Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Đổi thay mạnh mẽ ở tỉnh lỵ xưa

Sông Cầu - tỉnh lỵ Phú Yên xưa, thị xã cực bắc Phú Yên nay - đang có những sự thay đổi mạnh mẽ mang dáng dấp của một đô thị phát triển.

txsong-cau100819.jpg
Trung tâm TX Sông Cầu - Ảnh: D.T.XUÂN

Một chiều cuối tuần giữa tháng 8/2010, tôi có dịp gặp bác Phạm Đào Thu, 84 tuổi, ở khu phố Long Hải Đông (phường Xuân Yên , TX Sông Cầu). Chỉ qua đôi câu gợi mở, người cán bộ lão thành cách mạng này đã nhanh chóng đưa tôi vào miền ký ức của một nhân chứng lịch sử về những ngày Cách mạng tháng Tám oanh liệt và hào hùng ở Sông Cầu - tỉnh lỵ của tỉnh Phú Yên thuở ấy.

“Mở đầu những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 sôi sục là cuộc biểu tình thị uy của hàng vạn người nổ ra tại tỉnh lỵ Sông Cầu vào sáng 20/8. Ngày 23/8, Ủy ban Khởi nghĩa cấp tỉnh được thành lập, ra lệnh khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Đêm 24, rạng sáng 25/8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ Sông Cầu bùng nổ. Đúng 12g đêm, tại tỉnh đường, tên Tỉnh trưởng Hồ Ngận đã xin giao chính quyền, ấn tín và toàn bộ giấy tờ, tài liệu cho cách mạng. Lực lượng khởi nghĩa kéo cờ Việt Minh lên nóc tỉnh đường, nơi đặt trụ sở của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh. Sáng 25/8, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp mọi nơi trên đường phố, các vùng nông thôn Sông Cầu. Sáng ngày 2/9/1945, gần 2 vạn đồng bào Sông Cầu, Đồng Xuân tập hợp tại sân vận động Sông Cầu (Nhà Văn hóa thị xã hiện nay) cùng một rừng cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ tham gia cuộc mít tinh do Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời và Ủy ban Việt Minh tỉnh chủ trì, hô vang những khẩu hiệu cách mạng, phấn khởi chào mừng nước Việt Nam hoàn toàn tự do, độc lập sau 80 năm dài bị áp bức, làm nô lệ…” - cụ Thu nhớ lại.

Mới đó mà đã 65 năm đã trôi qua. Nếu có ai từ phương xa đến, hỏi về dấu ấn của một tỉnh lỵ của Phú Yên xưa (1899-1946), kẻ hậu sinh như tôi chỉ biết đôi chút sơ sài: Tòa nhà tỉnh đường cũ giờ đã được thay thế bằng trụ sở làm việc 3 tầng khang trang của HĐND-UBND thị xã; nhà Đèn xưa giờ đã hoang phế, sắp bị xóa sổ để xây dựng Trường Mầm non Bông Sen; sân vận động một thời âm vang tiếng hô chào mừng ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, giờ sừng sững nhà Văn hóa thị xã, cùng trụ sở bề thế của Viện Kiểm sát nhân dân thị xã đang được xây dựng…

Còn nếu giới thiệu về những đổi thay kỳ diệu của Sông Cầu, một thị xã trẻ chưa đầy một năm tuổi, tôi có thể tự tin hơn nhiều. Kế thừa và phát huy truyền thống một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, lại có một thời gian là tỉnh lỵ, nên Sông Cầu nhanh chóng trở thành một vùng đô thị phát triển, nhất là từ khi Chính phủ ra Nghị quyết số 42/NQ-CP về việc thành lập TX Sông Cầu và các phường trong thị xã. Dáng dấp của một thị xã dần dần được hình thành và khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa phía Bắc của tỉnh. Tuy chưa có bước đi của “đôi hài bảy dặm”, nhưng những đổi thay ở Sông Cầu cũng đã rất đáng ngạc nhiên. Được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị cho đô thị loại IV nội thị Sông Cầu và các trung tâm vùng, trung tâm các xã, các vùng kinh tế trọng điểm đã thúc đẩy tốc độ đô thị hóa. Hàng loạt công trình được đầu tư với quy mô lớn như: Tuyến tránh quốc lộ 1A cùng nhiều tuyến đường nội thị, ngoại thị được nâng cấp mở rộng, xây dựng mới theo hướng kiên cố hóa; các khu đô thị mới An Bình Thạnh, Lệ Uyên, khu dân cư xã Xuân Hải, khu du lịch nghỉ dưỡng Long Hải Bắc, các khu du lịch sinh thái Hòn Ngọc Bãi Tràm, Bãi Tiên, Bãi Bầu, Bãi Ôm, Bãi Nồm; đảo chiếu sáng trung tâm cùng với quảng trường Nhà văn hóa, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng các phường nội thị và 15km đường quốc lộ từ Lệ Uyên đến Gành Đỏ; kè chống xói lở, đường cảnh quan bờ sông, bờ biển thị trấn Sông Cầu (cũ)…. Từ đó tạo ra những điểm nhấn mạnh mẽ về không gian đô thị hiện tại và tương lai của TX Sông Cầu.

Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Bắc tỉnh Phú Yên, với nhiều tiềm năng và nội lực, Sông Cầu càng tự tin và vững vàng hơn khi phát triển thị xã theo hướng một đô thị thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp. Thị xã đã triển khai nhanh và hiệu quả các dự án đã được phê duyệt như cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Long Bình, Triều Sơn, khu Công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu và các làng nghề tiểu thủ công nghiệp Gành Đỏ, Hòa An, Hòa Thạnh, sớm tạo ra được diện mạo mới cho đô thị. Thị xã cũng đang khai thác thế mạnh kinh tế biển, đặc biệt là du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng với ưu thế, vị trí của một địa phương có nhiều đầm, vịnh đẹp, chiều dài bờ biển song song với chiều dài quốc lộ 1A đi qua thị xã, là lợi thế để phát triển đô thị phù hợp với định hướng chiến lược kinh tế biển đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ bảy (khóa X). Trong tương lai không xa, khi vịnh Xuân Đài được công nhận là danh thắng quốc gia và UNESCO công nhận là một trong những vịnh đẹp thế giới, Sông Cầu sẽ có thêm điều kiện trở thành đô thị sầm uất bởi sức hút của ngành “công nghiệp không khói”.

Khoác lên mình tấm áo mới, TX Sông Cầu - tỉnh lỵ của Phú Yên xưa, giờ có dáng vẻ riêng, rất xanh. Màu xanh của rừng, của dừa, của cánh đồng lúa, và cả xanh của biển, mà dưới đó là của cải, là giàu có, ấm no đang được nhân dân khai thác, thụ hưởng. Sống trong hòa bình, độc lập, khí thế của Cách mạng tháng Tám đang thúc giục Đảng bộ, nhân dân đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng và phát triển thị xã trở thành trung tâm thu hút và phát triển mạnh về du lịch biển, kinh tế biển, là động lực phát triển khu vực phía bắc tỉnh, tạo điều kiện liên kết phát triển với đô thị lâu đời TP Tuy Hòa (Phú Yên), TP Quy Nhơn (Bình Định) và các đô thị dọc duyên hải Nam Trung Bộ cũng như cả nước.

THANH HIỀN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét