Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Những điều ít biết về tử ngục Chín Hầm

"Mỗi hầm có một lỗ thông hơi nhỏ, ban ngày thì ánh sáng lờ mờ, trời mưa nước thấm giọt trên đầu tù nhân lạnh buốt, trời nắng trong hầm như cái nồi rang. Tù nhân không được ra ngoài đi vệ sinh, tất cả đều đi trong thùng một tuần mới có người đi đổ", đại tá Nguyễn Minh Vân, Cục tình báo, Bộ Quốc phòng, nhớ lại về tử ngục Chín Hầm. 

Địa ngục trần gian
Từ năm 1954, khi mà chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô với những chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, với phương châm “giết nhầm còn hơn bỏ sót” và những phương thức tàn bạo khác, đàn áp phong trào cách mạng miền Nam, thì nơi này trở thành một địa ngục trần gian, một khu vực cấm dân cư không được đến gần.
Mô hình Chín Hầm xưa.

Tại đây, bạo chúa Ngô Đình Cẩn đã cải tạo những hầm giam thành những chuồng cọp, giam giữ những người cộng sản, học sinh sinh viên, phật tử và những người chống đối khác.
Nhà báo Dương Phước Thu, Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: “Hàng nghìn người yêu nước chống lại chế độ thực dân, đế quốc xâm lược đã bị giam cầm và chết ở chốn tù lao này". Cũng theo ông, năm 1954, Chín Hầm là trung tâm giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng. Mỹ, Ngụy đã đưa đến đây những người tù cộng sản mà chúng đã bao lần tra tấn, mua chuộc dọa dẫm nhưng không ăn thua, về đây để chịu số phận tử tù.
Mỗi ngày người tù chỉ được ăn hai bữa, cơm lẫn với mắm thối hoặc rau muống già, giờ ăn phụ thuộc vào người phục vụ, có thể cách nhau ba giờ hoặc từ sáng đến tối mịt mới được ăn lại. Bên cạnh đó, với những đòn tra tấn dã man như đánh vào chỗ hiểm, đóng người trên tường, dùng dao sắc xẻo từng miếng thịt hay bắt tù nhân phải thức suốt đêm, tất cả những cái đó làm cho người tù nhân không chết ngay mà kéo dài sự sống trong muôn vàn đau khổ. Với những cực hình như vậy, chúng muốn những người cộng sản phải chuyển hướng, những người chống đối phải khuất phục.
Hầm số 8 đang được Bộ quốc phòng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty CP Du lịch Hương Giang trùng tu.

Nỗi đau còn nhức nhối
"Mỗi hầm có một lỗ thông hơi nhỏ, ban ngày thì ánh sáng lờ mờ, trời mưa nước thấm giọt trên đầu tù nhân lạnh buốt, trời nắng trong hầm như cái nồi rang. Tù nhân không được ra ngoài đi vệ sinh, tất cả đều đi trong thùng một tuần mới có người đi đổ", đại tá Nam Trung (tên thật là Nguyễn Minh Vân), Cục tình báo, Bộ Quốc phòng, một trong ba người còn sống sau ngày Chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ năm 1963, nhớ lại về tử ngục Chín Hầm. 
Ông Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành viên Hội đồng nghệ thuật tỉnh, cho biết: “Hầm số 7 và hầm số 8 là hai hầm điển hình nhất trong hệ thống 9 hầm, đây là nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cộng sản chủ chốt của phong trào cách mạng miền Nam, do đó Ngô Đình Cẩn và tay chân đã tập trung nhiều công sức nghiên cứu, cải tạo thành những ô xà lim kiểu chuồng cọp, mỗi ngăn chỉ vừa một người xung quanh đào sâu xuống sàn, không thể thoát nước ra ngoài. Hầm chỉ có một ô cửa sắt nhỏ để bọn cai ngục thả cơm xuống cho người tù. Người bị giam ở hai hầm này như sống trong nhà mồ quanh năm không có ánh sáng”.
Trong địa ngục trần gian đó, những chiến sĩ cách mạng vẫn giữ một lòng trung kiên với Đảng, với lý tưởng cách mạng, nỗ lực vượt qua những thiếu thốn về vật chất, những đày ải, hà khắc tàn bạo để sống, để mong ngày trở về với đội ngũ. Ở trong tù, đại tá Nguyễn Minh Vân đã làm tập thơ “Sống trong mồ” với hơn ba nghìn câu thơ, với những hình tượng văn học rất hiện thực của nhà tù Chín hầm như sau:
Các anh: Những người hầm thế kỷ hai mươi
Như người cổ sơ trần trụi giữa hang dơi
Các anh ở: Hai thước chuồng lạnh hơn hốc đá
Ngày thiếu ánh mặt trời đêm không ánh lửa
Các anh thở rặt mùi phân/Nằm trên ván trét bùn
Đánh nhau với chuột/Bạn cùng dế giun
Các anh ăn: Cơm sống trộn dầu hôi mắm tanh mùi thịt rữa
Các anh uống: Nước khe nước lá
Quần áo các anh là giẻ rách tả tơi
Lộ rõ hình tù bụng hở lưng phơi
Tấm thân gầy nghìn ngày không tắm rửa
“Ghét đóng thành chai/Râu rậm dài tua tủa
Tóc rối xù xuống vai ....”
Với những giá trị tố cáo tội ác của một nhà tù điển hình của đế quốc Mỹ và tay sai đối với các chiến sĩ cách mạng, các tầng lớp nhân dân, cũng như tinh thần của người cộng sản trước kẻ thù tàn bạo, năm 1993, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có quyết định công nhận Di tích lịch sử lưu niệm tội ác Chín Hầm là di tích quốc gia.
Những bức tượng tái hiện sinh động cảnh tù ngục, tra tấn tại nhà tù Chín Hầm.

3.000 câu thơ còn rướm máu
Ông Nguyễn Bốn, Phó tổng giám đốc công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang, nhớ lại: “Năm 1963, khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, quân đảo chính đến nhà ngục này thì chỉ còn lại ba tù nhân, trong đó có ông Nguyễn Minh Vân, Cục Tình báo, Bộ Quốc phòng. Ông bị cực hình ở Chín Hầm từ tháng  11/1961 đến tháng 11/1963. Trong thời gian này, ông đã sáng tác và học thuộc lòng 3.000 câu thơ nói lên những ngày bị cực hình trong khu biệt giam Chín Hầm trong nỗi đau chứa đầy máu và nước mắt”.
3.000 câu thơ viết từ cõi chết đã được bí mật chuyển ra Hà Nội và in vào cuối năm 1973 với tên tác giả Nguyễn Dân Trung. Tập thơ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và in trên các báo văn học của Âu Mỹ.

Giờ đây, mỗi khi thăm lại Chín Hầm, hình dung lại những tư thế chết khác nhau trong địa ngục trần gian, tố cáo tội ác dã man, chồng chất của bọn đế quốc, người xem vẫn không khỏi hãi hùng.
Nguyễn Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét