(iHay) Những món ngon từ ếch vừa thân quen vừa có sức gợi nhớ sâu lắng. Nhất là ngày mưa...
Tật xấu của ếch là to mồm, để con người dễ rình bắt... làm thịt. Và nết dễ thương của loài này là yêu... hết mình!Bắt ếch xưa
Thuở trước, khi đồng ruộng chưa biết mùi thuốc hóa học, ếch nhái “lềnh khênh”. Mùa sa mưa, khoảng cuối tháng tư đầu tháng năm âm lịch, đám ếch liền mở hội yêu đương. Sẽ thật cuồng nhiệt, nếu trời mưa đêm và không trăng. Hằng trăm cặp ếch mùi mẫn hát ca: “ộp ộp... ẹo ... ẹo...”.
Nết dễ thương của loài ếch là... yêu hết mình - Ảnh: Tạ Tri |
Đêm không mưa, dân soi ếch thiện nghệ có cách bắt tài tình hơn. Họ dày công rình bắt một con ếch mồi, thường là anh ếch đực. Chất giọng "anh" này phải trầm bỗng, vang xa và “hát” khỏe, đủ sức chiêu dụ những nàng ếch cái trong chu vi 20- 30 ha.
|
Đợi khuya, vắng trăng và họ phải tắt đèn soi. Chưa đủ, họ phải biết cách giả giọng ếch đực thật giống và uy lực hơn. Nhằm chọc tức con mồi, khiến con mồi tưởng địa bàn mình có thêm một đối thủ đáng gờm - không khéo sẽ mất các “nàng” như chơi. Thế là con mồi càng “ộp ộp” to hơn để so tài dụ... cái. Nào ngờ gặp... hàng "gài", đành vào giỏ thợ soi.
“Kéo” vài hơi thuốc rê... thư giãn, anh thợ soi tranh thủ tận hưởng không khí trong lành để thêm mến yêu ruộng đồng. Kế tiếp, anh này để giỏ ếch mồi vào vạt ruộng nào có nhiều ếch kêu. Vẫn phải tắt đèn. Tuy bị nhốt, anh ếch mồi vẫn ấm ức với các đối thủ khác đang ung dung mời gọi bạn tình. Thế là anh này lại “ộp ộp” sung hơn. Âm vang quá quyến rũ, khiến các nàng ếch mê say lao đi tìm "thần tượng". Mất “bồ”, đám ếch đực bên ngoài vừa nhảy theo vừa “ộp ộp” như năn nỉ, oán giận... Vô tình, khúc nhạc đồng quê thêm du dương, đa điệu!
Bất thần, đèn soi vụt sáng, anh thợ soi nhanh tay “thộp lia” chúng...
Cháo ếch nấm tràm bổ dưỡng, mau hồi phục sức khỏe sau bệnh - Ảnh: Tạ Tri |
Ngoài ra còn nhiều cách bắt “tỉa” ếch khác, nhưng không hấp dẫn bằng: câu, ngóe, đặt lộp...
|
Tuy lượng ếch đồng càng khan hiếm nhưng nhu cầu ăn ếch của người ta vẫn không giảm. Khoảng 6 năm nay, những chú ếch nuôi khờ khạo xuất hiện trên bàn ăn thường hơn. Ban đầu là nhà hàng tiệc cưới, quán nhậu và cơm bình dân với nhiều món trông khá bắt mắt: chiên bơ, lẩu, nướng...
Xét về hình thức, mùi vị thì đạt còn chất lượng thì... “hên xui”. Thịt ếch nuôi thường bở và lạt hơn ếch đồng. Cho nên cỡ ếch 350-400g/con trở lên mới tạm được.
Có ếch nuôi lớn, còn phải tìm được đầu bếp phóng khoáng, mới mong thưởng những món phá cách.
Ví dụ đang mùa thương thử, khoảng tháng năm đến tháng bảy âm lịch, nắng mưa bất chợt khiến người dễ bị cảm mạo, uể oải... húp tô cháo ếch nấm tràm sẽ tươi tỉnh lại. Rau ăn kèm ngoài giá đậu, gừng, hành, tiêu xanh... nếu có thêm đọt hoặc nụ sầu đâu (guồng) thì càng tuyệt. Nấm tràm và sầu đâu đều có vị đắng thanh nhưng hậu ngọt tựa cơm thảo. Cái đắng giúp kích thích khẩu vị, diệt khuẩn (ếch có nhiều giun ký sinh), giải nhiệt... giúp cơ thể dung nạp đạm ếch thuận lợi hơn.
Thịt con ếch bà tự nhiên vô cùng săn chắc, ăn dễ ghiền - Ảnh: Tạ Tri |
Hoặc những chiều mưa rả rích, chúng tôi thường “gom bi” nhâm nhi với món ếch om trà. Trà gồm hai loại: nước trà ngon và ít lá trà xanh. Thêm ít khổ qua đèo, măng tươi, chuối chát, mè rang vàng... ấp ủ cái đùi ếch trắng phau, nóng hổi! Thịt ếch đạm cao nhưng thuộc dạng âm hàn. Thế nên việc phối ngẫu những rau gia vị vừa kể giúp bổ trợ, cân bằng âm dương nhằm đạt ngưỡng hài hòa.
Khổ nỗi, mấy cô bạn thường được ưu tiên cái đùi. Còn phái mạnh đành nhấm nháp xương sống, tay chân... gân guốc. Có đứa vọt miệng an ủi: Ăn gì bổ nấy mà!
Vài giọt mưa tạt vào bàn, lại nhớ thằng bạn
gầy còm, “chuyên gia” nhấp ếch thiếu thời. Nhớ cánh đồng mơn mởn chở che
nhiều sản vật. Nhớ...!
Bài, ảnh: Tạ Tri
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét