Làng rừng ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời,tỉnh Cà Mau, thuộc vùng rừng tràm U Minh Hạ. Làng rừng xuất hiện trong thời kháng chiến, do người dân vào rừng cùng nhau đốn cây lá cất nhà ở, cùng nhau tìm nghề làm kiếm sống cho gia đình và bảo bọc cán bộ, đóng góp cho kháng chiến. Mô hình làng rừng không chỉ xuất hiện ở huyện Trần Văn Thời mà còn xuất hiện rất phổ biến ở các vùng có rừng của tỉnh Cà Mau như: huyện U Minh, huyện Cái Nước, huyện Đần Dơi, huyện Ngọc Hiển, huyện Thới Bình.
Làng rừng Khánh Bình Tây có khoảng 5.000 - 7.000 dân tập trung theo từng cụm dân cư ở các gò cao trong rừng. Đây là một trong những làng rừng lớn nhất tỉnh, có tổ chức chặt chẽ, trải trên một địa bàn từ rừng chồi ven biển ăn sâu vào rừng U Minh. Địa hình rất phức tạp, cây tràm mọc trong rừng ngập nước, chua phèn và rất dễ cháy vì thế tổ chức làng rừng trong rừng tràm cũng khó khăn hơn trong rừng đước.
Cư dân ở đây làm nhà trong làng rừng thường có diện tích 20 – 25 m2, có nhà đông người thì 40 – 50 m2 được cất toàn bộ bằng cây tràm, ván tràm. Mái lợp bằng vỏ tràm. Tất cả dường như đều bằng tràm. Bên cạnh mỗi nhà đều có một giếng nước uống – không phải đào mà dùng dao chặt hết lớp rễ cây bề mặt khoảng 1m2, vét lá ủ là có nước. Những giếng hơi xa hơn cũng làm tương tự nhưng lớn hơn dùng để tắm giặt.
Làng rừng ở đây có ban tự quản, ban quản lý thay mặt cho chính quyền tổ chức đời sống, sinh hoạt cho nhân dân. Các ban này có nội quy do dân bàn bạc, lập ra khá chặt chẽ như quy định về ăn ở trật tự, vệ sinh không được tùy tiện đưa người ngoài vào rừng khi chưa có ý kiến của Ban tự quản….
Vào những ngày Tết, làng rừng chuẩn bị thật rôm rả, không khí đoàn tụ đầm ấm và mang đầy hương vị của rừng. Đến làng rừng thì món ăn đặc sản chính là các món được chế biến từ ong: Tàn ong mật cặp vỏ tràm nướng vàng, ong non trộn với sọ dừa non… Món ăn độc đáo chỉ ở làng rừng mới có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét