Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Sự tích điện Tiên Du

Ở xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi, Lam Sơn, Thanh Hoá, có một ngôi điện nhỏ, gọi là điện Tiên Du. Điện này được lập từ thế kỷ XV.

S
ách Lam Sơn thực lục (quyển 1) đã chép về sự tích điện Tiên Du này như sau:

“ Thuở ấy, Vua (chỉ Lê Lợi – ND) sai người đến cày ruộng ở xứ Phật Hoàng thuộc động Chiêu Nghi. (Người cày) bỗng thấy một vị sư già, mình khoác áo trắng, đi từ hướng làng Đức Trai tới, vừa đi vừa than rằng:

- Đất này đẹp quá, thế mà chẳng có ai để trao cho.

Người cày thấy thế, vội chạy về báo vua hay. Vua chạy gấp đến hỏi. Có người cho biết:

- Nhà sư đã đi rồi.

Theo hướng chỉ, Vua đi nhanh đến sách Quần Đội, huyện Lôi Dương. (Dọc đường), vua thấy có cái thẻ tre đề rằng:

Thiên đức thụ mệnh,
Tuế trung tứ thập,
Số dĩ chỉ định
Tích tai vị cập.

(Nghĩa là: Đức trời nhận mệnh, vào tuổi bốn mươi, số kia đã định, tiếc thay chẳng kịp). Vua thấy chữ ấy mà mừng càng cố đi nhanh. Lúc ấy, rồng vàng hiện lên che lấy vua. Vừa chợt thấy, vị sư già đã thưa rằng:
- Tôi từ đất Ai Lao đến, người họ Trịnh, tên tự là Bạch Thạch Sơn Tăng. Thấy vua khí tượng khác người, đoán là có thể làm lên việc lớn.
Vua quỳ xuống thưa rằng:

- Mạch đất của tôi đây sang hèn ra sao, dám xin thầy chỉ rõ cho.

Vị sư già nói:

- Xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi có một thửa đất rộng chừng nửa sào, có hình tượng như cái ấn của nước nhà, bên tả có thái thất là núi Chí Linh ở Mường Giao Lão. Trong núi ấy có gò Tiên Bạn, Chiêu Sơn ở xã An Khoái là án, phía trước có nước Long Sơn, phía trong có nước Long Hồ hình xoáy như ruột ốc, bên hữu có nước hồ bao quanh, phía ngoài chân núi tựa như chuỗi hạt. Đất ấy, đàn ông thì quý không thể nói được, nhưng đàn bà thì hẳn là sẽ phải thất tiết. Tôi e rằng con cháu ngài về sau nó không ở cùng với nhau. Ngôi báu tất có khi chung hưng, mệnh trời có thể biết trước được. (Bây giờ) nếu có thầy giỏi, đem hài cốt đi cải táng thì vẫn có thể phấn phát được dăm trăm năm.

Nghe lời vị sư già, Vua đem hài cốt của thân phụ táng ở xứ ấy. Vào khoảng giờ Dần (từ 3 đến 5 giờ sáng – ND), khi vua về đến thôn Giao Xá Hạ thì vị sư già ấy cũng bay lên trời. Vì lẽ này, vua cho lập điện Tiên Du ở đấy. Trong động Chiêu Nghi, Vua cho dựng am nhỏ (chỗ mộ phật Hoàng). Đó chính là gốc cội của sự phát tích”.

Lời bàn: 
Chuyện này có đến 3 điều đáng suy ngẫm. Thứ nhất, nhờ người nhà đi cày về mách bảo, Lê Lợi mới hay là có thầy phong thuỷ đi qua xứ mình. Người cày ấy chính là nhân chứng bằng xương bằng thịt vậy. Thứ hai, thầy phong thuỷ lại cũng là một vị sư già, tự hiệu Bạch Thạch Sơn Tăng, vốn người Ai Lao, tức là người xứ lạ. Cứ theo nếp nghĩ “bụt chùa nhà không thiêng” thì người xứ lạ thường là người giỏi hơn xứ mình, họ mà đã nói thì còn sai vào đâu được. Vả chăng, đã là người xứ lạ, giá thử như có người nào khó tính của xứ mình muốn đến gặp để kiểm chứng lại, việc nhiêu khê này cũng chẳng dễ gì làm. Thứ ba, thầy phong thuỷ sau khi chỉ huyệt đại phát cho Lê Lợi, đã bay thẳng lên trời. Với đấng phi phàm ấy, thế tục chỉ còn biết hãy tuân theo và nghiêm cẩn kính chờ.

Từ ba điều đáng suy ngẫm ấy, dễ thường cũng có cả trăm lẽ khiến cho thiên hạ kéo về tụ nghĩa ở Lam Sơn. Chí quật khởi có thật, cộng với khí thiêng sông núi và mệnh trời vô hình lẩn quất đâu đó đã cùng họp lại mà tạo ra sức mạnh vô song, quân Minh xâm lược không bị đánh bại làm sao được!
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét