Gỏi mít không bao giờ quên trong ký ức tôi ngày ấy.
|
SGTT.VN - Gỏi mít non xúc bánh tráng, một món ăn dân
dã, rất mộc mạc của làng quê Việt Nam, nhưng lại quá hấp dẫn với khẩu vị
của nhiều người. Còn nhớ chị em tôi lúc thiếu thời, nội tôi thường
xuyên làm món gỏi mít non không phải ăn với cơm mà là ăn thay bữa cơm
cho cả gia đình, thậm chí một tuần ăn tới hai lần gỏi nhưng vẫn thấy
ngon, không hề chán.
Ngày đó không như bây giờ, nghề nông hoàn toàn phụ
thuộc vào trời cho mưa thuận gió hoà, tuy lúc ấy cây lúa ít có tình
trạng sâu bệnh, nhưng chỉ cần đang trong thời vụ mà trời dứt mưa sớm,
đại hạn là coi như năm ấy mất mùa đói kém; một lon gạo cộng một rổ
khoai. Bà nội tôi hay lo xa, thấy trong nhà sáu miệng ăn mà chỉ thu
hoạch được vỏn vẹn ba phuy lúa, trong vườn nhà mít thì nhiều, nên nội cứ
thường xuyên “cải thiện” thay bữa ăn bằng gỏi mít. Mỗi lần làm gỏi hái
từ 2 – 3 trái, bởi những trái lớn thì dú chín đem ra chợ bán, còn những
trái eo đèo hay một cụm 5 – 7 trái phải chiết bớt những trái nhỏ cho
những trái kia mau lớn. Mỗi lần làm gỏi là một thau to đùng để ăn no
thay cơm, thêm mấy cái bánh tráng mè nướng giòn rụm, xúc với “gà xé
phay” – chị em tôi đặt gỏi mít non là vậy. Mỗi lần đang ăn mà có khách
đến, chị em tôi xấu hổ phải mang “thau gỏi mít” đi giấu chờ khách về mới
dám ăn tiếp!
Giờ đây, mấy chị tôi định cư ở nước ngoài đã lâu, bây
giờ về thăm quê hương không thèm ăn gì, chỉ thích ăn mỗi món gỏi mít xúc
bánh tráng. Các chị tâm sự: xa quê hương nhiều khi buồn lắm, nhớ nhà,
nhớ người thân, nhưng nhớ nhất vẫn là nội với món gỏi mít của bà ngày
xưa, mới nghĩ thôi đã thòm thèm.
Những sản vật về rau củ của làng quê để chế biến món ăn
thì không món nào qua khỏi gỏi mít non và đã trở thành đặc sản của vùng
quê, lan dần ra đến thành thị, các chợ lớn bây giờ cũng thường xuyên có
mít non bán. Menu của nhiều nhà hàng cũng có món gỏi mít, ngay cả trong
mâm cúng, giỗ chạp, mời khách… đều trân trọng món này. Và gỏi mít nếu
không có miếng bánh tráng xúc ăn kèm thì độ ngon coi như chưa trọn vẹn.
Gỏi mít rất dễ làm, chọn những trái có gai mịn đều,
không chọn trái già hạt sẽ cứng, cũng không non quá sẽ mất độ béo bùi.
Nhúng cả trái vào thau nước lạnh pha tí muối, dùng dao gọt vỏ luôn trong
nước, mít sẽ trắng và không bị mủ bám vào, gọt vỏ xong xẻ dọc từng
miếng dài khoảng 5cm, cắt bỏ cùi rửa sạch, đem luộc cho vừa chín tới,
vớt ra để ráo và thái thành từng sợi nhỏ theo thớ mít.
Ngày xưa kinh tế khó khăn nên nội tôi chỉ làm gỏi suông
với da heo, không có điều kiện để biến tấu thêm tôm thịt như bây giờ.
Nếu làm món gỏi mít chay thì đậu hũ chiên vàng thái sợi trộn vào.
Muốn gỏi mít ngon, tôm tươi, bỏ vỏ, ướp gia vị cho thấm
rồi xào chín; thịt ba chỉ luộc chín thái sợi. Cho dầu vào chảo phi thơm
hành tỏi nhắc xuống để nguội, cho mít non, tôm, thịt, nước mắm ngon,
đường, chanh vào chảo trộn đều với rau răm, rau thơm và rau húng lủi, ớt
quả xắt sợi, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Rắc thêm tiêu, đậu phụng rang
vàng giã dập. Chớ quên bánh tráng nướng xúc gỏi. Bao hương vị
thơm-mặn-ngọt-béo-bùi tràn ngập trong miệng.
bài và ảnh: Mỹ Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét