Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Ngỡ ngàng với "Không gian nhà Việt"

(PetroTimes) - Chúng tôi rất ngỡ ngàng khi đến tham quan "Không gian nhà Việt" nằm giữa con đường nối hai di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn – Hội An (thuộc xã Điện Phương, Điện Bàn - Quảng Nam) bởi đây là một công trình phục dựng rất  quy mô, bề thế của không gian kiến trúc nhà Việt đầu tiên ở Việt Nam.  
Không gian nhà Việt Nam đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động vào ngày 13/6/2013 nhân dịp lễ hội “Quảng Nam – Hành trình di sản lần thứ V". Không gian nhà Việt Nam là quần thể với 18 nếp nhà cổ xưa độc đáo nhất của người Việt và 15 công trình kiến trúc được phục dựng trở lại trong diện tích 11.000m2 với năm khu chuyên biệt: khu bảo tàng, khu làng nghề truyền thống, khu bán hàng mỹ nghệ, khu trà đạo và khu đặc sản ba miền.
Chuyến tham quan Không gian nhà Việt đã để lại trong tôi những trải nghiệm, triết lý về không gian nhà cổ xưa với những cảm xúc bất ngờ. Đầu tiên là hình ảnh của hàng trụ biểu. Bốn cột trụ biểu (mô phỏng theo “tứ trụ kình thiên”- rất vững vàng theo thuật phong thủy) bằng gỗ cách điệu bao quanh ôm ấp lấy tảng đá vuông, cùng tựa vào cây thiên tuế nghìn năm như là sự ôm ấp mạnh mẽ, cứng cáp, trường tồn, tạo nên giá trị vững chắc của không gian truyền thống Việt. Tìm hiểu thêm sự tài hoa lịch lãm của tổ tiên trong kiến trúc, xây dựng và bài trí không gian sinh hoạt, ăn ở, thờ cúng…
Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà tam gian tứ hạ có niên đại 200 năm tuổi có số cột nhiều nhất (108 cây cột), được xem là kiến trúc nhà ở cổ truyền lớn nhất ở Quảng Nam có niên đại 200 tuổi. Kết quả điều tra, nghiên cứu năm 2001 của Trung tâm Bảo tồn di sản di tích Quảng Nam và Đại học Nihon, Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) khẳng định đây là kiến trúc nhà ở cổ truyền lớn nhất Quảng Nam. Ngôi nhà tranh tre 1 gian 2 chái, một trong 3 nếp nhà còn lại ở Quảng Nam, vừa được phục chế, niên đại 102 năm tuổi với các nông cụ truyền thống của cư dân ngàn năm lúa nước miền Trung.
Ngoài ra, còn có các kiến trúc nhà ba gian hai chái vỏ cua, nhà bát giác cung đình Huế, nhà tranh tre cổ và nhà Gươl Cơtu Quảng Nam, nhà bánh ú Quảng Trị, nhà rường Quảng Bình, nhà lá mái Bình Định, nhà tứ giác và lục giác Nam Bộ, nhà bát giác và nhà ba gian hai chái Bắc Bộ, nhà thủy đình hồ bán nguyệt Bắc Ninh… cũng đặc sắc không kém.
Không dừng lại ở việc trưng bày, Lê Văn Vĩnh còn hướng đến việc đào tạo một thế hệ những người thợ mộc trẻ nắm bắt, gìn giữ tinh hoa làng nghề thống qua chính sách hỗ trợ, khuyến khích những người thợ lớn tuổi, có thâm niên trong nghề làm nhà cổ để những người này truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho những thế hệ trẻ sau này.
Sau bước chân tham quan, tìm hiểu, còn gì thú vị hơn khi du khách thưởng thức ẩm thực ba miền đất nước với những món ăn quê dân dã của mì Quảng, bún bò Huế, cơm lam, cơm hến, bánh nậm, bánh bèo, bánh xèo… bên chén trà trong sương sớm, cùng với hương hoa cau, hoa khế thoang thoảng trong không gian làng quê thanh bình, êm ả với tiếng chim hót líu lo.
Không gian nhà Việt được phục dựng quy mô bề thế:
Lối đi trong Không gian nhà Việt
Nhà tam gian tứ hạ Quảng Nam có số cột nhiều nhất (108 cây cột), được xem là kiến trúc nhà ở cổ truyền lớn nhất ở Quảng Nam, có niên đại 200 tuổi
Một góc nhà tam gian tiền đường Huế, phục dựng từ phủ đường của cụ Tôn Thất Đạm, một vị quan ở Huế
Thủy đình, kiểu nhà 1 gian 2 chái cổ lầu Bắc Bộ
Không gian nội thất thờ ông tổ nghề mộc Lỗ Ban
Ngôi nhà tranh tre 1 gian 2 chái, một trong 3 nếp nhà còn lại ở Quảng Nam, vừa được phục chế, niên đại 102 năm tuổi
Nông cụ của ngàn năm cư dân lúa nước
Những mái nhà được lợp bằng chất liệu truyền thống.
Đúc mì Quảng Phú Chiêm truyền thống tại không gian nhà Việt
Tiên Sa - Đức Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét