Con gái lo sinh nhật
Cách trung tâm thị trấn huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) chưa đầy 10km, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Nùng (ở xóm Bãi Lời, xã Tam Dị, huyện Lục Nam) chiếm đa số. Con đường đất đỏ dẫn vào xóm Bãi Lời, vào những hôm trời nắng thì bụi mù, còn trời mưa lầy lội, trơn trượt. Người dân chủ yếu sống nhờ cây lúa, cây vải và nuôi thêm con lợn, con gà.
Đời sống kinh tế thiếu thốn, khó khăn, nhưng truyền thống văn hóa vẫn được người dân nơi đây giữ gìn, bảo tồn, trong đó có những truyền thống, phong tục rất lạ và độc đáo. Trong sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày từ cụ già đến trẻ nhỏ mới bập bẹ biết nói vẫn dùng tiếng của dân tộc mình và chỉ khi nào có người lạ đến mới nói tiếng kinh.
Trong văn hóa truyền thống của người Việt, việc cúng ông bà tổ tiên sau khi mất đã trở thành một nét văn hóa đẹp, sự tri ân đối với công ơn của người đã khuất. Tuy nhiên, ở thôn Bãi Lời lại có phong tục độc đáo là không cúng giỗ ông bà, tổ tiên.
Ông Hứa Viết Trung (60 tuổi), người dân tộc Nùng cho biết: "Dân tộc tôi có phong tục không cúng người đã khuất mà chỉ "cúng" người sống. Không giống như các dân tộc thiểu số khác, người Nùng có tục không cúng giỗ những người đã qua đời. Chúng tôi tin rằng, người đã chết không thể ăn và thưởng thức nên việc cúng gà, lợn, trâu, bò sẽ không còn cần thiết và ý nghĩa. Thay vì nhớ ngày để cúng giỗ bố mẹ, ông bà tổ tiên sau khi họ mất đi, con cháu sẽ phải nhớ ngày sinh của bố mẹ để tổ chức sinh nhật.
Khi bố hoặc mẹ bước sang tuổi 61 các con kể cả trai và gái sẽ phải có tránh nhiệm tổ chức sinh nhật cho bố mẹ, trong đó con gái đã đi lấy chồng sẽ có trách nhiệm chính lo về tài chính. Các con sẽ bàn bạc trước với bố mẹ làm bao nhiêu mâm, thịt bao con lợn, gà, trâu mời họ hàng, làng xóm đến ăn chúc mừng. Ít nhất các con sẽ phải tổ chức cho cả bố và mẹ mỗi người ba lần, có thể liên tiếp trong ba năm liền, cũng có thể ngắt quãng tùy vào điều kiện kinh tế và sự thống nhất của các con. Gia đình nào có bao nhiêu con gái đã lập gia đình sẽ lần lượt phân chia tổ chức sinh nhật cho bố mẹ. Trong trường hợp không có con gái hoặc ít thì mới đến lượt con trai làm việc này".
Bà Dương Thị Biên cho biết: "Nếu gia đình nào bố mẹ chưa được các con tổ chức sinh nhật hay mới tổ chức được 1, 2 lần đã mất, điều này được xem là gia đình đó phúc mỏng và không hạnh phúc, yên ấm. Bởi vậy, khi có bố hoặc mẹ bước sang tuổi 61, các con sẽ cố gắng lần lượt tổ chức sinh nhật lần đầu cho bố mẹ.
Hiếm có dân tộc nào phân chia trách nhiệm giữa con trai và con gái rõ ràng như dân tộc Nùng trong việc hiếu nghĩa với bậc sinh thành cả khi sống và khi về với tiên tổ. Nếu con gái có trách nhiệm lo tổ chức sinh nhật cho bố mẹ khi còn sống thì con trai phải đảm nhận chuyện ma chay khi bố mẹ trăm tuổi.
Đám tang ở dân tộc Nùng cũng vô cùng đặc biệt, khi bố hoặc mẹ chuẩn bị qua đời sẽ được con cháu tắm rửa sạch sẽ bằng nước lá thơm hái tận trong rừng sâu. Đến khi qua đời, gia đình sẽ mời thầy cúng đến liệm và con gái sẽ dùng một tấm vải trắng và múc một thau nước giếng lau người và rửa mặt cho bố mẹ lần cuối trước khi thay bộ quần áo mới. Sau đó thầy cúng sẽ xem ngày nào tốt mới hạ huyệt viết chữ trên nhiều mảnh giấy hình chữ nhật treo lên cây nêu. Con cái sẽ phải mang cây nêu đó ra bờ sông cắm với ý nghĩa người chết sẽ ngậm cười nơi chín suối.
Việc định ngày nào chôn cất cũng rất quan trọng đối với người dân xóm Bãi Lời. Họ tin vào thầy mo, thầy cúng tuyệt đối, bởi theo họ, nếu chôn vào những ngày phạm sẽ kéo theo những hậu quả không thể lường được.
"Thầy cúng xem hôm nào người chết được đưa đi để không bị phạm và sát, gia đình và họ hàng tuyệt đối không được tự tiện quyết định. Có người một tuần, thậm chí 10 ngày mới được đưa đi, nhưng có người chỉ hôm trước hôm sau. Riêng các thầy cúng khi chết để ít nhất 4 ngày. Bởi thầy cúng có một "sức mạnh và quyền năng" hơn người, có đệ tử theo học và trong lễ tang có một số nghi lễ đặc biệt mà người thường không có", ông Hứa Viết Trung nói.
Cũng theo ông Trung, đối với những đám tang kéo dài một tuần, 10 ngày, gia đình sẽ phải tìm loại đất sét thịt, nhào thật nhuyễn rồi miết vào các khe kẽ của quan tài sao cho thật kín. Họ cũng trải một lớp chè mạn khô khoảng 10kg bên trong quan tài. Làm như vậy có thể để người chết ở nhà nhiều ngày mà không sợ mùi.
Trước khoảng 30 phút đưa người chết đi, con gái cả sẽ mang một cái rổ rách đựng tiền lẻ, một bát cơm cúng, con gà con mới nở hoặc được một hai tháng đã vặt trụi lông và luộc chín (một số dân tộc khác là bát cơm và quả trứng, còn dân tộc Nùng là con gà con) đi trước. Con gái cả vừa đi vừa rắc hết tiền lẻ trong rổ đến huyệt của bố mẹ, đặt bát cơm đôi đũa, con gà rồi quay về đón đám tang, nhưng tuyệt đối không được về đường cũ mà phải đi đường khác. Mọi kinh phí mai táng của bố mẹ đều do con trai đóng góp, con gái chỉ góp con gà hay con lợn chứ không phải đóng tiền.
Các hủ tục cần loại bỏ
Ông Trương Văn Tân, trưởng thôn Bãi Lời cho biết: "Bãi Lời là một thôn vùng cao, người dân chủ yếu là dân tộc thiểu số. Từ xa xưa người dân vẫn còn giữ những nét văn hóa riêng của dân tộc mình như tục không cúng giỗ người đã mất mà tổ chức sinh nhật cho bố mẹ để tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với ông bà tổ tiên.
Ở Bãi Lời vẫn còn nhiều lễ tết, một năm có rất nhiều ngày lễ tết như ngày mùng 3/3, 5/5, 15/7, 10/10, tết nguyên đán đều tổ chức rất to và tốn kém. Bên cạnh đó còn có một số hủ tục cần loại bỏ như mê tín, nhờ thầy cúng ma về xem ngày nào mới được chôn. Ít ngày đem chôn thì không sao nhưng nhiều ngày thì sẽ mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và tốn kém. Chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền để người dân dần dần bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới".
Theo Đời sống & pháp luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét