Bún mì vàng với bánh tôm - Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5
Gọi là bún mì vàng bởi có bún trắng sợi nhỏ và mì cọng to tròn. Sợi mì
vàng của quán rất giống với sợi mì của quán hủ tiếu mì cật nổi tiếng
Trương Định, quận 1. Còn sợi bún trắng lại gần gũi với cọng bún gạo "bee hoon" (mà ta quen gọi là "bún gạo Singapore").
Chỉ chạy xe ngang thôi là thực khách đã bị ấn tượng bởi xe mì hiện đại,
trưng bày các món bánh tôm, khay mì vàng ruộm, hoành thánh chiên... rất
bắt mắt.
Kêu một tô bún mì vàng hoặc bún mì vàng thập cẩm (có thêm cật, gan) là
có thể ngắm trọn vẻ đẹp hiếm thấy của tô mì: một cái bánh to với con tôm
đỏ au, một miếng hoành thánh chiên, rau xà lách xoong loại nhỏ, vài
cọng giá hẹ... và tất nhiên là không thể thiếu được cọng mì vàng, cọng
bún trắng.
Món thịt nạc ở tô mì ăn rất mềm mại, không hiểu quán có bí quyết gì mà
miếng thịt ăn ngọt, không bị khô xác như ở nhiều quán. Món thịt bằm có
lượng mỡ vừa phải nên ăn mềm. Nước dùng của tô mì trong và ngọt, điểm
chút tóp mỡ và tỏi phi làm dậy mùi thơm. Cắn một miếng bánh tôm giòn rụm
trước rồi ăn mì, húp thêm chút nước lèo, mới thấy hậu vị thật hoàn hảo.
Món hoành thánh chiên giống như các quán khác nhưng phần bánh tôm thì
chất lượng hơn hẳn.
Giá bán từ 32000 – 35000/tô
Cà ri Ấn - khu chung cư Sư Vạn Hạnh, Quận 5
Được nấu bởi người chủ tài hoa gốc Chăm ở An Giang, món cà ri dê ở Musa đi theo phong cách Ấn Độ. Miếng dê nhiều thịt, ít mỡ được tẩm ướp cùng nhiều hương liệu và gia vị đặc trưng của người Ấn.
Để cho phù hợp phù hợp với khẩu vị người Sài Gòn, lượng sữa và nước dừa
cũng được gia tăng một chút. Điều này cũng khiến cho miếng thịt dê mềm
và thơm hơn, độ cay vừa hơn mà lại đậm đà nữa.
Chưa từng đến Ấn Độ nhưng đã nhiều lần ăn cà ri khu Tiểu Ấn (Little India) ở Singapore, có thể thấy nguyên bản của cà ri dê hơi mặn và hậu vị không được đậm đà như ở đây. Xem ra cách thức "địa phương hóa" theo khẩu vị Sài Gòn này khá thành công.
Người Ấn nếu có sang đây chắc cũng ngạc nhiên đôi
phần, bởi món ăn quốc hồn quốc túy của họ nay lại có thêm món ăn kèm khá
thú vị là bánh mì. Tất nhiên để cho "đúng bài", bạn có thể gọi
thêm cơm nị để ăn kèm với cà ri dê. Loại cơm nấu chung với nước dừa này
thoạt nhìn có màu đỏ như xôi gấc, ăn vào thì đậm đà và rất hợp vị với
cà ri dê.
Giá từ 30000 - 150000
Gà không lối thoát - phố Bờ Sông Quan Hoa
Không chỉ độc đáo bởi cái tên, món này thoạt nhìn thôi đã thấy “sướng mắt”. Con gà bị “giam cầm” trong một bọc xôi chiên khá bự, vàng rộm hấp dẫn. Để thưởng thức, tất nhiên bạn sẽ phải phá vỡ “bức tường xôi” kín bưng kia.
Bọc xôi khi xẻ ra để lộ nguyên một con gà tỏa khói thơm phức. Đó là mùi
thơm của thịt gà non quyện với hương xôi nếp nương. Gà chỉ chừng 1,2 –
1,4kg là nhiều nhưng lớp thịt dày, trông mềm béo, vẫn còn ươn ướt vì
được ấp ủ lâu trong bọc xôi.
Bánh xôi chim cũng là món tủ của Ngự Miêu Quán, đây cũng là món khoái
khẩu cho người nghiện đồ nếp. Bánh xôi chim hình tròn, dày để đầy một
chiếc đĩa vừa vừa. Đây cũng là loại xôi chiên giòn bên ngoài, bên trong
dẻo thơm kèm nhân thịt chim băm nhuyễn ở giữa. Bánh xôi chim chấm với
muối vừng bùi bùi càng tăng thêm độ đậm đà.
Giá 380000/con gà, 120000/đĩa xôi
Nem tai bà Hồng – Phố Hàng Thùng
Tại Hà Nội, nếu nhắc đến nem thính thì đầu tiên phải nói đến món nem
tai nổi tiếng của người Hà Thành. Nem tai là một món cuốn đơn giản,
nhưng lại khá được ưa chuộng, vừa giòn giòn với tai lợn, vừa thơm bùi
lại đậm đà vị thính, vừa tươi mát nhờ các loại rau và vị ngòn ngọt, cay
cay từ nước chấm.
Nem tai được làm từ tai lợn đã được làm sạch, hấp chín sau đó thái
mỏng, trộn cùng thính, ăn chung với bánh tráng, lá sung, sung muối, rau
sống, chấm với nước mắm ngọt, cay cay. Nếu nói về bí quyết thì để có món
nem tai “chuẩn” cần cả 3 yếu tố: tai lợn ngon được hấp vừa tới, thính
(gạo rang) phải thơm, nước chấm phải vừa miệng, đủ vị.
Gía từ 15000
Thức uống đến từ San Francisco FAT CUP - 112 Tôn Thất Tùng, P.Bến Thành, Q.1
Ý tưởng ra đời FatCup được xuất phát từ San Francisco – thành phố có nền văn hóa hòa nhập giữa Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ
- nơi bạn có thể tìm thấy những thức uống ngon và lạ từ nhiều quốc gia
khác nhau. Quán có tất cả những món nước yêu thích từ Trà sữa trân châu
phổ biến ở Châu Á, món đá xay xuất phát từ Châu Âu như: Frappucino, Cookie & Cream, Matcha Nhật Bản với bánh Oreo hay bất kì hương vị trái cây tự chọn nào.
Đặc biệt ở quán là những ly Fatcup 1, 2, 3 béo ngậy với sữa caramel,
sữa matcha hay sữa sôcôla được đựng trong ly cỡ mập (Fat size), được
thêm trân châu, bánh plan trứng, thạch Trà xanh hoặc thạch cà phê dai
dai, thơm thơm rất vui miệng.
Điều đặc biệt ở quán chính là bạn có thể chọn các nguyên liệu ngẫu hứng
và gửi cho batrista pha chế theo ý thích vì đặc trưng của quán là những
cup có kích thước siêu lớn – Fatsize.
Giá từ 25000 - 40000
Canh bún đường ray xe lửa Lê Văn Sỹ - Lê Văn Sỹ Q.Phú Nhuận
Tô canh bún ở đây hấp dẫn bởi nước dùng ngọt và thơm nức vị cua, miếng
chả lụa thanh thanh, thơm mùi rau rút và lá hẹ, đặc biệt là rau muống và
rau nhút thả vào tô bún rất hợp vị.
30 năm trước, bà Mến, quê gốc ở Hà Nam Ninh (cũ) đã bán món canh bún có
âm hưởng rất Bắc này. Nước lèo của món canh bún hoàn toàn nấu từ cua
chứ không có nước xương heo pha vào, do vậy vị bún rất thanh và hợp với
những ai không thích cho xương hay thịt heo vào canh bún.
Nét Bắc thứ hai là món rau nhút thả vào canh cua. Đến mùa rau nhút,
người Bắc thường luộc chung rau muống với rau nhút (người Bắc hay gọi là
rau rút) để có đĩa rau luộc thơm ngon khác lạ, đồng thời vị ngọt của
hai loại rau này rất thanh mát. Rau nhút và rau muống khi thấm đẫm nước
cua thì còn gì ngon bằng!
Với người Sài Gòn mỗi khi phải rời xa thành phố, thì canh bún là một
trong những món nhớ nhung âm ỉ nhất. Có người khi trở về, việc đầu tiên
phải đi ăn một tô canh bún cho đã thèm, thấm đẫm vị mắm tôm và ớt bằm
cay xè mới đã... Và có khi là những niềm nhớ đọng lại bên con đường nhỏ,
của tiếng xe lửa rầm rì băng ngang qua mà không nơi nào có được.
Cá bớp nướng lá gừng – Sương Nguyệt Ánh, Quận 1
Nếu bạn là tín đồ của món nướng thì không thể bỏ qua món cá bớp nướng
lá gừng độc đáo chấm với muối tiêu xanh thoảng hương lá dứa chỉ có tại
nhà hàng Tấm Tắc trên đường Sương Nguyệt Ánh (quận 01).Hòa quyện cùng
mùi cá thơm ngọt, thấm gia vị gia truyền độc đáo của bà chủ nhà hàng là
mùi thơm nồng nồng của lá gừng. Sự kết hợp lạ lẫm này khiến món món cá
bớp nướng càng trở nên sinh động, bắt mắt hơn.
Độc đáo hơn và gây bất ngờ hơn là chén nước chấm ăn cùng món cá bớp
nướng lá gừng. Không phải nước mắm cũng không phải nước sốt mà là muối
tiêu xanh mướt vừa nhìn thôi đã thấy mát mắt. Màu xanh đẹp mắt đó là nhờ
lá dứa xay nhuyễn trộn lẫn trong muối tiêu xanh. Tạo nên chén nước chấm
vừa thơm vừa ăn ý với miếng cá bớp nướng khéo vàng ươm.
Bún thang – Cầu Gỗ, Hà Nội
Từ xưa đến nay, phở là món ăn đặc trưng mỗi khi nhắc đến ẩm thực của
người Hà Nội. Tuy vậy, với những người sành về ẩm thực Hà thành sẽ là
thiếu sót nếu bỏ qua món bún thang.
Bún thang tuy đơn giản nhưng lại rất kỳ công. Nó đòi hỏi người chế biến
phải tỉ mỉ, cẩn thận và công phu, người ăn phải biết cách thưởng thức,
biết cách ăn như thế nào cho ngon, cho đẹp. Nguyên liệu chính làm nên
bát bún thang bao gồm: trứng gà tráng mỏng, lườn gà xé, giò lụa thái sợi
rải đều trên nền bún trắng. Bún được dùng phải là loại bún mềm sợi nhỏ,
khi cho ra bát không được chần lâu. Bát bún thang hấp dẫn bởi màu vàng
của trứng tráng mỏng thái chỉ tơ, phớt hồng của giò lụa, màu trắng của
thịt lườn và màu vàng của da gà.
Ngoài ra còn có củ cải khô, nấm hương, hành hoa và rau răm thái nhỏ.
Nuớc dùng phải là loại nước trong, ninh từ xương gà và tôm he, nóng chan
vừa bát. Các gia vị ăn kèm bún thang như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu... và
đặc biệt không thể thiếu đi được chút mắm tôm.
Bún cá - Gần bốt Hàng Đậu
Cá được chọn rất kỹ lưỡng, phải là cá tươi ngon, thường là cá trắm hoặc
trôi. Cá lọc xương thái to bản, tẩm ướp gia vị rồi cho vào chảo dầu rán
vàng xém cạnh. Sáng sớm hay chiều mưa ngồi xem bác chủ hàng rán hay tự
tay đảo chảo cá giúp, khách sẽ thấy rất thú vị. Vì đông khách nên một
ngày phải rán rất nhiều mẻ vì cá mà để nguội thì sẽ bị khô và dai, nên
rán nhiều mẻ thì sẽ giữ được mùi thơm và độ giòn vừa phải.
Khi ăn bạn sẽ thấy không chỉ có cá rán mà còn có cả cá nấu. Nước cá
chan rất ngọt có cà chua đỏ, xanh xanh dọc mùng mềm và rau muống, thoáng
mùi thơm của cọng hành và thì là thái nhỏ. Người ăn chỉ cần cho thêm
hạt tiêu và ớt vào là thưởng thức.
Chè khúc bạch Đỗ Ngọc – 666 Sư Vạn Hạnh P.12, Q.10
Chè khúc bạch được biết đến với cách làm truyền thống hoặc biến thể
thêm như trà xanh hay cacao. Tuy nhiên, với chè khúc bạch Đỗ Ngọc, các
loại chè lại được biến hoá vô cùng đa dạng với nhiều mùi vị thơm ngon,
màu sắc đẹp mắt khác nhau. Sử dụng hoàn toàn nguyên liệu nhập khẩu có
nguồn gốc rõ ràng, ngoài ra, chè nấu bằng đường phèn nên có vị ngọt
thanh mát, tốt cho sức khỏe, đặc biệt, sữa dùng để nấu chè là sữa có
nguồn gốc thực vật sẽ giúp cho các bạn nữ giữ vóc dáng thanh mảnh, tự
tin thỏa thích ăn món chè khúc bạch yêu thích mà ko sợ lên cân.
Chè khúc bạch Đỗ Ngọc hiện có các mùi mới như Halloween với phần khúc
bạch 4 lớp: truyền thống, nho, dứa và raspery dùng cùng nước dưa hấu.
Hấp dẫn không kém là Khúc bạchThái thơm dịu hương vị trà sữa Thái đang
gây sốt trong giới trẻ. Ngoài ra Khúc bạch Đỗ Ngọc cũng đánh thức vị
giác với khúc bạch vị dừa và nước đậu xanh.
Bên cạnh đó, quán còn có các món chiên độc đáo mà không gây ngán như Hải sản tôm viên, Chả cá trứng cá hồi, Tôm cuộn khoai tây…
Bích Ngân (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét