Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Một chiều quan tái

TTO - Có những buổi chiều ngang qua cuộc đời khiến tôi nhớ mãi, nó như những ngăn ký ức đầy ám ảnh mà mỗi khi có dịp lại nhói lên, đau đáu trong lòng. Nhưng có lẽ sẽ không nỗi nhớ nào dằng dặc và miên man đến thế như những chiều nơi miền quan ải ấy...
Ô xòe rực lên trong nắng - Ảnh: N.V.C.

Buổi chiều bắt đầu từ phiên chợ đã tan. Bóng những người dân tộc cắt ngang đường leo qua những mỏm núi đá trở về nhà. Hối hả. Đàn ông, đàn bà, người già, con trẻ, kẻ váy áo rạng rỡ bồng bềnh, người ô xòe rực lên trong nắng...
Giữa cao nguyên đá tai mèo Đồng Văn mùa đông lạnh lẽo và u ám ấy, giữa những chập chùng hoang vu và vắng lặng đến rùng mình, tôi nhỏ bé, bạn đồng hành tôi nhỏ bé, những người con của rẻo cao nhỏ bé…
Chúng tôi cùng lặng lẽ đi, cắt ngang con đường Hạnh Phúc, thả bước theo Mã Pí Lèng danh trấn giang hồ, có thể nào nghe được tiếng dòng Nho Quế đang chảy dưới thung sâu?
Buổi chiều nghiêng nắng - Ảnh: N.V.C.

Buổi chiều nghiêng nắng qua những mỏm núi đá xếp lớp lớp lên nhau xô về tận cuối trời, chỗ này mới vừa ấm áp bởi nắng soi, vừa bước qua chỗ kia đã thấy lạnh tê tái người vì hơi núi.
Dăm gốc cây cộc mọc chơ vơ trên lưng núi, dăm mái nhà đơn sơ nằm nép sau bờ rào… Đâu đó thoáng ấm mắt nhìn bằng những dải khăn màu phơi phất phơ trên triền đá, xa lắm, phía bên kia bờ vực, dường như không ai có thể chạm vào…
Một khoảnh khắc trên guồng sợi cô độc - Ảnh: N.V.C.

Buổi chiều cứ đi và dừng lại khi bất chợt gặp một guồng sợi cô độc quay trong nắng nhạt, những đứa trẻ co ro vì áo mỏng ngơ ngác đứng ven bờ taluy âm dương nhìn đám khách lạ đường xa, những gùi cỏ trĩu trên vai nhọc nhằn vất vả, một con dốc dài mà chiếc xe đạp nào qua cũng luôn phải còng lưng theo từng nhịp bước chân.
Buổi chiều luôn dừng lại ở cuối chân dốc ngã ba có đường đi Mèo Vạc, một lối rẽ dắt vào Săm Pun vời vợi mây trời. Người Mông mang bàn gỗ, ghế gỗ và bát rượu ngô ra mở quán cho những người đi chơi chợ cuối tuần về tìm chỗ nghỉ chân.
Quán rượu chỉ có khèn Mông, điếu cày, can rượu đầy sóng sánh, có cái chai chắt rượu màu thủy tinh xanh. Bát sành sứt miệng, bát nhựa cáu cạnh, chỉ có rượu là trong, nhìn rõ những hạt bụi đen nằm yên nơi đáy bát.
Rượu đắng, cay cay và sẵn sàng làm kẻ lữ hành chung chiêng, chuếnh choáng. Thứ rượu mà khi rót ra người đàn bà chủ quán nâng bát lên chỉ nhìn chăm chăm vào mắt khách đường xa và lẩm bẩm một câu “Cạn nào”.
Phiên chợ đã tan - Ảnh: N.V.C.

Người chưa say thì uống cho say - Ảnh: N.V.C.

Người Mông đi chợ về ngang dừng cả lại đây. Người chưa say thì uống cho say. Người đã say lại uống nữa cho câu chuyện quanh bàn nước thêm phần rôm rả. Uống ít cũng như uống nhiều, trả 2.000 đồng cũng như trả 10.000 đồng, không ai mặc cả.
Ai thấy vui, thấy buồn đều có thể mượn cây khèn thả khúc tơ lòng qua tiếng nhạc trầm buồn và cô quạnh, có gì như tan loãng, hụt hẫng ở cái ngã ba mà nhìn bốn phía xung quanh đâu cũng là núi cao ngất đỉnh trời.
Có bao buổi chiều như thế đã ngang qua cuộc đời?
Bao bước chân người Mông đã bước qua ngã ba này trong chiều quan ải… Bao nhiêu người đàn bà đã ngồi đợi chồng tan cuộc rượu với bạn bè trong hư vô và ma mị… Bao người đàn ông đã nhớ mang xe đạp đi đón vợ dọn hàng chiều… Bao đứa bé đã líu ríu bước chân theo bố mẹ trên con đường hun hút gió?… Tôi không biết.
Tôi không phải đỉnh núi trên kia, không phải con đường như dải lụa mắc quanh lưng núi, không phải cánh đồng đỗ tương vàng lá, không phải cây ngô đang trổ bắp giữa nhọc nhằn những hốc đá tai mèo.
Người trên núi - Ảnh: N.V.C.

Tôi là vị khách miền xuôi lên miền ngược. Và tôi hạnh phúc khi được hít căng lồng ngực hơi thở bình yên và chậm rãi của chiều trên núi.
Một chiều quan tái... Ấm lòng khi những ngón tay đan vội giấu sau vạt áo, một vòng tay ôm dịu dàng và giọt nước mắt hạnh phúc của bạn đồng hành đã rơi…
THỦY TRẦN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét