Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Kể chuyện thành Thăng Long

TTO - Nếu có thời gian dạo quanh phố phường Hà Nội, sẽ có bao nhiêu người nhận ra mình đang lướt qua những dấu ấn lịch sử của ông cha? Có tới gần 300 bài viết trong topic “Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội” của tác giả Chitto trên diễn đàn www.phuot.com, thu hút hơn 31.000 lượt xem từ trung tuần tháng 3-2010 đến nay.
Bên hồ Gươm - Ảnh: Nguyễn Việt Cường

1. Thăng Long thành từ thuở xưa, vốn là nơi có được long mạch nội tại của "Nùng sơn chính khí, Tô Lịch giang thần" (Cái khí thiêng của núi Nùng, cái thần của sông Tô). Bên ngoài có long mạch của tam giang (sông Hồng - sông Đà - sông Lô), Tam Đảo, Tản Viên hội tụ, xa hơn nữa là các mạch núi của cả vùng Bắc bộ.
"Lịch sử 1.000 năm không ai gói lại được trong 1.000 chữ, nhưng đó là những chia sẻ những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất nơi tôi đã sinh ra và lớn lên"…
Chitto
Năm 1010, Lý Thái Tổ đã đời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, chuyện này ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng biết rõ về cái “tư thế thần thái” của Thăng Long thành.
Theo truyền thuyết dân gian, các Thánh Bất Tử trong tâm linh người Việt đã bảo hộ Thăng Long thành từ bốn phía trong cả nghìn năm, phía bắc có Thánh Gióng, phía nam có Chử Đồng Tử, phía tây có thần Tản Viên, và người thứ tư trong Tứ Bất Tử là một người con của Thăng Long, Từ Đạo Hạnh, vị thánh là biểu tượng của tu hành, Phật giáo (sau này được thay bằng thánh mẫu Liễu Hạnh).
Bắc Môn - Ảnh: Thủy Trần

2. Này là Tứ Trấn Thăng Long với đền Bạch Mã ở hướng đông, Trấn Vũ hướng bắc, Voi Phục hướng tây và đền Kim Liên hướng nam. Ai sẽ nhận ra chút dấu tích trong sự chênh lệch cốt đường giữa hai nửa của phố Giảng Võ ngày nay lại là một đoạn hoàng thành xa xưa?
Bạn hãy viếng thăm ngôi chùa cổ nhất của đất Thăng Long - chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo giữa hồ Tây. Chùa Diên Hựu với Đài Liên Hoa ngay cạnh Hoàng thành chính là chùa Một Cột, vị trí vẫn như xưa, chỉ có chùa xưa là đã khác. Chùa Báo Thiên - ngôi quốc tự lớn nhất trong triều Lý - Trần - đã đi vào huyền thoại nằm ở vị trí nhà thờ Lớn. Chùa Hòe Nhai nằm ngay bến sông, dấu tích của Đông Bộ Đầu với chiến thắng lịch sử triều Trần.
Và còn bao nhiêu nữa những dấu tích của đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, Thái Miếu, Văn Miếu, đền Đồng Cổ, Hoằng Thánh, hồ Dâm Đàm… mời gọi.
Làng nghề - Ảnh: Nguyễn Việt Cường

3. Hồ Hoàn Kiếm là nơi cư ngụ của cụ rùa thiêng, mấy năm gần đây cụ rùa thỉnh thoảng lại nổi lên làm xôn xao con cháu. Giữa hồ có một cái gò nhỏ, gọi là Quy Sơn, nơi tháp rùa nay đã trở thành một biểu tượng thân quen, có giá trị tinh thân vô giá với Hà Nội.
Dưới thời Lý Trần, khu vực Đông của Thăng Long không được chú trọng nhiều, và hồ nước ở đó gọi là hồ Lục Thủy, thông với sông Hồng, do màu nước xanh đặc biệt.
Vua Lê đi thuyền từ sông Hồng có thể vào hồ, từ đây lên chùa Báo Thiên. Truyền thuyết Lê Lợi trả gươm còn lưu truyền đến ngày nay. Đền thờ Lê Lợi ngày nay nằm ở phía tây hồ, trên phố Lê Thái Tổ với bức tượng đồng vua đứng cầm gươm chĩa xuống hồ, đứng trên một cây cột đá. Đến Hà Nội dịp 1.000 năm cũng nên một lần đến di tích này.
Nhà xưa - Ảnh: Nguyễn Việt Cường

4. Gần hơn, cũng như cây cầu Long Biên, câu chuyện về tàu điện là cả một trang sử dài của Hà Nội thăng trầm. Năm 1900, tại Hà Nội lần đầu xuất hiện tàu điện, công trình nay không còn dấu vết, nhưng đã đi vào trong thẳm sâu, trở thành nỗi nhớ sâu sắc và da diết đối với nhiều người Hà Nội.
Cuối năm 1991, tiếng leng keng cuối cùng của tàu điện đã tắt, nhưng tiếng chuông đó dường như vẫn còn vang vọng trong tâm khảm những thế hệ đã qua tuổi thanh niên.
Có khi nào bạn nghĩ mình sẽ làm một hành trình tìm về quá khứ? Theo những đường ray chạy từ bờ hồ theo Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường qua chợ Đồng Xuân, Hàng Giấy, Quán Thánh đến Thụy Khuê, nối Tràng Thi với Cửa Nam vòng qua Văn Miếu, theo Hàng Bột xuống ấp Thái Hà, rồi theo Hàng Bài, Phố Huế đi Bạch Mai, Chợ Mơ, nối Yên Phụ với ngã tư Kim Liên…
Chitto
T.TRẦN lượt ghi
Dân chơi mạng khâm phục người lữ hành ấy, người đã chia sẻ và cần mẫn kể những câu chuyện về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, từ quá khứ đến hiện tại, từ truyền thuyết đến những dấu tích có thật vẫn đang sừng sững giữa đô thành.
Nhiều người bất ngờ khi người kể chuyện thành Thăng Long không phải là một nhà sử học, làm công việc liên quan đến lĩnh vực lịch sử, bảo tàng hay bảo tồn di tích. Đơn giản, Chitto - người lữ hành ấy “quan tâm và yêu quý Hà Nội cũng như nền văn hóa Việt Nam”.
Lên các diễn đàn mạng, bạn sẽ thật sự thấy say mê và khâm phục Chitto với rất nhiều chia sẻ sâu sắc và đầy giá trị lịch sử - văn hóa, những bài viết và bức hình tràn ngập cảm xúc của một kẻ lang thang. Đặc biệt, khi bạn lắng mình để đọc Những câu chuyện kể thành Thăng Long…
T.TRẦN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét