Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Du lịch 'mạo hiểm' ở núi Tà Cú

Càng xuống sâu, hang càng tối, các tay mạo hiểm bắt đầu cảm thấy khó thở, kỳ lạ là,chiếc đèn cầy trên tay vẫn cháy, ánh sáng vàng vọt khiến lòng hang càng bí ẩn, khó đoán.
Khu du lịch Núi Tà Cú nằm sát quốc lộ 1A, ở thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), cách TP Phan Thiết 30km. Đây là một hòn núi có phong cảnh khá đẹp, cây cối xanh um, hoa rừng nở đỏ cả góc trời, trọng tâm của khu du lịch là đỉnh núi Tà Cú.

Du lịch 'mạo hiểm' ở núi Tà Cú

Có hai phương án để lên núi. Một là men theo hơn 1000 bậc thang, tốn gần 1 ngày đường để lên núi. Phương án này thường được các tay thích mạo hiểm, có sức khỏe tốt, có kế hoạch ngủ lại trên núi thực hiện.
Phương án thứ hai chỉ 15 phút đã có mặt trên đỉnh là vừa nhanh, vừa tiện là cáp treo. Ngồi trên cáp treo, ngoài việc không phải tiêu tốn bất kỳ giọt mồ hôi nào, du khách còn được tận hưởng cảm giác lướt trên những ngọn cây cổ thụ xanh um, cây dong nở hoa đỏ rực. Đâu đó trong không trung, hương hoa thoang thoảng, tiếng chim hót, gió biển thổi nhẹ càng dễ chịu.

Du lịch 'mạo hiểm' ở núi Tà Cú

Rời cáp, rảo bước thêm khoảng 100 bậc thang, một vùng biển xanh bao la, trải dài như nối vào đường chân trời, ngọn hải đăng Kê Gà bao năm trầm mặc, những mái nhà thấp thoáng, những con đường uốn cong hiện ra trước mắt du khách…Tiến sâu hơn vào đỉnh núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng loạt các bức tượng phật, ấn tượng nhất là bức tượng phật nằm dài 49m, cao 11m. Người thành tâm khấn vái, người tinh nghịch tạo dáng chụp ảnh. Tiếng cười đùa, tiếng rì rầm phá tan không gian tĩnh mịch.

Du lịch 'mạo hiểm' ở núi Tà Cú
Du lịch 'mạo hiểm' ở núi Tà Cú
Du lịch 'mạo hiểm' ở núi Tà Cú

Rời bức tượng phật, du khách tiến về phía đông của đỉnh núi, đến một hang núi sâu thẳm chứa đựng biết bao điều bí ẩn với bao huyền thoại về người khai sáng đã tịnh độ ở đây, hang Tổ. Hang tổ được kết cấu bởi khá nhiều khối đá, và dẫn sâu xuống dưới khoảng 100m, ăn thông ra ngọn núi đằng sau. Hang khá tối, lòng hang hẹp, thấp, mỗi bậc đá dẫn xuống hang cao non 1m.
Muốn chinh phục hang, mỗi nhóm phải có ít nhất 2 người để thay phiên nhau cầm đèn cầy, đèn pin. Bóng tối, những tảng đá trơn trượt, cảm giác không biết khi đặt chân xuống bậc đá thấp hơn có chạm phải con vật nào đó khiến nhiều du khách bỏ cuộc, quay lại vạch xuất phát. Song cũng có nhiều du khách xem hang Tổ là một thách thức đáng để khám phá, trải nghiệm nên mạnh chân tiến tới.

Du lịch 'mạo hiểm' ở núi Tà Cú
Du lịch 'mạo hiểm' ở núi Tà Cú

Càng xuống sâu, không khí càng ít đi, vài người cảm thấy khó thở nhưng kỳ lạ là chiếc đèn cầy trên tay vẫn cháy sáng, ánh sáng vàng vọt khiến hang càng bí ẩn, khó đoán. Xuống đến cuối hang, một mạch nước ngầm chảy róc rách. Nước chảy qua nhiều rễ cây, rồi kết thành dòng, nên khi uống có cảm giác ngọt lịm, thơm nhẹ, uống vào thấy mát và sảng khoái vô cùng.
Hơn hai tiếng sau, mọi người đã xuất hiện ở cửa sau của hang, vài người bị trầy xước tay do đá, vài chiếc dép sứt quai, mệt mỏi nhưng tiếng cười, ánh mắt không giấu vẻ tự hào khi chia sẻ chai nước dưới hang cho bạn bè, người thân.

Du lịch 'mạo hiểm' ở núi Tà Cú
Khám phá hang Tổ.

Huỳnh Hằng
Theo Bưu điện Việt Nam
Thắng cảnh chùa núi Tà Cú
.
Chùa tọa lạc trên đỉnh nuú Tà Cú nên gọi là Chùa Nuí Tà Cú để phân biệt với một số chùa trên các núi khác ở Bình Thuận. Chùa Nuí xây dựng từ năm 1897 nhưng trước đó nhiều năm đã có chùa thờ Phật bằng mái tranh vách đất. Chùa thuộc địa phận xã Tân Lập huyện Hàm Thuận Nam cách Phan Thiết khoảng 30 km về hướng Đông Nam. 


Chùa Núi do nhà sư Trần Hữu Đức trụ trì, nơi xây dựng chùa do nhà Sư chọn hiện ở đỉnh cao 457m, ở đó quanh năm có cây xanh, suối chảy, chim vượn ở ngay cạnh chùa. Về sau có nhiều lý do khác nhau, chùa tách thành hai, chùa cũ vẫn ở chỗ cũ gọi là chùa trên với tên gọi là Linh Sơn Trường Thọ và chùa dưới có tên là Linh Sơn Long Đoàn, gọi chung là Chùa Núi.


Lúc còn sống, nhà sư còn là thầy thuốc giỏi, tương truyền “ vào năm Tự Đức thứ 33 Canh Thìn ( 1880) nhà sư đã cứu Hoàng Thái Hậu thoát khỏi bệnh hiểm nghèo bằng thuốc của mình. Vua Tự Đức đã ban sắc và đặt tên chùa là "Linh Sơn TRường Thọ” và nhà sư Trần Hữu Đức là “Đại lão Hoà thượng” cũng từ đó chùa có tên Linh Sơn Trường Thọ. Ngôi chùa dưới “Linh sơn Long đoàn” xây dựng vào cuối thế kỷ XIX theo ý nguyện của nhà sư trước lúc viên tịch.

Chùa Núi Tà Cú kết hợp, xen kẽ với núi rừng làm nên khu danh lam thắng cảnh từ xưa. Toàn thể cảnh chùa là 1 tổng thể kiến trúc bao gồm : Cổng tam quan, điện thờ, tượng Phật, tháp mộ, hang tổ... ẩn mình dưới rừng cây cổ thụ xanh tươi 4 mùa.

Từ dưới chân núi, leo lên hàng trăm bậc tam cấp theo những con đường ngoằn ngoèo giữa rừng già mới đến chùa. Ở đây không khí mát lạnh, trong lành, hơi nước toát ra từ núi đá với không khí lạnh, mát hấp dẫn trong mùa hè .

Danh lam thắng cảnh Chùa núi nổi tiếng cũng nhờ phong cảnh hùng vĩ, nên thơ của núi rừng . Mặt khác bàn tay con người quan nhiều thế hệ thay nhau bồi đắp nên những công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ có một không hai trong tỉnh và các tỉnh lân cận đó là pho tượng khổng lồ “Thích ca nhập niết bàn” nằm ở vị trí cao nhất cách chùa khoảng 100m. Bằng tài nghệ, kỹ thuật điêu khắc và lòng sùng kính, các nghệ nhân đã tạo nên pho tượng hiếm có trong lịch sử Phật Giáo Việt. Tác phẩm do kỹ sư Trương Định Ý chủ trì vào năm 1962.

Cách pho tượng Phật nằm chừng 50m là nhóm Tam Thế Phật : ADi Đà, Quan Âm Bồ tát, Đại Thế Chí. Cả 3 pho tượng có chiều cao khoảng 7m, với nét mặt hiền hoà đang nhìn bao quát thế gian như để sẵn sàng cứu nhân độ thế.

Vào các mùa trong năm lúc nào cũng có khách thập phương đến viếng Phật ngắm cảnh chùa và rừng núi, nhất là dịp Xuân sang Tết đến có hàng vạn người kéo đến chùa, rồng rắn nối nhau leo núi. Những năm gần đây năm nào cũng tổ chức hội thi leo núi thu hút thanh niên từ các tỉnh miền Đông tham gia. sắp tới nơi đây sẽ thực hiện dự án cáp treo để đưa du khách lên xuống tham quan chùa được thuận lợi hơn.

Chùa Núi cùng với những cánh rừng trong khu Bảo tồn thiên nhiên đã được Nhà nước xếp hạng thắng cảnh quốc gia năm 1993.
Theo Binhthuan.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét