Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Lễ hội Nghinh Ông chính thức là di sản văn hóa cấp quốc gia

(Dân trí) – Lễ hội này được tổ chức lần đầu tiên từ năm 1917 nhằm thể hiện lòng thành của ngư dân trong vùng tạ ơn biển cả đã đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân làng.

Đối với người đi biển, cá Ông là vị cứu tinh của họ. Nhiều câu chuyện kể về các ngư dân đi biển gặp bão, lúc thuyền sắp chìm đã được cá Ông cứu đưa vào bờ hoặc bảo vệ không cho cá mập ăn thịt...
Ngư dân Mỹ Long kể rằng: Ngày xưa cá mập ở Mỹ Long nhiều lắm, ngư dân ra khơi bằng tàu buồm, khi bị bão tố thường bị chìm, nhiều người không may bị cá mập ăn thịt nên từ đó vào giữa mùa biển ngư dân tổ chức cúng biển để trả lễ. Lúc đầu, ngư dân cúng ở mé biển, đến năm 1922 mới cất miếu Bà Chúa Xứ để thờ. Lễ hội Nghinh Ông hay còn gọi là Lễ cúng biển được chia ra làm 6 phần chính gồm: Đi nghinh Nam Hải bằng ghe biển; Giỗ tiền chức; Chánh tế; Chánh tế Bà Chúa; Đi nghinh ngũ phương; Tống tàu ra khơi.
Đây là di sản phi vật thể thứ hai của Trà Vinh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận
Đây là di sản phi vật thể thứ hai của Trà Vinh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận
 
Lễ nghinh ông Nam Hải là lễ chính thức đầu tiên của Lễ hội cúng biển Mỹ Long, được tiến hành vào lúc 10 giờ sáng ngày 11 tháng 5 âm lịch.
Những vị chủ lễ vận lễ phục được bố trí ngồi trên chiếc ghe được mùa nhất của mùa biển năm trước dẫn đầu đoàn ghe biển ra khơi để làm lễ cúng. Buổi sáng ngày 11.5 âm lịch, ban tổ chức làm lễ nghinh Chúa Xứ Nguyên nhung, trong đó có cảnh cha con Quan Vũ mở đường cho phu kiệu đưa bà xuống thuyền.
Các nhân vật Quan Công, Châu Xương, Quan Bình do những kép hát bội được rước từ Bến Tre sang; có hai thuyền phò tá hai bên và những thuyền khác hộ tống phía sau. Thuyền ra khơi, diễu hành trên biển trông rất ngoạn mục.
Với các nghi thức mang đậm nét truyền thống dân tộc, Lễ hội cúng biển (hay lễ hội Nghinh Ông) đã trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân dịa phương và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham dự... Cùng với các nghi thức được tiến hành theo truyền thống, lễ cúng biển Mỹ Long ngày nay còn có nhiều trò chơi phục vụ nhu cầu giải trí của ngư dân như đi cà kheo, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao... tạo nên không khí vui tươi những ngày lễ hội.
Đây là di sản phi vật thể thứ hai của Trà Vinh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Trước đó (tháng 4/2013) nghệ thuật Chầm - riêng Chà pây của nghệ nhân Khmer ở xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Hà Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét