  là những cái chén, cái tô sứ đã bị mẽ nhiều phần, loại mà người nông dân thường dùng. Ở một góc tầng trệt là một đóng bưởi và thơm nằm hờ hững, hình ảnh thường thấy ở những phiên chợ quê. Trên những chiếc bàn gỗ nâu cũng đã nhuốm màu thời gian là những chiếc lồng bàn bằng mây đã ngã màu.
Cái khung cảnh quê mùa sẽ theo bước chân của thực khách lên tầng một. Đi hết nấc cuối cùng của cầu thang đặt ngay tại giếng trời, thực khách sẽ gặp một khoảng xanh với nhiều loại cây kiểng và một gốc bưởi cổ thụ. Nếu quẹo sang phải, thực khách sẽ vào một nơi được gọi là phòng khách với 4-5 chiếc bàn và ghế cũ. Trong đó có một chiếc tủ đựng tô chén mà tuổi đời có lẽ đã vài chục hay cũng ngót trăm năm.
Nếu thực khách quẹo bên trái thì sẽ vào không gian của “bà ngoại”. Tại đây, có một chiếc bàn với hai hàng câu đối chữ Nho, chính giữa là một bức tranh của bà lão. Một hình ảnh phổ biến trong những căn nhà xưa vẫn còn tồn tại ở nhiều làng quê Việt Nam. Không gian này tuyệt đối yên tĩnh. Tại đây thực khách có thể thưởng thức món ăn trên những chiếc bàn dài mà người nhà quê thường đặt trước bàn thờ của gian nhà chính. Hay những chiếc bàn nhỏ với ghế nệm. Thậm chí có thể dùng bữa trên chiếc giường gỗ.
Không gian của Cục Gạch gợi lên cảm xúc hoài cổ và món ăn cũng đậm đà hương vị chân quê như canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, rau luộc chấm hột vịt nước mắm mặn, cá kho quẹt, khô nướng, mắm chưng… cùng nhiều món ăn khác nữa. Thức uống cũng phong phú, trong đó nước ép trái cây được đựng trong chiếc chai thủy tinh, uống với ly thủy tinh rất thô và ống hút chính là cọng rau muống.
Chiếc giường gỗ được dùng làm bàn ăn tại Cục Gạch quán - ảnh: Huy Nguyễn
Chính nhờ cái không gian rất nhà quê đặc thù Việt Nam mà 70% khách hàng đến đây là người nước ngoài. Kyo York, một ca sỹ Mỹ chuyên hát nhạc Việt Nam cho biết: “Tôi đã từng làm việc tại tỉnh Hậu Giang 2 năm nên rất thích cái dáng vẻ quê quê của nơi này. Khi bước chân vào Cục Gạch, tôi ngỡ ngàng vì nó quá giống hình ảnh ở vùng quê Việt Nam mà tôi từng sống. Thưởng thức món ăn ở đây, tôi cảm nhận được cả không gian văn hóa truyền thống Việt”.
Giá món ăn ở đây từ 30.000 đồng trở lên. Cục Gạch quán số 10 Đặng Tất, Tân Định, Q.1, TPHCM
.Huy Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét