Đến với đền Đô, nhất là có dịp được trò chuyện với người có nhiều tâm huyết với ngôi đền này - anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn - thành viên ban quản lý đền Đô, du khách sẽ có dịp khám phá những vẻ đẹp huyền bí của địa danh này.
Đất thiêng
Theo tài liệu ghi lại, đền Đô là nơi thờ các vị liệt thánh Hoàng đế triều Lý, nơi thánh địa bậc nhất Kinh Bắc, đất gối đầu của 8 con rồng - hình tượng đẹp muôn hình, muôn vẻ, vượng khí (lời trong Cổ pháp điện tạo bi của Phùng Khắc Hoan dựng năm Giáp Thìn, mùa xuân hậu Lê Hoằng Định - 1604). Người ta cho rằng, khí thiêng luôn hội tụ ở đất này, do đó năm 1019, Thái tổ Lý Công Uẩn đã chọn nơi đây để xây dựng Thái miếu của nhà Lý, thờ Tổ phụ dòng họ mình. Khi người qua đời, nhân dân thờ ông ở đây, rồi về sau mở rộng thờ 8 vị vua nhà Lý.
Trong lịch sử, tám vị vua của triều Lý đã trị vì đất nước trong thời gian 214 năm, ứng với 214 chữ trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ. Riêng bà Lý Chiêu Hoàng, người cũng thuộc dòng họ Lý, làm vua 2 năm cuối của triều đại này song ngay sau đó nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh nên nhân dân thờ bà ở đền Rồng nhỏ trên đất Cổ Pháp (Đình Bảng ngày nay) thuộc phía Tây của làng.
Bát đế hiển linh, khoảng khắc linh thiêng hiếm có được anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn ghi lại. Ảnh: nhân vật cung cấp. |
Sau khi lên ngôi vua, mùa xuân năm 1010, Thái Tổ Lý Công Uẩn đã về thăm quê hương. Thuyền rồng của vua ngự ở bến sông Tiêu Tương. Ông trở về lần này để gặp mặt thần dân và tặng tiền lụa cho các bô lão thể hiện lòng tôn kính với cha ông. Tuy nhiên, sâu sắc hơn, Lý Công Uẩn thể hiện tư tưởng lấy dân là gốc, trân trọng trí tuệ của người cao tuổi bằng cách hỏi kế sách dựng nước. Từ ý kiến của thần dân cộng với sự anh minh của chính mình, Lý Công Uẩn đã chọn được miền địa lợi để định đô đó là thành Đại La. Chính trong mùa xuân ấy, khi trở về kinh, vua đã viết ngay Chiếu dời đô. Đến mùa thu năm ấy, người đã chính thức dời đô.
Khi thuyền rồng của Lý Công Uẩn đến chân thành Đại La (nơi gần cột đồng hồ Hà Nội ngày nay), vua chợt ngước lên đỉnh Đê La Thành bỗng có một đám mây vàng hiện lên, người quyết định đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. Cái tên đến bất ngờ, chứa đựng sự huyền diệu, kỳ bí nhưng thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn tuyệt vời của lãnh tụ, của dân tộc trước bước ngoặt đổi mới kinh đô để đổi mới đất nước.
Gần 1.000 năm đã trôi qua, lịch sử bao chuyện thăng trầm, kinh đô đã mấy lần đổi tên, đổi vị trí nhưng cuối cùng thì Hà Nội (Thăng Long của ngày ấy) vẫn là trái tim hồng của cả nước. Điều này đã cho thấy Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ đã đưa ra một dự báo chính xác về địa lý chiến lược, chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự vì chính thế hệ của chúng ta hôm nay và con cháu mai sau.
Sự trở về của khí thiêng
Khí thiêng của đất trời vẫn hội tụ ở đền Đô, nó đã xuất hiện trong những khoảnh khắc kỳ lạ và được một người 'trông đền" - anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn - ghi lại. Tuy chiếc máy ảnh có thô sơ nhưng với sự quan sát tinh tường của một tâm hồn nghệ sĩ, ông đã chớp cơ hội và lưu lại những khoảng khắc hiếm có trên bầu trời đền Đô. Hiện, những bức ảnh này được trưng bày ngay tại đền và đã triển lãm ở nhiều nơi, trong đó có Thăng Long - Hà Nội.
Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn bên chiếc máy ảnh giúp ông ghi được những khoảnh khắc linh thiêng gắn với ngôi đền Đô. |
Ngày 1/9/1989, chào mừng 300 năm Sài Gòn - TP HCM, Hà Nội đã tổ chức Ngày hội non sông. Vì vậy, có một lễ rước hoành tráng từ đền Đô đến Thủ đô gồm: múa rồng, rước cờ mang chữ Lý, rước kiệu mang linh bài Lý Công Uẩn và hương án thờ vua với một đội ngũ đông các cụ và dân làng Đình Bảng tham gia ngày hội. Khi các quan viên tế nổi trống chiêng để đám rước bắt đầu hành tiến về thủ đô thì trước phút rạng đông, trời bỗng hiện lên một đám mây vàng sáng rực từ phía Hà Nội bay về đền Đô. Là người có mặt trong lễ rước ấy, anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn đã kịp thời chụp được Hoàng long linh hiện (lúc đó là 4h45’ rạng sáng ngày 1/9/1989).
Trong một khoảnh khắc thiêng liêng khác của đền Đô, cũng chính ông lại là người cầm máy ghi lại hình ảnh kỳ bí. Ông kể lại, vào 8h ngày 26/8/1998 (tức ngày 5/7 năm Mậu Dần), ngày giỗ vua Lý Anh Tông, khi trống chiêng vừa nổi lên, 11 vầng mây lạ ứng với 11 lăng trong Thọ lăng thiên đức (nơi thờ 8 vị vua nhà Lý cùng Lý thánh mẫu Phạm Thị, Nguyên Phi Ỷ Lan và Lý Chiêu Hoàng) đã hiện lên cách đền khoảng 1 km. Khi đến đền, chỉ còn lại 8 vầng mây trụ trên đỉnh trong suốt thời gian đội tế hành tế rồi tản tại chỗ. Điều này khiến người ta không khỏi không nghĩ rằng đền thờ 8 vị vua nên chỉ có 8 vị vua mới hiển linh trên đỉnh đền trong thời gian tế còn các vầng mây kia như một sự tiễn đưa các vị vua. Bức ảnh Bát đế hiển linh của ông về khoảnh khắc này đã được chụp trong khung cảnh âm vang tiếng vọng cội nguồn bao gồm người đánh trống, người đánh chiêng, người đọc văn tế.
Theo ông Thìn, đền Đô là nơi đất thiêng, thiên địa nhân vi mỹ, đất trời và con người đều làm việc tốt đẹp. Sự xuất hiện của những vầng mây hội tụ khí thiêng trên khoảng trời đền Đô vào ngày hội giỗ vua cho thấy có một sự giao cảm giữa trời và đất, giữa thiên nhiên và con người, giữa xưa và nay.
Đền Đô nằm trên vùng đất "địa linh nhân kiệt" phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (cách Thủ đô Hà Nội gần 15 km). Khu di tích đền Đô có diện tích 31.250 m2, với trên 20 hạng mục công trình gồm: đền thờ, nhà tiền tế, nhà phương đình, nhà bia, nhà để kiệu thờ, nhà để ngựa thờ, cửa rồng, nhà thuỷ đình, văn chỉ , võ chỉ... Từ xưa vùng đất này đã nổi tiếng là vùng văn hóa, là nơi có phong cảnh đẹp. Đền Đô được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn (thế kỷ 11). Đền thờ 8 vị vua nhà Lý đó là: Thái Tổ Lý Công Uẩn (1009-1028); Lý Thái Tông (1028-1054); Lý Thánh Tông (1054-1072); Lý Nhân Tông (1072-1128); Lý Thần Tông (1128-1138); Lý Anh Tông (1138-1175); Lý Cao Tông (1175-1210) và Lý Huệ Tông (1210-1224).
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét