Lễ hội Giã La và tục tắt đèn đêm giã hội là nhằm tôn vinh người anh hùng có công diệt hổ dẽ cứu dân làng Ỷ La và La Nội (Hà Nội), chứ không mang tính phồn thực như nhiều người tưởng.
Lễ hội Giã La là lễ hội lớn, nổi tiếng ở vùng xứ Đoài xưa (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội) của hai làng Ỷ La và La Nội với tục tắt đèn vào đêm giã hội. Từ lâu, lễ hội này được nhầm tưởng của làng La Khê (cũng là một trong bảy làng La cổ) và cũng cho rằng, đây là lễ hội mang tính phồn thực. Thực ra, đây là lễ hội tôn vinh người anh hùng có công diệt hổ dữ cứu dân hai làng La trên và tục tắt đèn vào đêm giã hội là để diễn lại sự tích đó.
Mỗi lề hội lại gắn với một câu chuyện hoặc một vị anh hùng riêng và nó là niềm tự hòa, nét văn hóa của mỗi làng quê Việt. |
Lễ hội Giã La gắn với sự tích vị Thành hoàng của hai làng Ỷ La và La Nội, xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (cũ), nay là phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ngài được tôn thờ tại ngôi Đình chung, dựng ở điểm giữa hai làng. Ngài có tên huý là Đương Cảnh Công. Dân vẫn kiêng huý gọi Cảnh là Kiểng.
Tương truyền, mẫu thân của Ngài là cô thợ nhuộm Trần Thị Châu quê ở làng Sài Trang huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, đạo Hải Dương. Một lần cô đi nhuộm đến Đại La Trang và Kỳ La Khu gặp dịp mở hội. Cô dừng chân xem hội và nghỉ lại đêm tại bìa rừng, nay là nền quán. Đêm ấy, cô được thần mộng triệu rồi thai nghén mà sinh ra Ngài. Lớn lên Đương Cảnh theo học Tản Viên Sơn Thánh rồi kết duyên cùng hai nàng Tuyên Nương và Chính Nương là con gái động chủ Ma Thị (mẹ nuôi của Sơn Tinh, cũng dòng tiên thánh). Nhớ lời mẹ kể về nguồn gốc của mình, ngài đưa hai nàng về Đại La sinh sống.
Ít năm sau, cả một vùng rộng lớn của đất nước bị thú dữ hoành hành gây thiệt hại cho gia súc và mùa màng. Vua Hùng Duệ Vương cho sứ giả chiêu cầu người tài ra diệt ác thú cứu dân. Đương Cảnh nghe chiếu truyền, liền tuyển mộ tráng sĩ lên kinh đô xin vua cho đi diệt trừ thú dữ. Hùng Duệ Vương ban cho Đương Cảnh làm Đô đốc, Tả tướng quân. Nhờ có hai bà vợ tiên là Tuyên Nương và Chính Nương, thông thạo rừng núi dẫn đường, với tài trí của mình cùng sức mạnh của dân binh, bầy thú dữ lần lượt bị tiêu diệt.
... vì thế, việc làm rõ những tích, chuyện xung quanh lễ hội không chỉ có ý nghĩa với người dân mà còn có ý nghĩa đỗi với nền văn hóa Việt nói chung. (Ảnh minh họa: Thu Ngà) |
Cuối cùng, chúa sơn lâm là con “hổ lang vàng mép” bị sa bẫy tại Đại La. Ngài cho dân giết hổ lột da xả thịt mở tiệc ăn mừng. Xương hổ chất thành đống, đến nay còn dấu tích là Đống Hùm nằm trên đường từ đình lên quán La. Da hổ được giữ làm kỷ niệm chiến tích diệt trừ dã thú. Về sau, trong hội rước tấm da hổ được trải trên kiệu của Ngài.
Một hôm vào ngày mùng 2 tháng chạp, tự nhiên có một dải mây hồng đẹp như tấm lụa buông xuống trước cửa trại của Ngài. Ngài chưa kịp định thần thì hai bà vợ tiên đã theo đó mà ngược về trời. Cảm buồn về cảnh cô đơn, Ngài lên ngựa đi sâu vào rừng và cũng không bao giờ về nữa.
Dân địa phương vội trình việc này lên với vua. Nhớ công trạng của Ngài, vua Hùng phong Ngài chức Đô đốc Linh ứng Đại Vương và cho dân làng tôn thờ làm Thành hoàng. Dân làng nhớ ơn Ngài và 2 phu nhân đã dựng quán làm đình đời đời đèn nhang thờ phụng. Lễ hội thường năm năm mở đại đám một lần vào các ngày từ mồng 6 đến 14 tháng Giêng.
Giã La là đoạn cuối của lễ hội diễn ra từ chiều đến hết đêm 14 tháng giêng, có tục tắt đèn đánh hổ rất hấp dẫn, người xưa đã đặt thành ca: “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thày/Vui thì vui vậy, chẳng tày Giã La”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét