Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Tìm hiểu phong tục cưới hỏi người Chăm

Hãy cùng tìm hiểu những nét độc đáo trong nghi lễ cưới hỏi của người Chăm.
Người Chăm vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục mang tính truyền thống. Theo đó, với chế độ mẫu hệ nên con gái Chăm sẽ đi hỏi chồng và người con trai sẽ về ở rể nhà vợ. Nếu bạn muốn tham gia một lễ cưới của người Chăm bạn có thể du lịch bụi lên những vùng có người Chăm sinh sống,
Lễ mai mối
Với người Chăm, con gái chủ động mọi công việc trong hôn nhân nên khi người con gái mới lớn thì nhà gái thường chủ động chọn chồng cho con gái qua hình thức mai mối. Ông mai bà mối (ong binyuk muk binyuk) phải có tài ăn nói lưu loát, nói bóng nói gió để thể hiện ý đồ của nhà gái. Đây là một nét nhân văn đặc trưng của chế độ mẫu hệ người Chăm vì họ nhà gái luôn phải giữ kín chuyện mai mối, tiền hôn nhân nếu chưa biết được ý tứ của nhà trai như thế nào.
Lễ dạm hỏi
Sau khi nhà trai đồng ý, nhà gái sẽ xin ngày lành tháng tốt (harei siam bilan siam) để tiến hành lễ hỏi (nao puec). Trong lễ này, nhà gái sẽ chuẩn bị lễ vật dâng cho họ nhà trai. Lễ vật rất đơn giản bao gồm trầu, cau, rượu và bánh truyền thống (ahar puec likei) như tapei nung (như bánh tét của người Kinh), tapei bilik (bánh ít)… và một ít trái cây.
Khi họ nhà gái mang lễ vật sang thì họ nhà trai cũng đã chuẩn bị nghi thức đón lễ vật. Chiếu được trải dài trước sân nhà, hai họ ngồi thành hàng đối diện theo hướng Đông – Tây. Câu chuyện cưới xin được bắt đầu bằng lời chào xã giao của ông mai bà mối, sau đó đại diện họ nhà gái sẽ ngỏ lời về hôn nhân của hai trẻ. Khi họ nhà trai đồng ý, lễ vật được đưa vào trong nhà để cúng tổ tiên.
Lễ dứt lời
Trước khi ra về, họ nhà gái sẽ mời nhà trai sang nhà gái để quyết định chính thức về hôn nhân của hai trẻ, nhà gái sẽ thết đãi nhà trai một bữa tiệc mặn. Người Chăm gọi lễ này là lễ “dứt lời bên nhà trai” (paklaoh panuec gah likei).
Sau lễ này, đại diện hai bên đem lễ vật (trầu, cau, rượu,…) đến gặp gru (thầy) xem ngày lành tháng tốt. Trước lễ cưới vài ngày, hai họ nhà trai và nhà gái sẽ cử những người uy tín, có tài ăn nói bao gồm trưởng tộc họ, cha mẹ đỡ đầu cho đôi vợ chồng, ông mai bà mối, cha mẹ hai bên đến nhà gái làm lễ “dứt lời bên nhà gái” (paklaoh panuec gah kamei). Lễ này khá đơn giản và nhanh chóng, hai bên sẽ bàn về thời gian, vật chất, hình thức, nội dung… để tiến hành lễ cưới.
Chọn tháng, ngày và giờ
Ngày giờ được người Chăm quan niệm là chọn “ngày phải lành, tháng phải tốt, giờ phải đẹp” mà họ gọi là harei siam tuk tanyruah.
Theo lịch pháp của người Chăm, họ quan niệm tháng Giêng là tháng nhớ nhung, tương tư, tháng 2 và 8 là tháng tội lỗi, tháng 3 là tháng nhiều lúa gạo, tháng 4, 5 và 9 là tháng gây hấn, tháng 6 nhiều tiền tài của cải, danh lợi, tháng 7 là tháng ốm đau, tháng 10 phát tài, tháng 11 là sự thịnh vượng, tháng 12 là tháng lửa phát cháy.
Do đó, người Chăm chọn tháng tổ chức cưới hỏi thường vào tháng 3, 6, 10, 11 (theo lịch Chăm) và phải nhằm vào các ngày bingun, tức vào những ngày thượng tuần trăng và nhằm vào ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm trong tuần. Thứ tư (harei suk) được chọn là ngày cưới chính, vì theo quan niệm người Chăm thứ tư là ngày đất nẻ, đất tốt. Lễ cưới vào ngày thứ tư mang ý nghĩa mưu cầu cho sự sinh sôi nảy nở, đôi vợ chồng sinh con đẻ cái đầy đàn.
Lễ cưới của người Chăm Bà la môn
Có phần đơn giản hơn so với đám cưới ngượi Chăm Bani, nhưng cũng bao gồm nhiều bước với những lễ nghi phong phú. Người Chăm Bà la môn không rước rể về nhà gái trước một ngày như ỏ Chăm Bani, họ tiến hành việc này vào sáng ngày tổ chức lễ thành hôn, tức là ngày thứ tư trong tuần.


Đoàn đưa rể đi đến cách nhà gái chừng 100 - 200 mét thì dừng lại nghỉ. Lúc đó nhà gái cử một phái đoàn do một người đàn ông cao tuổi có uy tín về mọi mặt trong tộc họ cô dâu dẫn đầu mang chiếu, trầu cau, nước non ra tiếp đón họ hàng nhà trai. Họ trải chiếu ra mời ông mai và chú rể ngồi, còn mọi người trong đoàn ngồi hay đứng là tùy ý. Họ cùng nhau trò chuyện, uống nước khoảng dăm mười phút như có ý chờ cho đúng giờ lành. Một số người trong phái đoàn ra đón khách của nhà gái quay trở vào nhà để thông báo cho phía nhà gái biết là đoàn nhà trai đã đến để chuẩn bị đón tiếp chính thức.

Đúng giờ lành, đoàn đưa rể từ từ tiến vào khuôn viên gia đình nhà gái. ở cổng nhà gái lúc đó để một chậu nước lớn, có người cầm gáo múc nước dội cho từng người trong họ nhà trai rửa chân và mời họ đi theo hàng chiếu trải từ chỗ rửa chân vào trước cửa nhà, ở đấy đã trải chiếu sẵn và có ông mai cùng họ hàng nhà gái tiếp đón. Thường thường hàng chiếu giữa dành cho hai ông mai, chú rể cùng những người cao tuổi, hàng chiếu bên phải dành cho họ nhà trai, bên trái cho họ nhà gái.

Đến giờ quy định, ông mai đàng trai đứng dậy kéo tay chàng rể tiến về hướng phòng the, nơi cô dâu đang hồi hộp đợi chờ. Ông mai đàng gái từ phòng the đi ra đón nhận chàng rể từ tay ông mai nhà trai rồi dẫn chàng vào phòng the. Tại đây, cô dâu và chú rể ngồi đối diện với nhau, ông mai ngồi bên cạnh họ, lấy một lá trầu to và đẹp từ trong hộp đựng trầu cau xẻ đôi ra và đưa cho cô dâu một nửa, cô ta lại xẻ đôi miếng trầu ra làm hai phần, đưa cho chú rể một phần.

Chú rể cầm quả cau bửa đôi cho cô dâu một phần, sau đó cô dâu lấy ít vôi bôi vào trầu của chú rể và của mình rồi hai người cùng ăn những miếng trầu cay nồng ấy trong niềm vui hạnh phúc. Sau đó, chàng rể cởi áo ngoài đưa cho cô dâu như trao thân gởi mạng cho cô gái nhà người từ đây. Lễ xong, chú rể chính thức trở thành thành viên của gia đình nhà gái nên phải làm mọi việc như người trong nhà, từ tiếp khách đến dọn dẹp. Sau lễ này, mẹ cha của cô dâu mới bắt đầu xuất hiện, họ đến chào ông mai nhà trai và các quý khách của cả hai bên, cùng vui liên hoan cho đến khuya và tiếp tục đến hết ngày hôm sau nữa.
Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ của người Chăm Bà la môn cũng phải trải qua những nghi lễ như người Chăm Bani. Trong ba ngày, họ ở trong phòng the, mỗi người nằm một bên giường, mâm tơ hồng với ngọn đèn cầy bổn mạng vẫn để ở giữa không được xê dịch. Họ chỉ được nói chuyện với nhau chứ chưa được gần nhau. Cho nên ba ngày sau lễ cưới là những ngày dài nhất đối với tuổi trẻ Chăm. Ba ngày chậm chạp trôi qua, nhà gái lại phải chuẩn bị thêm bánh trái, hoa quả để cho hai vợ chồng trẻ về nhà trai thăm viếng mẹ cha và họ hàng nhà trai y như đôi vợ chồng trẻ người Chăm Bani.

Theo phong tục của người Chăm, sau khi đã làm xong những lễ nghi trên đây, đám cưới coi như được kết thúc, đôi vợ chồng trẻ đã hoàn toàn được hợp pháp hóa đối với xã hội Chăm. Sau này, chịu ảnh hưởng của hình thức giá thú của nhà nước nên mới thêm một bước sau đám cưới cổ truyền nữa là khai báo với chính quyền địa phương để làm giá thú nhằm hợp thức hóa cuộc sống vợ chồng về mặt pháp luật.
Theo langvietonline.vn

Lễ Cưới Chăm Bà Ni

Đồng bào Chăm có truyền thống văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện qua tiếng nói, chữ viết, kiến trúc, điêu khắc, văn hóa dân gian… Trong đó, nét đặc trưng độc đáo thể hiện qua các hình thức lễ, đặc biệt là lễ cưới một trong những lễ mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo Awal/Bàni.
Bởi vì đó là sự đan quyện giữa hai yếu tố tín ngưỡng - tôn giáo, đã tạo cho đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni ở Bình Thuận giữ gìn và duy trì. Để tiến tới đám cưới chính thức phải tiến hành những bước quan trọng, tạo thành một hệ thống lễ nghi cưới xin khá phong phú ở người Chăm: Lễ đi chơi, Lễ hỏi, Lễ cưới. Lễ cưới được tiến hành sau lễ hỏi một thời gian không quy định cụ thể, nhưng không được quá bốn tháng.

Vì cộng đồng Chăm theo chế độ mẫu hệ nên chủ lễ là nhà gái, tại đây dựng lên một cái rạp lễ gọi là Kajang likhah khởi đầu cho các nghi thức lễ cưới chính thức. Trong hôn nhân người Chăm Bà Ni có một phong tục khá độc đáo trong lễ cưới đó là nghi thức "ba đêm cấm động phòng hay còn gọi là lễ nhập phòng the. 

Lễ cuới Chăm Bà ni có 5 đứa trẻ, mặc bộ áo truyền thống màu trắng gọi là “Anak là con” để chứng giám cuộc hôn nhân và mang lễ vật
 
Cô dâu Chú rể với bộ y phục cho lễ cưới toàn màu trắng tiến vào hành lễ trong rạp lễ
 
Bắt đầu lễ các vị tu sĩ làm lễ đốt trầm hương. Sư Cả (Po Gru), đọc kinh Koran xin phép với vị thánh Alla.
 
Những người thân của cô dâu chú rể cầu nguyện thánh Alla ban phước lành cho cô dâu và chú rể
 
Chú rể, cô dâu lần lượt lạy tạ Sư Cả và các giáo sĩ - tục lệ khi lạy tấm khăn trắng trùm dưới 2 chân bằng khăn đội đầu của cô dâu
 
Cô dâu được đưa về phòng the trước để thầy Chang (Po Car) đọc thần chú làm phép dưới đôi gối nằm
 
Thầy Chang đọc thần chú làm phép nhẫn cưới trong lòng bàn tay của cô dâu, rồi đeo nhẫn cho cô dâu sau khi cô dâu trả lời với thầy Chang là đồng ý cuộc hôn nhân
 
 Chú rễ ở lại trong rạp lễ Kajang likhah được sư Cả đọc kinh Koran và các giáo sĩ làm phép trao nhẫn cưới
 
Thầy Chang cầm tay chú rể dẫn đến với cô dâu. Hai giáo sĩ đi trước, chú rể đi sau và những em bé “Anak là con”
 
Trong phòng the vị tu sĩ đặt tay chú rể được vào bàn tay cô dâu làm phép rửa tội cầu phúc
 
Người vợ lấy một miếng trầu cau bỏ vào miệng chồng như ý bảo rằng từ nay nàng sẽ lo cho chàng đầy đủ sự ăn uống
 
Trong thời gian 3 ngày đêm đầu vợ chồng phải sinh hoạt ăn uống trong phòng và có người ngồi giám sát

Theo tuoitre.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét