Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Cửa biển VÀM LŨNG: đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh trên biển

Rừng phòng hộ biển Đông dọc theo cửa biển Vàm Lũng

 
Phác thảo tượng đài Vàm Lũng - di tích đường mòn Hồ Chí Minh trên biển của nhà điêu khắc Lý Thanh Phong.  
   Cửa biển Vàm Lũng thuộc ấp Dinh Hạng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển - cách cửa biển Rạch Gốc 18km về hướng đông-bắc. Cửa biển Vàm Lũng rộng trên 100m, có độ sâu từ 3-4m, thuận tiện cho tàu có trọng tải từ 30-40 tấn ra vào. Ngoài ra, nơi đây còn có cánh rừng phòng hộ ven biển dày đặc, trong rừng lại có nhiều kinh rạch chằng chịt ăn thông ra các con sông lớn, đồng thời còn là vùng căn cứ địa cách mạng.
   Trước khí thế nhân dân cả nước sôi sục đánh giặc Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung ương Đảng chủ trương các tỉnh ven biển miền Nam tổ chức các đội tàu ra Bắc để tiếp nhận vũ khí về phục vụ cho cuộc kháng chiến. Từ đó, đường mòn Hồ Chí Minh trên biển đã ra đời cùng với đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn và đã trở thành một hệ thống vận tải quân sự chi viện đắc lực cho miền Nam mà cửa biển Vàm Lũng tỉnh Cà Mau là bến cuối cùng ở miền Nam trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
 
Khi nước ròng nơi cửa biển Vàm Lũng. 
   Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Cà Mau lúc đó đã tổ chức mua sắm phương tiện, chọn bến bãi, điều nghiên quy luật hoạt động của địch và phân công các đồng chí Bông Văn Dĩa, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Thanh Trầm… vượt biển ra miền Bắc để báo cáo tình hình và chở vũ khí về Nam.
   Ngày 16-10-1962, chuyến tàu đầu tiên mang tên Phương Đông I do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chở theo 35 tấn vũ khí từ miền Bắc về cập bến Vàm Lũng an toàn đã khai thông con đường vận tải chiến lược trên biển Đông - đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Và cũng từ đây một nét mới, độc đáo, sáng tạo đã được ghi vào lịch sử chiến tranh thần thánh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.
 
Cửa biển Vàm Lũng nhìn ra biển. 
   Từ năm 1962-1972, tại cửa biển Vàm Lũng đã có 77 chuyến tàu cập bến an toàn, tiếp nhận gần 3.000 tấn vũ khí cho chiến trường miền Nam chiến đấu. Cũng tại cửa biển Vàm Lũng này đã diễn ra nhiều trận chiến đấu anh dũng để bảo vệ tàu, bảo vệ vũ khí của tàu 42, tàu 69, tàu 100, tàu 187, tàu 654… thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân và đoàn 962 của Quân khu 9… nói lên tính chất quyết liệt, đầy khó khăn nguy hiểm của công tác vận chuyển vũ khí bằng đường biển, qua đó khẳng định sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Cảnh sinh hoạt của cư dân tại cửa biển Vàm Lũng. 
   Nhà điêu khắc Lý Thanh Phong đã phác thảo thành công tượng đài Vàm Lũng - di tích đường mòn Hồ Chí Minh trên biển cao 10,62m - tượng trưng cho chuyến tàu đầu tiên cập bến an toàn vào tháng 10-1962, đã được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt và sẽ được khởi công xây dựng trong một ngày không xa tại cửa biển Vàm Lũng để ghi nhớ sự kiện này, để tôn vinh công lao của các cán bộ, chiến sĩ một thời vào sinh ra tử trên biển Đông góp phần giải phóng quê hương, đồng thời qua đó để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau
PHƯƠNG THẢO 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét