Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Giấc mơ bên sông Mã

TTCT - Chỉ cách Mai Châu (tỉnh Hòa Bình, một trung tâm du lịch luôn nhộn nhịp) 60km, vậy mà Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) vẫn thật lặng lẽ dù là một vùng đất đầy tiềm năng để phát triển công nghiệp không khói.
Chiếc guồng nước ở Quan Sơn, Thanh Hóa - Ảnh: Hà Đồng
Không phải lãnh đạo huyện Quan Hóa không biết tới và mong muốn khai thác tiềm năng du lịch của địa phương mình, thậm chí có người so sánh độ đậm đặc về văn hóa bản địa của vùng này còn hơn Mai Châu nhiều mặt, “nhưng không hiểu sao du khách cứ ùn ùn kéo sang Mai Châu, còn ở đây chẳng thấy ông Tây nào lai vãng!” như lời cảm thán của một vị quan chức ở vùng đất tuyệt đẹp bên bờ sông Mã này.
Nhiều năm qua, các cơ hội đầu tư phát triển du lịch không phải không có nhưng mãi vẫn chưa thành trái ngọt.
Du khách thích đến Mai Châu để qua đêm trong những ngôi nhà sàn có mặt gỗ đã lên nước bóng loáng, sáng sớm thức dậy ngắm đồng lúa xanh rờn dưới chân núi mờ sương, thưởng thức sắc màu thổ cẩm được người Thái dệt thủ công.
Chỉ vậy thôi mà hàng chục năm nay, Mai Châu chưa bao giờ vắng khách du lịch, đến độ đã hình thành một “công nghệ” tiếp đón du khách của cư dân bản Lác, từ việc xây dựng nhà tắm, khu vệ sinh hoàn chỉnh (rất quan trọng đối với du khách nước ngoài) cho tới những bữa cơm ngon với các đặc sản bản địa...
Một góc hang Phi bên bờ cát sông Mã - Ảnh: Thái A
Những yếu tố thiên nhiên lôi cuốn du khách không thiếu ở Quan Hóa và còn hơn hẳn Mai Châu. Cách trung tâm huyện hơn 10km là hang Phi, một động đá vôi tuy không sâu nhưng có mái vòm khổng lồ che cả một đoạn sông Mã êm đềm, nơi lý tưởng để tổ chức tour cắm trại, leo núi, trekking... song tới nay khu vực quanh hang Phi vẫn là rừng núi hoang vu, chỉ có vài căn nhà của cư dân trồng lúa và khai thác luồng - một loại cây cùng họ với tre, được trồng khắp vùng Quan Hóa.
Những rặng luồng xanh um, dáng uốn cong tạo vẻ đẹp tuyệt vời cho thiên nhiên nơi đây. Rải rác khắp các xã trên địa bàn huyện, hầu như nơi nào cũng ẩn chứa vẻ đẹp hoang sơ của đời sống chưa bị biến đổi nhiều bởi cơn lốc thị trường.
Những guồng nước vẫn chậm rãi quay đưa nước sông Mã lên ruộng bậc thang, những bè luồng hằng ngày được đóng rồi thả chảy xuôi về đồng bằng. Dưới mái nhà sàn là nhịp sống bình thản của đồng bào các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Dao...
Guồng đưa nước sông Mã lên ruộng bậc thang - Ảnh: Thái A
Nghề thổ cẩm rất được coi trọng và khuyến khích tại Quan Hóa, lại có sự tài trợ của Tổ chức phi chính phủ World Vision nhưng cho tới nay sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ và gần như bế tắc đầu ra. Không có những sạp hàng bán quần áo may sẵn, túi, khăn... như tại bản Lác của Mai Châu, ở đây nghề dệt chỉ giới hạn trong từng gia đình, cố gắng giữ nghề ông bà truyền lại.
Tới thăm các hộ gia đình người Thái làm nghề dệt, khách phương xa không khỏi trầm trồ trước sắc màu thổ cẩm truyền thống rực rỡ, có hồn, được làm nên từ đôi tay của những thiếu nữ Thái da trắng, tóc dài, có vẻ đẹp thuần khiết của núi rừng, nhưng sẽ không khỏi bùi ngùi vì thổ cẩm của Quan Hóa mãi vẫn chưa đến được với thị trường du lịch; trong khi cả về mẫu mã, hoa văn, mặt vải đều hơn những sản phẩm cùng loại được sản xuất hàng loạt bên kia biên giới và đang bày bán tràn lan khắp các chợ, khu thương mại vùng biên Việt - Trung.
Có cảnh sắc thiên nhiên đa dạng và tươi đẹp dường ấy, có bản sắc văn hóa không thua kém bất kỳ địa phương nào vậy mà Quan Hóa vẫn chịu cảnh ế khách nhiều năm qua quả là điều đáng tiếc. Người dân Quan Hóa đang chờ một cơ duyên nào đó, một tác động nào đó để cả vùng núi rừng ven sông Mã sẽ trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách phương xa.
Liệu ngày ấy bao giờ mới đến?
Thổ cẩm Quan Hóa đẹp, chất lượng cao nhưng khó tìm thị trường vì chưa được nhiều người biết đến - Ảnh: Thái A
Thiếu nữ Thái xinh tươi bên khung dệt thổ cẩm - Ảnh: Thái A
THÁI A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét