Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Thăm những nhà thờ lớn nhất miền Bắc

(iHay) Dưới đây là những công trình độc đáo về kiến trúc và kì vĩ về quy mô không thể bỏ qua khi bạn muốn tìm hiểm về nhà thờ Công giáo ở miền Bắc.


Phát Diệm (Nam Định)
Nhà thờ Phát Diệm thuộc thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nói đến Phát Diệm là nói đến sự kết hợp độc đáo giữa phương Đông và phương Tây trong cùng một quần thể kiến trúc.

Phương Đình nhà thờ Phát Diệm với mái vòm bằng đá có kiến trúc tựa như ngôi đình làng
 
Nhà thờ được xây dựng trong 24 năm, từ năm 1875 đến năm 1898 dưới sự chỉ đạo của linh mục Phêro Trần Lục. Cái tên Phát Diệm tương truyền do Nguyễn Công Trứ đặt mang ý nghĩa “sinh ra cái đẹp”.

Nhà thờ lớn với thánh đường uy nghi 6 hàng cột gỗ lim, chỉ bị hư hại nhẹ trong thời chiến

 Nhà nguyện trái tim Đức mẹ là công trình hoàn toàn bằng đá, từ nền, tường cho đến chấn song, cột, từng bức phù điêu tạc tinh xảo
 
Từ hướng nam đi vào lần lượt là ao lớn, Phương đình (có nghĩa là nhà vuông) với kiến trúc tựa như cổng tam quan, Nhà thờ Lớn, bốn nhà thờ nhỏ ở hai bên, ba hang đá nhân tạo, cuối cùng là Nhà nguyện trái tim Đức Mẹ làm hoàn toàn bằng đá và cũng là công trình nổi tiếng nhất thường được nhắc đến.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là sự kì vĩ của các tòa kiến trúc ở đây lại được dựng lên chỉ bằng bàn tay của những người thợ xưa, không hề thông qua máy móc.
 
Không gian hài hòa đem lại sự tôn nghiêm nhưng rất gần gũi cho Phát Diệm
Bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị khi đi giữa những cột gỗ cổ kính, mái ngói cong vút quen thuộc trong không gian của một công trình Công giáo. Chính sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc đình chùa phương Đông và kiến trúc Gotich phương Tây khiến cho Phát Diệm trở thành công trình độc đáo có một không hai ở Việt Nam.
Nhà thờ Phát Diệm cách Hà Nội 120km về phía Nam, cách TP. Ninh Bình 27km về phía Đông Nam.
Phú Nhai (Nam Định)
Nhà thờ Phú Nhai nằm ở  xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, thuộc giáo phận Bùi Chu – giáo phận diện tích nhỏ nhưng lại có số giáo dân đông vào bậc nhất cả nước.
Đền thánh Phú Nhai tuy không phải là nhà thờ chính tòa nhưng lại là một trong bốn vương cung thánh đường ở Việt Nam.
 
Đền thánh Phú Nhai dài 80m, rộng 27m, cao 30m, từng được coi là nhà thờ lớn nhất Đông Dương

Nhà thờ được Tòa thánh Roma nâng lên hàng tiểu Vương cung thánh đường năm 2008
 
Từng được coi là nhà thờ lớn nhất Đông Dương, Phú Nhai có kiến trúc nguyên thủy được xây bằng gỗ theo kiểu Gothic Tây Ban Nha dưới triều vua Tự Đức. Tuy nhiên, qua 3 lần xây dựng với nhiều biến cố lịch sử, nhà thờ đã mang tầm vóc đồ sộ hơn với kiến trúc Gothic kiểu Pháp như hiện nay.
 
Bản đồ giáo phận được khắc trên tảng đá lớn

Phù điêu 14 Đàng thánh giá trong khuôn viên nhà thờ
Tháp chuông là dấu hiệu nổi bật của Phú Nhai có thể thấy từ xa. Tháp cao 44m với bốn quả chuông được chuyển từ Pháp sang, trong đó có quả nặng 2 tấn chỉ sử dụng trong các dịp đại lễ.
Đứng trên ngọn tháp, bạn có thể thấy toàn cảnh huyện Xuân Trường với những nóc nhà thờ khác vươn lên trên nền trời xanh. Xung quanh nhà thờ là các bức phù điêu thể hiện 14 Đàng Thánh Giá của Chúa được tạo tác hết sức sinh động.
Từ thành phố Nam Định, bạn đi 35km theo quốc lộ 21 để đến thị trấn Xuân Trường và thêm khoảng 1km để đến với Phú Nhai.
Sở Kiện (Hà Nam)
Nhà thờ Sở Kiện (trước kia có tên là Kẻ Sở) nằm ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Cũng là một trong bốn vương cung thánh đường ở Việt Nam, Sở Kiện là trung tâm hành hương của giáo phận Hà Nội, từng giữ vai trò là nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận từ năm 1882 đến 1936.

Nhà thờ Sở Kiện dài 67,2m, rộng 31,2m và cao 23,2m, mang tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
 
Với khuôn viên rộng khoảng 9 ha, nhà thờ mang kiến trúc Gothic đặc trưng với mái vòm cao và tháp chuông đồ sộ, dưới nền được lót gỗ lim chống sụt lún do toàn bộ công trình nằm trên một cái đầm lớn.
Bên cạnh các ô cửa kính màu thường thấy là bàn thờ sơn son thếp vàng, trang trí bằng gỗ chạm tạo nên sự độc đáo pha trộn giữa Đông và Tây.

Khu vực đại Chủng viện rêu phong từ khi nhà thờ không còn giữ vai trò chính tòa 

Đồng hồ có chuông điểm giờ cổ kính tại mặt tiền nhà thờ


Thánh đường uy nghi của nhà thờ Sở Kiện
Tháp chuông Sở Kiện cao 27m với bốn quả chuông mang các sắc âm Đố - Mi - Son - Đồ, quả nặng nhất lên tới 2,461 tấn gọi là chuông Bồng (Bourdon). Trong cung thánh có mộ Đức cha và các di vật của nhiều vị thánh tử đạo khác.
Nhà thờ Sở Kiện cách Phủ Lý khoảng 5km và Hà Nội 65km về phía Nam theo hướng Quốc lộ 1.
                                                                                      Trường Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét