Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Tìm dấu xưa lụa Vạn Phúc

Nhờ lụa, làng Vạn Phúc giờ khang trang, đẹp như thành phố. Người dân nơi đây vẫn mơ tái hiện làng lụa thuần chất xưa.
Làng nghề Vạn Phúc đã có gần 1.000 năm tuổi.  Từ lâu, âm thanh từ những khung cửi, từ tiếng thoi đưa rộn ràng, khoan thai, dìu dặt đã trở thành nhịp điệu cuộc sống nơi đây. Cùng tiếng thoi đưa, những nghệ nhân đã tạo ra sản phẩm nổi tiếng: lụa hàng vân, gấm hoa ngũ sắc…

Làng nghề  1.000 tuổi
Hiếm có làng nghề nào có tuổi đời dài như Vạn Phúc. Theo cụ Cụ Đỗ Văn Mại, nghệ nhân cao tuổi ở làng, tương truyền bà tổ nghề lụa là người họ Lã quê Hàng Châu (Trung Quốc). Bà theo chồng chinh chiến Bắc Nam, rồi neo lại làng này. Nỗi nhớ quê hương da diết của bà trút hết vào nghề tầm tang, canh cửi nơi dòng Nhuệ Giang. Qua thời gian, nghề dệt trở thành nghề “truyền thống” Vạn Phúc.
Làng nghề 1.000 tuổi
Ban đầu lụa Vạn Phúc sản xuất chỉ để phục tầng lớp trung lưu các thời đại phong kiến. Đến cuối thế kỷ 19, nhà Nguyễn khuyến khích dàng hàng nội, các nghệ nhân làng Vạn Phúc nhanh chóng sưu tầm, học hỏi, cải tiến đế “bình dân hóa” các mặt hàng gấm, vóc. Những năm 1931, 1936, thợ dệt Vạn Phúc hai lần vinh dự mang sản phẩm sang dự “đấu xảo” ở Marseille và Paris (Pháp). Ngay từ thời điểm đó, lụa Vạn Phúc đã được đánh giá cao trên thế giới.
Từ đó đến nay, gần 1.000 năm lụa Vạn Phúc tiếp tục nổi tiếng với những mặt hàng chính, đặc biệt là lụa hàng vân. Giải thích cái tên này, cụ Mại hồ hởi nói: “Vân có nghĩa là mây. Lụa vân là thứ lụa nhìn lên bề mặt thấy ẩn hiện những đám mây nho nhỏ. Đây là một kỹ thuật dệt tinh tế chỉ Vạn Phúc mới dệt được”.
Cùng với mặt hàng lụa vân, Vạn Phúc còn nổi tiếng với satin sang trọng. Những tấm vải loại này thường rất mềm và có ánh trong như thuỷ tinh, được các bà, các cô ưa thích. Chẳng thế người ta vẫn thường kháo nhau "dùng lụa Vạn Phúc người già trẻ lại, người xấu đẹp lên"…

Làm nên cơ nghiệp từ lụa
Nhiều người Vạn Phúc làm nên cơ nghiệp từ lụa. Chị Hoa, chủ cửa hàng trên “phố lụa” Vạn Phúc cho biết, tất cả cơ ngơi của chị gồm một nhà ba tầng, hai gian hàng trên phố đều có được nhờ lụa. Mà không riêng nhà chị, cả xóm hơn hai chục hộ cũng nhờ lụa mà nhà nào cũng xây kiên cố, lên tầng và mua sắm đồ đạc, tiện nghi hiện đại.

Theo ông Nguyễn Hữu Chỉnh, Chủ tịch Hội làng nghề, trong số 1.276 hộ dân sinh sống tại đây, có hơn 1.092 hộ sản xuất và kinh doanh các mặt hàng dệt lụa tơ tằm. Cũng nhờ có làng nghề, trên 60% lao động trên địa bàn có việc làm và thu nhập ổn định. Trong làng nghề hình thành nhiều doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất kinh doanh lụa. Vì vậy mẫu mã, chủng loại cũng trở nên phong phú hơn nhiều.
Làng Vạn Phúc giờ khang trang, đẹp như thành phố. Những ngôi nhà cao tầng, gian hàng trưng bày lụa mọc lên san sát… Đến làng, không khí nhộn nhịp, tấp nập có thể cảm nhận ngay từ bước chân đầu tiên.

Năm 2007, Vạn Phúc được tôn vinh là một trong những làng nghề tiêu biểu của Việt Nam bởi con số 2,5 triệu mét lụa tơ tằm được sản xuất trong năm, đạt doanh thu 35 tỷ đồng. Ông Chỉnh cho biết, sản xuất và kinh doanh lụa chiếm tỷ trọng 63% cơ cấu kinh tế trong làng, mang lại mức thu nhập bình quân 1 triệu đồng một người một tháng. 
Những hình ảnh phơi lụa chỉ còn trong hoài niệm.

Năm nay, Vạn Phúc tăng cường trang bị thêm nhiều máy móc vào sản xuất. Người thợ không còn phải trực tiếp dùng tay dệt nữa, thay vào đó sẽ tập trung nghiên cứu sáng tạo mẫu mã và cách thể hiện trên lụa. Ông Chỉnh khẳng định, Vạn Phúc sẽ ngày càng nhiều mẫu lụa đẹp và tinh tế đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Mơ về một làng lụa thuần chất
Người đến làng lụa không chỉ mua lụa, mà còn muốn tìm lại trong đó khung cảnh của một làng nghề canh cửi nghìn năm. Chính vì vậy, thống kê từ Hội làng nghề, sau hai năm xây dựng điểm du lịch và xúc tiến thương mại, mỗi tháng làng Vạn Phúc thu hút từ 3.000 đến 5.000 khách tham quan, giao dịch.
Tuy nhiên, khi thiết bị, công nghệ và máy móc được đưa vào thay thế canh cửi thủ công, việc sấy, tẩm, hấp, phơi lụa được làm hoàn toàn bằng máy, đồng nghĩa với việc giảm sức hấp dẫn của Vạn Phúc. Đó là chưa kể một số chủ cửa hàng không ngần ngại tuồn và trộn hàng giả lụa Trung Quốc như phi, bóng... làm ảnh hưởng tới uy tín lụa Vạn Phúc.
Thời gian qua, Hiệp hội làng nghề tại Vạn Phúc kêu gọi người dân gắn thương hiệu từng nhà sản xuất “lành mạnh hóa” thương mại. Hiệp hội cũng dự định xây dựng hệ thống cửa hàng chỉ bán sản phẩm do chính thợ dệt Vạn Phúc làm ra. Mặc dù vậy, không phải chủ cửa hàng nào cũng ý thức điều này, nên giấc mơ tái hiện làng lụa thuần chất người Vạn Phúc xưa vẫn còn xa.

Đất Việt xin giới thiệu một số hình ảnh về làng nghề và phố lụa Vạn Phúc
 
 Đều tay bên khung cửi
 
 Xem hàng trên phố lụa
 
 Nghệ nhân làng Vạn Phúc tự hào giới thiệu mẫu lụa
 
 Nhộn nhịp mua bán lụa

Bài và ảnh: Vân Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét