Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Đêm ở Tả Phìn

EmailIn
quayquanSa Pa là một địa danh quen thuộc với nhiều du khách, nhưng xã Tả Phìn, dù chỉ cách Sa Pa hơn 10 km, lại là một cái tên còn khá xa lạ. Bản làng của cộng đồng người Dao Đỏ này mang những nét văn hóa, những phong tục tập quán và cả sự hồn nhiên rất riêng của Tả Phìn. 
Đến Tả Phìn…
Làm quen cô gái Dao Đỏ Lý Thị Quý chưa đầy năm phút ở Sa Pa, tôi buột miệng đùa một câu: “Cho tôi về bản với!” Cô trả lời ngay: “Chị đợi chút để em gọi điện hỏi ý chồng”. Thế là tôi đón xe ôm đi cùng Quý về Tả Phìn.
Ngồi xe ôm qua những con dốc cao hun hút, những thửa ruộng bậc thang, những mái nhà trên núi, nghe những cơn gió lạnh cắt vào da thịt… đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên về đoạn đường Sa Pa – Tả Phìn.

Không lúc nào ngưng tay lao động
Tả Phìn hấp dẫn ánh nhìn đầu tiên của du khách bằng hình ảnh những phụ nữ Dao đỏ ngồi quây quần bên nhau, trên tay mỗi người là những cuộn chỉ, tấm vải thêu sặc sỡ sắc màu. Không lúc nào thấy họ ngưng làm việc, ngay cả khi tiếp chuyện với du khách. Một điều thú vị là những phụ nữ nơi đây nói tiếng Anh rất giỏi, khiến tôi có cảm tưởng họ nói tiếng Anh còn giỏi hơn nói tiếng Kinh. Từ khi các đoàn khách du lịch biết đến Tả Phìn, đời sống của bản làng đã có nhiều thay đổi, người phụ nữ đã biết mặc đồ tây theo kiểu của người Kinh mỗi khi xuống phố. Những bộ váy áo sặc sỡ sắc màu với đường chỉ thêu tay chỉ được chưng diện vào dịp quan trọng. “Nếu mặc suốt sẽ rất tốn vì để hoàn thành một bộ có khi phải mất cả năm trời.” – Quý giải thích.

Bếp của phụ nữ Dao ở Tả Phìn

Điện thoại di động không còn là của hiếm nữa
Đám cưới của người Dao
Trong chuyến đi này, tôi may mắn được dự đám cưới của một cô gái trong bản. Nhìn những bộ váy áo lộng lẫy, thân áo cài đủ các loại hạt, những vòng bạc trên cổ các cô gái đầu quấn khăn đỏ… mới thấy họ chuẩn bị cho bộ trang phục dân tộc kì công thế nào. Đám cưới  cũng là dịp để các cô gái, chàng trai có cơ hội tìm bạn nên có người mặc đến… hai bộ váy áo chồng lên nhau!

Bữa cơm của người Dao
Đám cưới của người Dao Đỏ thường kéo dài hai ba ngày, có khi lâu hơn, tùy lượng khách. Trước đó nhà trai phải chuẩn bị rượu ngon, lợn béo trong cả năm trời. Món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cưới của người Dao Đỏ là thịt lợn muối. Khi đã định được ngày cưới, nhà trai  sẽ mổ lợn, lấy thịt lợn sống trộn muối mang chôn dưới đất hơn nửa năm hoặc lâu hơn là có thể dùng được. Nghe miêu tả có vẻ “ghê ghê” nhưng ăn thử, lại rất thơm, hương vị màu sắc rất đặc trưng, không lẫn vào đâu được. Khách mời sẽ tới chia vui trong nhiều ngày liên tục, người trong bản ngoài bản chỉ cần biết tin đều có thể tới mừng. Mâm cỗ cưới của người Dao Đỏ giờ còn có thêm nhiều món do ảnh hưởng của người Kinh như rau luộc, củ quả xào… mà trước đây không có. Tuy nhiên chủ đạo vẫn chỉ là thịt muối, rượu và măng rừng.


Nụ cười trẻ thơ ở Tả Phìn
Việc đón dâu cũng rất lạ. Trước hôn lễ một ngày, cô dâu được rước về từ chiều nhưng chưa được vào nhà chồng ngay mà phải ở một đêm trong lán dựng tạm, sát nhà chồng, đến 2h sáng hôm sau chú rể mới chính thức mở cửa đưa cô dâu vào nhà. Lúc đó, mâm cỗ cũng được dọn lên, mọi người cùng nhau vui vẻ chúc tụng cho tới sáng.
Ngủ lại một đêm ở Tả Phìn, nghe tiếng róc rách của dòng suối sát vách tôi nằm, tiếng cọt kẹt của cánh cửa khép hờ, tiếng gió lùa qua vách núi, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa xa xa…, tôi chợt cảm nhận được những điều mà bạn khó cảm nhận nơi phố thị.
Đoàn Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét