Cao nguyên đá Đồng Văn, cao nguyên Pleiku… không chỉ đẹp mà còn có nền văn hóa dân tộc đặc sắc.
1. Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá đồng văn trải rộng trên 4 huyện thuộc tỉnh Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, được công nhận là công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.
Cao nguyên có nhiều khu vực núi đá vôi trùng điệp, hiểm trở, với vô vàn mẫu hóa thạch có tuổi đời từ 400 – 600 triệu năm, rất có ích trong nghiên cứu khảo cổ. Không chỉ sở hữu cảnh quan núi non xanh mướt mắt vô cùng ấn tượng, nơi đây còn nổi tiếng với bản sắc văn hóa độc đáo của 17 dân tộc thiểu số sinh sống tại đây.
Những bạn trẻ phượt tới Hà Giang còn được chiêm ngưỡng nhiều di tích cấp quốc gia như nhà vua mèo, cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn…
2. Cao nguyên Bắc Hà
Nằm giữa 2 tỉnh Lào Cai và Hà Giang, cao nguyên Bắc Hà trải rộng trên diện tích lớn, gồm các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Xín Mần và Hoàng Su Phì.
Cao nguyên có độ cao trung bình 1.000 mét, cao nhất là đỉnh Kiều Liêu Ti. Cũng giống như Đồng Văn, cao nguyên Bắc Hà là cao nguyên đá vôi, nổi tiếng với giống mận Bắc Hà do đồng bào miền núi trồng. Nơi đây cũng có nhiều nét văn hóa đặc sắc, nổi bật là các phiên chợ Bắc Hà đầy màu sắc.
3. Cao nguyên Mộc Châu
Cao nguyên Mộc Châu thuộc huyện Mộc Châu, Sơn La, cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển nên có khí hậu quanh năm mát mẻ, dễ chăn nuôi bò sữa và các loài cây như: chè, đào, mận, và đặc biệt có mùa cải trắng, dã quỳ vàng hút hồn du khách gần xa.
Ở vị trí không quá xa Hà Nội (cách 200 km), nơi đây là điểm phượt ưa thích của giới trẻ vì có thể đi, về trong 2 ngày cuối tuần. Du khách tới Mộc Châu không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên trùng điệp, hoa nở bốn mùa mà còn được thưởng thức các đặc sản của người dân tộc miền núi như bê chao, cá suối, cải mèo ngon khó cưỡng.
4. Cao nguyên Sín Chải
Cao nguyên nhỏ nhắn này nằm ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, có độ cao trung bình 1.500 mét so với mặt nước biển.
Sín Chải cách Sapa khoảng 4 km, là nơi sinh sống của 1.400 người Mông với bản sắc dân tộc đậm đà. Từ Sín Chải những hôm quang mây, người ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp ẩn hiện phía xa của đỉnh Fansipan.
5. Cao nguyên Pleiku
Cao nguyên Pleiku nằm ở Tây Nguyên, chủ yếu trên diện tích tỉnh Gia Lai, với độ cao trung bình 800 mét, là điểm du lịch quen thuộc của nhiều bạn trẻ Việt.
Điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Pleiku là Biển Hồ T’Nưng, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km. Đây chính là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động, sắc màu trong xanh, hai bên bờ có hàng thông tuyệt đẹp.
Thời điểm đẹp nhất để thăm Pleiku là cuối tháng 11 khi dã quỳ vàng trải thảm hai bên đường cùng hương cà phê lan tỏa trong nắng sớm.
6. Cao nguyên Đắk Lắk
Cao nguyên Đắk Lắk hay còn gọi là cao nguyên Buôn Ma Thuộc là một trong những cao nguyên thuộc vùng Tây Nguyên Việt Nam, cao 800 mét so với mặt nước biển.
Đây là một trong những vùng giàu tiềm năng du lịch của Việt Nam, nổi tiếng nhất là bản Đôn với truyền thống săn, thuần dưỡng voi rừng và Buôn Ma Thuột – thủ phủ cà phê Việt.
Đắk Lắk là nơi cư trú của các bản người Ê Đê, người Mông với nền văn hóa cồng chiêng đáng ngưỡng mộ cùng nhiều công trình cổ đáng tham quan như tòa giám mục, biệt điện Bảo Đại… cùng nhiều lễ hội độc đáo.
7. Cao nguyên Lâm Viên và Di Linh
Cao nguyên Lâm Viên, hay nổi tiếng hơn là cái tên cao nguyên Lang Biang, cao nguyên Đà Lạt là một trong những điểm du lịch hàng đầu ở Tây Nguyên. Phía Nam cao nguyên là thành phố hoa Đà Lạt, phí Tây Nam chính là cao nguyên Di Linh.
Nơi đây có khá nhiều điểm dừng chân thú vị cho du khách như thành phố Đà Lạt với hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, các đỉnh núi cao như Lang Biang, Bi Doup… hay những ngọn thác lớn như thác Prenn, Gù Gà, thác Voi, thác Cam Ly…
Phong cảnh tại hai vùng cao nguyên này luôn đẹp với hoa nở quanh năm, khí hậu ôn hòa, mê đắm lòng người.
Supertramp (Xzone/Tri Thức Thời Đại)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét