Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Xây mộ cho Cọp

TTXuân - Thoạt nhìn những ngôi mộ xây khang trang với lửa hương luôn nồng ấm, không ai nghĩ bên dưới là hài cốt của những con cọp dữ.
Những ngôi mộ cọp tưởng chừng như huyền thoại này không chỉ là dấu chứng về một thời mở cõi gian nan của tiền nhân, mà còn là biểu hiện bề sâu tâm thức Việt  trong “đối nhân xử vật” xuyên suốt  xưa nay.
Đền thờ tiền hiền Trần Bình tại làng Trà Linh (Quảng Nam). Bên bức bình phong có đắp hình cọp là chỗ đặt lễ cúng cọp trong dịp cúng - tảo mộ tiền hiền và mộ cọp - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Nắng cuối đông dát vàng trên phá Tam Giang. Trên tuyến đường nối thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) với thành phố Huế và các xã vùng bắc phá Tam Giang, công nhân đang xây dựng hệ thống thoát nước đoạn ngang qua xóm 1, thôn Thạch Bình, thị trấn Sịa. Kề bên mương thoát nước đang xây, lọt thỏm giữa những ngôi nhà kiên cố là một ngôi mộ khác thường với ba tầng tròn trịa.
“Người mình đấu với cọp không ai hơn ai. Nhưng khi mình chôn con cọp, coi ngó cái mả nó, đơm quảy nó thì coi như người mình đã thắng nó, đã đứng trên nó rồi”
Ông Đặng Văn Luyến (Trà Linh, Quảng Nam)
Mộ ba tầng
“Ở đất ni ngay cả đứa học trò tiểu học cũng biết sự tích mộ ba tầng. Đây là mộ chung của một vị tướng quân với một con cọp và một con ngựa. Vùng đất ni thời xưa còn rậm rạp, hoang vắng lắm” - ông Bùi Điểu, 67 tuổi, nhà ở gần mộ ba tầng, nói. Như một sử liệu được truyền miệng khắp vùng Sịa xưa nay, rằng có vị tướng quân họ Nguyễn ở làng Thủ Lễ (kề sát làng Thạch Bình) trên đường đi đánh giặc, ngang qua làng Thạch Bình bỗng gặp một con cọp lớn ra đón đường.
Vị tướng quân dõng dạc nói với con cọp: “Ta đang gấp việc nước, hẹn ngươi khi nào xong việc trở lại sẽ cùng giao đấu”. Y hẹn, khi vị tướng quân trở lại, cọp liền ra nghinh đấu. Nhưng mãnh hổ gặp mãnh tướng, sau nhiều hiệp giao đấu bất phân thắng bại, cuối cùng vì kiệt sức và đói khát, người và cọp cùng gục chết bên nhau. Con ngựa của vị võ tướng bị cột chặt sau đó cũng chết theo chủ vì đói khát. Khi xác của cả ba được phát hiện, cám cảnh, người ta đã chôn ngay tại chỗ người, cọp và ngựa chung một nấm mộ, biểu tượng bởi ba tầng.
Ông Nguyễn Xuân - 81 tuổi, ở làng Thủ Lễ, hậu duệ của vị tướng được chôn ở mộ ba tầng - kể: “Tuy tộc phả bị mất, nhưng theo ông cha truyền lại, vị tướng giao đấu với cọp được chôn ở mộ ba tầng chính là vị tổ thứ hai của tộc Nguyễn chúng tôi, tính từ thời từ Bắc vào, cùng các tộc khác khai lập làng Thủ Lễ. Ngài được vua Khải Định (1916-1925) truy tặng tôn thần, tờ sắc phong hiện còn giữ tại đình làng Thủ Lễ”.
Ông Xuân cho rằng vì ngưỡng vọng công đức của vị tướng quân, trọng con cọp biết giữ lời với người và thương con ngựa chết vì chủ, không chỉ người trong tộc Nguyễn của ông, người cả hai làng Thủ Lễ, Thạch Bình cũng đều chung lo việc thờ tự, cúng đơm cho các hương linh nơi mộ ba tầng. Lễ vật cúng tại mộ hằng năm được biện cho cả ba: mâm cơm cho vị tướng quân, miếng thịt heo sống cho cọp, bó cỏ cho ngựa. Bức bình phong trước mộ ba tầng cũng được vẽ hình ngựa và hình cọp.
Các vị trong ban quản tế làng Thủ Lễ (Thừa Thiên - Huế) tìm đọc tờ sắc phong tặng tôn thần của vua Khải Định cho vị tướng quân họ Nguyễn chôn ở mộ ba tầng - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

“Mả ngài”
Làng Trà Linh (xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) có tiếng hiểm trở với dãy Hòn Kẽm Đá Dừng như một vách đá chắn ngang nơi đoạn sông Thu Bồn trải rộng. Vậy mà vừa qua bến đò Trà Linh là chạm ngay một lũng làng với ruộng lúa giăng giăng bên con đường bêtông và con kênh giữa hai bên Trường Sơn trùng điệp.
Nước tưới cho lũng ruộng được lấy từ đập Mả Ngài - gọi theo tên của con khe gom nước từ một vùng núi rừng rộng lớn. Người ngoài không ai biết tại sao con khe lại có tên gọi Mả Ngài, nhưng người Trà Linh thì không ai không biết con khe “chết” với tên gọi này từ khi có ngôi mả (mộ) của con cọp mà họ trọng vọng gọi bằng “ngài” nằm ở kề khe.
“Nếu không có mả ngài lưu lại, người đời nay không thể nào biết được nỗi lao nhọc của người xưa khai khẩn rừng hoang thành đồng ruộng. Ngẫm lại người xưa thật là sâu sắc khi đem chôn con cọp và tiền hiền Trần Bình bên nhau” - ông Đặng Văn Luyến, người dân làng Trà Linh, nói. Uống từng ngụm nước chè đậm chát, nhìn cảnh xóm làng tươi vui giữa sông nước, núi rừng, vị lão làng 79 tuổi kể lại sự tích ngôi mộ cọp như kể lại hành trạng gian nan của vị tiền hiền mở đất Trà Linh.
Thời vua Tự Đức (1848-1883), vùng Trà Linh hãy còn hoang vu vì cư dân rất thưa thớt. Là người có võ nghệ cao cường, thấy cư dân vùng hạ lưu của mình khốn khổ vì thiếu ăn thiếu mặc, chàng trai Trần Bình đã dẫn một số tráng đinh nghèo khó đến vùng cao Trà Linh cư ngụ để khai vỡ ruộng đất làm ăn.
Một ngày kia khi mở đường cho đoàn người gánh lúa từ ruộng ra, đến giữa đường, Trần Bình bỗng gặp một con cọp ra đón đường. Không chút sợ hãi, Trần Bình hô hoán cho đoàn người gánh lúa tránh xa rồi một mình xông vào đấu với cọp. Quả là đôi kỳ phùng địch thủ, Trần Bình và cọp kẻ hét người gầm, quần thảo với nhau suốt buổi vẫn không ai hạ được ai.
Những người tùng thuộc khiếp sợ, càng lúc càng bỏ chạy đi xa. Đến xế chiều, Trần Bình và cọp đều đuối sức, cả hai lê lết ra khe tìm nước uống. Đã kiệt sức, lại uống cho đã cơn khát, cả hai đều căng bụng, cùng lăn kềnh ra chết ngất bên khe. Sẫm chiều, thấy có bề im ắng, những người tùng thuộc lần theo dấu vết tìm thấy xác Trần Bình cùng con cọp dữ. Tiếc thương người đầu lĩnh uy dũng, căm giận con cọp dữ, nhưng nghĩ lại, họ đã mang cả người và cọp vào chôn sát nhau nơi mé rừng kề con khe.
Để tưởng công người mở đất, dân làng Trà Linh đã tôn Trần Bình là tiền hiền của làng, lập đền thờ ngay tại làng. “Nhưng lẽ nào mình chỉ cúng kính mỗi tiền hiền Trần Bình mà bỏ qua con cọp, làm vậy hóa ra mình bạc quá. Người mình đấu với cọp không ai hơn ai, nhưng khi mình chôn con cọp, coi ngó cái mả nó, đơm quảy nó thì coi như người mình đã thắng nó, đã đứng trên nó rồi” - ông Luyến nhắc lại lời của ông cha. Để thỏa lòng với vị tiền hiền không người nối hậu, khi cuộc sống khá dần lên, năm 1996 dân làng Trà Linh đã xây mộ cho cụ Trần Bình.
Vẫn chưa yên lòng, năm 2000 họ lại chung nhau xây tiếp mả ngài - mộ cọp. Và lễ giỗ - tảo mộ tiền hiền Trần Bình vào rằm tháng 7 âm lịch hằng năm cũng là lễ cúng - tảo mộ cho ngài (cọp), chỉ khác là cỗ cúng ngài chỉ là một miếng thịt sống đặt bên nhánh lá cắm trên mâm được bày chỗ bức bình phong có đắp hình cọp trước đền thờ tiền hiền Trần Bình.
Ông Lê Đình Tương, bô lão làng Thủ Lễ, bên ngôi mộ ba tầng. Mộ được trùng tu năm 1993, vẫn giữ nguyên phong cách cũ - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Cọp ngộ đạo
Tọa lạc trên khu gò đồi vốn có mười ngôi tháp Chăm đổ nát, chùa Thập Tháp ở làng Vạn Thuận (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, Bình Định) được xem là ngôi “Thiếu Lâm tự” đầu tiên ở nước ta. Vẻ u nhã của ngôi cổ tự 332 tuổi càng tăng với những tàng đại thụ rợp bóng, đây đó là những tháp mộ uy nghi, trầm mặc. Bên cạnh những tháp mộ của các vị tổ sư nối đời nơi ngôi đại tự, núp bóng dưới rừng cây có một tháp mộ khác thường, tuyệt không có bi ký, chữ nghĩa gì ngoài tượng một con cọp bằng sứ trắng đặt trong nhà mộ. Ít ai biết đó là mộ phần một con cọp trắng, trừ những ai may mắn được các vị sư tăng hay các phật tử ở đây nói cho biết.
Thượng tọa Thích Viên Kiên - nguyên là sư tăng trụ trì chùa Thập Tháp - cho rằng câu chuyện về ngôi mộ cọp trắng ở đây được các vị sư tổ tiền bối của chùa Thập Tháp truyền kể rất rõ ràng. Vào thời hòa thượng Thật Kiến - Liễu Triệt (1702-1764) - vị sư tổ thứ ba của chùa Thập Tháp, có một con cọp lông trắng thường lai vãng đến khuôn viên chùa.
Lúc đầu thấy cọp đến sau chùa các tăng đồ rất sợ. Nhưng sau ba đêm thấy cọp chỉ đến ngồi im sau chùa cho đến khi xong tuần kinh kệ mới trở ra rừng, sư thầy Liễu Triệt biết là con cọp này đã ngộ đạo, đêm đêm đến chùa để nghe kinh mà tu tỉnh. Và đúng như bậc tôn sư nói, sau ba năm đến dựa bóng cây sau chùa nghe kinh kệ, một đêm kia con cọp trút hơi thở bên lùm cây nơi nỗng đất cao kề sau chùa. Cảm phục con cọp ngộ đạo, sư thầy Liễu Triệt đã cho lấy gạch Chăm sẵn có từ những ngôi tháp đổ để xây cho nó một ngôi mộ lớn ngay tại chỗ nó nằm xuống. 
HUỲNH VĂN MỸ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét