Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Long Tuyền cổ miếu









Tòa Tiền đình ở giữa, bên trái là miếu Ông Hổ, bên phải là tòa nhà Lục Ấp.

(TBKTSG Online) - Từ thành phố Cần Thơ theo hướng quốc lộ 91 đi An Giang khoảng 5km, vừa qua cầu Bình Thủy, về phiá bên phải, du khách sẽ thấy một ngôi đình trang nghiêm, cổ kính nhưng không kém phần lộng lẫy; đó chính là đình Bình Thuỷ - tên cũ là Long Tuyền cổ miếu - một hạng mục trong quần thể di tích của làng cổ Long Tuyền, cùng với chùa Hội Linh, Nam Nhã đường, chùa Long Quang, lăng mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa...

Năm Giáp Thìn (1844) làng Long Tuyền bị bão lụt gây thiệt hại nặng nề, nhà cửa ruộng vườn tan nát, dân làng phải bỏ đi xứ khác một thời gian kiếm sống qua ngày. Sau đó, khi trở về làng họ lập một ngôi đình bằng tre gỗ, lợp lá tại vàm rạch Bình Thủy, cầu mong thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hoà để giúp bà con luôn được an lành. Sau khi có sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1852 (Nhâm Tý), dân địa phương đã cùng nhau cất lại đình làng. Lần này lợp ngói phía trước đình để xây thêm một nhà võ ca.
Công và tường rào trước đình Bình Thủy.
Đến năm 1904, quan tri phủ Nguyễn Đức Nhuận thấy đình sắp sập, đề nghị cất lại đình trên sở đất của làng rộng 2,9 hecta tại Vàm Ngã Tư Bé, ông La Xuân Thanh giúp đỡ tiền và chỉ huy xây dựng; chẳng may quan tri phủ qua đời, công việc bị đình trệ.
Năm 1909 ông hương cả Nguyễn Doãn Cung cùng ông điền chủ Dương Lập Cang góp sức xây dựng lại ngôi đình tại chỗ cũ (vàm Bình Thủy) theo thiết kế của ông Huỳnh Trung Trinh. Khởi công từ ngày 12 tháng 7 năm 1909 đến 1910 thì hoàn thành.
Ngôi đình này không có tam quan mà trổ hai cổng nhỏ vào sân, nằm giữa sân (bên trong tường rào) là một bình phong lớn, mặt ngoài đắp nổi hình rồng, mặt trong đắp nổi hình kỳ lân. Hai bên sân đình có hai ngôi miếu; bên phải là miếu Đông Lang thờ thuỷ binh hay là Phóng Thuỷ Thần; bên trái là miếu Tây Lang thờ bộ binh hay Thần Khai Lộ.
Qua một sân nhỏ trồng cây kiểng, du khách nhìn thấy một bia Di tích Lịch sử Văn hóa do Bảo Tàng Cần Thơ dựng ở sân đình. Ngày 5 tháng 9 năm 1989, Bộ Văn hóa-Thông tin - nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đã ra quyết định công nhận đình Bình Thủy là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia.
Gian giữa của chính điện đình Bình Thủy.
Nhìn tổng quan, đình được chia làm hai khu là khu đình chính to lớn ngay giữa và phiá bên phải là khu Lục Ấp. Từ "lục ấp" là cách gọi của người xưa. Vì trước kia, đây là đất “lục ấp’’ nghĩa là 6 thôn rồi sau đó trở thành làng Bình Hưng năm 1844 đời Thiệu Trị thứ 13. Sáu ấp đó là ấp Bình Dương, Bình Yên, Bình Lạc, Bình Nhựt, Bình Phó, Bình Thường.
Mỗi ấp lo việc phụng cúng một phần thờ trong đình như bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền, bàn thờ các quan cựu thần, bàn thờ các vị có công với cuộc đất… Ấp ai nấy cúng. Mỗi ấp cử người cúng đình. Mỗi khi cúng đình, mỗi ấp lo tiếp đãi ăn uống người của ấp mình đến dự lễ. Đình lo tiếp quan khách, các đình, chùa trong vùng… đến dự lễ.
Khu đình chính rộng 14,5m, dài 35,8m. Nhà ngoài cùng gọi là tiền đình, kế đến là nhà cầu nối tiếp với chính điện. Hai nhà tiền đình và chính điện đều có mặt bằng nền hình vuông, chiều nào cũng có sáu hàng cột để đỡ vì kèo. Tổng số cột trong đình là 84 cây. Hàng cột hiên ngoài cùng có dáng xiên ngả vào trong như hình chữ bát dùng để chống chọi. Bốn cột chính điện được chạm khắc hoa mẫu đơn hoặc hải đường quấn chung quanh cột. Hai cột chính trong cùng của gian chính điện chạm nổi hình rồng có đao mác dữ tợn quấn quanh cột. Bức cửa võng cũng được chạm trổ tinh vi với các hình rồng, phượng và hoa cúc. Cấu trúc theo kiểu hoành phi, liễn đối.
Toàn bộ cấu trúc khung đỡ vì kèo và mái đình Bình Thủy có tới 84 cây cột gỗ.
Phía trước gian thờ chính có tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Nếu ở chùa người ta còn gọi là ông Thiện ông Ác.
Nhà tiền đình có hai mái chồng lên nhau, còn chính điện có tới ba tầng mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc "thượng lầu hạ hiên".
Kèo ở chính điện có các con đấu kê nâng cho từng mái cao hơn thành ra ba tầng bốn mái và tòa tiền đình thì thấp hơn còn hai tầng bốn mái. Trên mái nhà tiền đình, ở giữa có gắn bộ tượng “lưỡng long tranh châu” hai bên có gắn hai tượng thần là "Thái Dương Thiên Trì" (tức là thần Mặt Trời) và "Thái Âm Hoàng Hậu" (thần Mặt Trăng).
Khu Lục Ấp rộng 15,5m, dài 38m, gồm một nhà hát và nhà để dân sáu ấp chuẩn bị cỗ bàn. Bên hông đình còn có hai miếu lớn thờ Thần Nông và Miếu Sơn quân (miếu Ông Hổ).
Trên nóc đình, có gắn tượng hình người, hình kỳ lân, hình cá hóa rồng. Nhìn sang bên trái nóc đình có mảng trang trí bằng xi măng giữa là quyển thư tựa như cuốn thư đình bên cạnh là giỏ lam đào và bình hoa, ở bìa mái ngói dưới cùng có ốp lá xoài màu xanh đen và ống ngói cũng được bịt lại bằng sành tráng men xanh. Mặt trước nhà là các cột xi măng trang trí các hình hoa lá đắp nổi khá tỉ mỉ, cầu kỳ.
Nhang luôn được xếp sẵn trên bàn dành cho khách hành hương chiêm bái.
Hằng năm, đình tổ chức cúng hai lần là lễ Thượng Điền suốt ba ngày 12, 13 và 14 tháng Tư âm lịch và lễ Hạ Điền vào hai ngày 14, 15 tháng Chạp, có học trò lễ, nhạc lễ... rất trang nghiêm. Lễ cúng gồm đủ bộ: chánh bái, bồi bái, đông hiến, tây hiến và bộ lễ nhạc.
Đặc biệt nhất là có tục lễ đưa sắc thần đi du ngoạn vào lúc 2 giờ sáng của ngày thứ nhất lễ Kỳ Yên Thượng Điền. Sắc thần sẽ được cung thỉnh lên xe có lọng che và rước đi theo tuyến Bình Thuỷ - Long Tuyền để nhân dân trong vùng chiêm bái. Đoàn đi gồm vài chục xe ô tô và xe mô tô của người dân trong vùng cùng tham gia. Sắc thần trở về an vị vào lúc 5 giờ sáng cùng ngày. Ngoài ra các đêm trong thời gian lễ cúng đình còn tổ chức hát tuồng cổ để phục vụ bà con đến cúng đình thưởng thức.
Thượng Điền và Hạ Điền được tổ chức hàng năm là dịp để ghi nhớ công ơn các bậc “tiền hiền khai khẩn, hậu điền khai cơ” và cũng là dịp để nhắc nhở con cháu trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước sao cho xứng đáng với công khai phá mở mang bờ cõi của cha ông.
 Bài: Lâm Văn Sơn - Ảnh: Kim Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét